Bằng cái tâm yêu nghề, sự tận tụy đối với từng học sinh, chính cô Bùi My Thúy – Giáo viên Sử Trường trung học phổ thông chuyên Gia Định (quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh) đã truyền niềm đam mê học Sử cho biết bao thế hệ học trò.
Số lượng học sinh đoạt giải học sinh giỏi môn Sử cấp thành phố của Trường Gia Định, và như thế mỗi năm đều dài thêm hơn.
Người ‘hun đúc’ tình yêu môn Sử cho học sinh thành phố
Đã 23 năm gắn bó với nghề dạy chữ, cô Bùi My Thúy đã được rất nhiều thế hệ học sinh ở đất Sài thành yêu quí, kính trọng. Bởi lẽ, cũng chính nhờ cô Thúy, rất nhiều học sinh đã thay đổi quan điểm cũ kỹ, khi cho rằng, môn Sử là môn khô khan, khó học và khó nhớ.
Với quan điểm cái gì cần cho học sinh thì sẽ sẵn sàng làm hết cách, như một con ong cần cù, chăm chỉ, cứ thấy những điều gì hay, điều tốt thì cô Thúy lại ‘tha’ vào các bài giảng, truyền đạt lại kiến thức cho học sinh.
Chính vì vậy, trong các giờ học Sử của cô Thúy, học sinh chưa bao giờ cảm thấy nhàm chán hay buồn ngủ.
Không chỉ đơn giản là dạy dễ hiểu, dễ tiếp thu, mỗi tiết học Sử của cô Thúy đứng lớp luôn mang đến cho học sinh nhiều kiến thức mới lạ, sâu rộng.
Cô Bùi My Thúy - giáo viên 'hun đúc' tình yêu môn Sử cho nhiều học sinh ở TP.HCM (ảnh: P.L) |
Học sinh luôn được khuyến khích tự tìm hiểu, thuyết trình, xem các bộ phim hay tự dưng nên những video clip ngắn về những nội dung sắp học. Tất cả nhằm giúp cho học sinh thoát ra những con số khố khan, những sự kiện lịch sử dài dòng, khó nhớ.
Chính vì có những bài học từ các chuyến đi thực tế ở các di tích lịch sử tại địa phương, kèm theo những phương pháp học bộ môn tích cực, trong đó, cái chính là người học được nói lên quan điểm cá nhân của mình, kể cả ý kiến trái chiều, đã giúp cho học sinh phát huy mạnh hơn khả năng tư duy độc lập, thuyết trình.
Ngoài ra, cũng chính từ những chuyến đi thực tế tại các viện bảo tàng, di tích lịch sử, học sinh sẽ đưa ra được những phương án, góp ý bảo tồn, bảo vệ các di tích lịch sử của TP.Hồ Chí Minh ngày càng tốt hơn.
Nhờ cách dạy dễ hiểu, dễ nhớ của cô Thúy, mà ngày càng có nhiều học sinh chuyển từ trạng thái chán ngán môn Sử, sang yêu thích môn Sử nhiều hơn.
Theo cô Bùi My Thúy, để học sinh yêu thích môn Sử, cần có sự hợp tác đến từ 2 phía là giáo viên và học sinh.
Trong đó, vai trò của giáo viên như là người truyền lửa, khơi dậy sự thích thú lẫn đam mê môn học cho học sinh vẫn là quan trọng nhất, tránh hình thức học thuộc lòng, học ‘vẹt’ mà không hiểu.
Cô Thúy có một bảng vàng thành tích đáng nể trong việc bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia cho TP.HCM (ảnh: P.L) |
Để có được những giờ lên lớp đầy chất lượng, cô Thúy luôn dành thời gian, công sức để sưu tầm, tìm hiểu tài liệu, hình ảnh và các kiến thức mới nhất.
Muốn học sinh nhớ bài lâu, hiểu kỹ vấn đề, cô luôn dành thời gian hệ thống hóa lại kiến thức, lược bớt những tư liệu quá dài dòng, khô khan và khó nhớ.
Giáo viên với bảng thành tích vàng đáng nể
Với tâm yêu nghề, sự tận tụy dành cho mỗi học sinh, cô Bùi My Thúy đã ngày càng truyền ngọn lửa đam mê học môn Sử cho rất nhiều thế hệ học sinh ở TP.Hồ Chí Minh.
Và cứ như thế, càng ngày, số lượng học sinh đoạt giải học sinh giỏi môn Sử cấp thành phố, cấp quốc gia của Trường chuyên Gia Định ngày càng dài hơn.
Chỉ tính riêng trong 15 năm nay, cô Bùi My Thúy đã bồi dưỡng cho rất nhiều học sinh của Trường Gia Định đoạt giải học sinh giỏi cấp thành phố môn Sử, gồm 66 em đoạt giải nhất, nhì, ba cấp thành phố, 60 em đoạt huy chương vàng – bạc – đồng tại cuộc thi Olympic 30/4.
Cô Thúy (phải) trong lần vinh dự nhận giải thưởng Võ Trường Toản tại TP.HCM (Ảnh: Báo Tuổi Trẻ) |
Đặc biệt hơn, ở giải học sinh giỏi cấp quốc gia, chính nhờ có cô Thúy bồi dưỡng và huấn luyện, TP.Hồ Chí Minh đã 2 năm học có giải nhì cấp quốc gia môn Sử (năm học 2013 – 2014, 2015 – 2016), cùng với rất nhiều giải ba và khuyến khích ở cấp quốc gia.
Nói về kỷ niệm vui trong những lần bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, cô Bùi My Thúy kể lại: Cách đây 6 năm, có một học sinh giỏi cấp thành phố môn Sử, nhưng khi lập danh sách thi quốc gia thì phụ huynh hết sức phản đối, không cho vào đội tuyển vì sợ mất bài, hổng kiến thức ở lớp, khi tập trung ôn thi đội tuyển.
Chính nhờ sự quan tâm, động viên từ phía nhà trường, sau nhiều lần thuyết phục, phụ huynh cũng đã đồng ý cho em học sinh này đi thi học sinh giỏi quốc gia, và cuối cùng em cũng đoạt giải 3 môn Sử.
Sau kỳ thi, trường quyết tâm hỗ trợ cho những học sinh này theo kịp bài học, bằng cách cắt cử các giáo viên bộ môn kèm lại bài cho học sinh theo hình thức 1 kèm 1, mà học sinh vẫn yên tâm đi thi, không sợ bị mất bài.
Gắn bó và tâm huyết với nghề, luôn có ý thức trau dồi chuyên môn và kỹ năng sư phạm, luôn biết khiêm tốn khi có ai đề cập đến bản thân mình, cô Thúy luôn tự hào được đóng góp sức mình vào sự nghiệp phát triển chung của ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố, cho những tài năng môn Sử của quốc gia.