Israel là một đất nước đặc biệt, đến mức mà tới nay nhiều câu hỏi về đất nước này dường như vẫn còn treo lơ lửng trong tâm thức mỗi người Việt Nam cũng như rất nhiều người dân tộc khác trên thế giới.
Tại sao người Israel lại đặc biệt thông minh và trí tuệ? Nền giáo dục đặc sắc Do Thái có được ngày nay bắt đầu từ khi nào, dựa trên triết lý giáo dục và nền tảng tôn giáo nào? Lý do nào giúp người Do Thái làm nghề nông suốt cho đến thế kỷ 6 lại chuyển dần thành công sang các ngành nghề khác như kinh doanh, ngân hàng, tài chính, luật sư, bác sỹ, học giả ở khắp các miền đất trên thế giới? Chìa khóa của những thành tựu này là gì? Và chúng ta có thể học hỏi được những gì qua lịch sử giáo dục của người Do Thái?
Từ trái qua phải: Đại sứ Israel Eilon Shahaer, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty sách Thái Hà - Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dịch vụ trực tuyến Vinapo - Trần Trọng Thành. |
Tất cả những câu trả lời này có thể được tìm thấy trong cuốn "Số ít được lựa chọn" của hai giáo sư của Đại học Prince gốc Israel và Italia thực hiện. Cuốn sách sẽ cho người đọc một bức tranh toàn cảnh mà từ đó giáo dục đã định hình nên lịch sử đáng tự hào của người Do Thái, không chỉ xưa kia mà cả ngày nay.
Mặc dù đã trải qua một lịch sử rất cay đắng, nhưng tính đến năm 2011 thì có hơn 180 trong số 800 giải Nobel đã được trao thuộc về người Do Thái, 30% triệu phú tại Mỹ và 25% giáo sư hàng đầu thế giới là người Do Thái, ông Đặng Hoàng Xa - kỹ sư điện tử vi tính tại Thung lũng Silicon đồng thời là một nhà nghiên cứu lâu năm về tôn giáo cho biết.
Cuốn sách được dịch sang tiếng Việt và chính thức được ra mắt tại buổi tọa đàm "Giáo dục định hình nên lịch sử Do Thái như thế nào". Cuốn sách đến với độc giả Việt Nam nhờ sự hợp tác của Đại sứ quán Israel và Công ty Cổ phần Sách Thái Hà, Sách điện tử Alezaa.
Tại lễ ra mắt, Đại sứ Israel tại Việt Nam Eilon Shahar cho biết người Israel rất coi trọng giáo dục từ trong mỗi gia đình, trong đó cha mẹ trao quyền cho con cái để chúng độc lập trong việc lựa chọn tương lai của mình.
Nền giáo dục Do Thái cũng luôn khuyến khích học sinh đưa ra ý kiến riêng của mình và độc lập, bảo vệ đến cùng ý kiến đó.
Ông Trần Trọng Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dịch vụ trực tuyếnVinapo, sách điện tử Alezaa cho biết, giáo dục gia đình chính chứ không phải giáo dục nhà trường hay xã hội là nền tảng có tính quyết định tạo ra nền giáo dục Israel và các thành tựu ngày nay của quốc gia này ngày nay.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Cổ phần Sách Thái Hà cho rằng nền giáo dục của Do Thái và Việt Nam có rất nhiều điểm tương đồng. Tìm hiểu về lịch sử giáo dục Do Thái có thể giúp chúng ta nhận ra những khiếm khuyết trong nền giáo dục Việt Nam và từ đó tìm cách khắc phục.
Ngoài ra, cuốn sách còn cung cấp rất nhiều kiến thức cho việc giáo dục con cái trong gia đình để hướng tới sự hình thành nhân cách và tri thức tốt nhất cũng như chìa khóa để mỗi cá nhân vươn tới thành công./.