Reuters dẫn thông tin từ các nhà ngoại giao cho biết, các ngoại trưởng NATO sẽ xem xét các lựa chọn khác nhau, từ tập trận đến gửi lực lượng tới phía đông Ukraine và đặt căn cứ thường trực của liên minh tại đó - một bước được Moscow xem như hành động khiêu khích.
Xe tăng quân sự Nga tại Crimea ngày 31/3/2014. |
Trong khi Mỹ và các đồng minh khẳng định sẽ không can thiệp quân sự vào tình hình Ukraine, NATO đang cố gắng tìm cách trấn an các thành viên của nó tại Đông Âu, đặc biệt là các nước cộng hòa Liên Xô cũ ở vùng Baltic, rằng họ đang được che chở dưới chiếc dù an ninh của liên minh.
Mỹ đã tăng số lượng máy bay thường xuyên tuần tra trong không phận NATO trên các nước vùng Baltic và tăng cường tập tập trận với lực lượng không quân Ba Lan.
Theo các nhà ngoại giao cấp cao của NATO, cuộc khủng hoảng tại Crimea có thể dẫn đến các vấn đề thiết lập căn cứ lâu dài mà tổ chức này đang thảo luận.
Ben Rhodes, phó cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng nói với các phóng viên hồi tuần trước rằng Mỹ sẽ tăng triển khai tạm thời lực lượng mặt đất và lực lượng hải quân với các đồng minh NATO ở Đông Âu. "Chúng tôi hy vọng các đối tác châu Âu khác sẽ cùng chúng tôi làm như vậy", ông nói.
Một cuộc họp của 28 thành viên NATO |
Lực lượng Mỹ tại châu Âu đã giảm từ hơn 300.000 trong những năm cuối cùng của cuộc chiến tranh Lạnh xuống còn khoảng 100.000 vào năm 2005. Con số này được ước tính vào khoảng 80.000 trong năm 2014, trong đó có 14.000 dân thường, theo Tư lệnh của quân đội Mỹ ở châu Âu.
Nhiều đồng minh châu Âu đã cắt giảm chi tiêu quân sự nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính và Mỹ gần đây cũng công bố các động thái tương tự. Washington đang gây sức ép đồng minh châu Âu để đảo ngược sự cắt giảm, nhưng có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc đấu tranh khó khăn.
Các Bộ trưởng sẽ xem xét lại các chương trình hợp tác của NATO với Nga như vấn đề giải trừ vũ khí hóa học Syria mà liên minh này dọa sẽ đình chỉ do bất đồng về vụ sáp nhập Crimea.
Ngoài ra, trong một cuộc họp với Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Andriy Deshchytsia, các Bộ trưởng NATO cũng dự kiến sẽ cung cấp sự giúp đỡ để giúp lực lượng vũ trang của Ukraine hiệu quả hơn.
Ukraine cũng đã trình một danh sách dài các yêu cầu giúp đỡ cho NATO và tổ chức này dự kiến sẽ đồng ý tăng cường hợp tác với quân đội Ukraine, bao gồm cả đào tạo, tổ chức tập trận chung, thúc đẩy cải cách.
Moscow đã lên tiếng phản ứng quyết liệt với ý định gia nhập hoặc kết nạp Ukraine vào NATO. Liên minh quân sự này cho biết, hiện họ chưa có ý định kết nạp Kiev, nhưng bỏ ngỏ khả năng này trong tương lai./.
Nguyễn Hường