Nên quy định mức tăng hỗ trợ cho HS dân tộc thiểu số theo lương cơ sở

07/07/2023 06:37
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dự thảo cho thấy sự quan tâm kịp thời của các cấp, các ngành đối với các em học sinh vùng thiểu số, vùng khó khăn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách (gọi tắt là dự thảo)

Bày tỏ ý kiến về dự thảo, ông Nguyễn Công Viên – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sông Mã (Sơn La) cho biết:

“Đọc dự thảo này thầy trò vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Sông Mã cảm thấy rất vui mừng. Dự thảo cho thấy sự quan tâm kịp thời của các cấp, các ngành đối với các em học sinh vùng thiểu số, vùng khó khăn.

Hiện nay, học sinh mầm non trên địa bàn được hỗ trợ theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP với mức 160.000 đồng/trẻ/tháng.

Các cô giáo sẽ nấu 22 bữa ăn/tháng cho các cháu, nghĩa là mỗi bữa của các cháu chỉ hơn 7.000 đồng, gạo phụ huynh góp. Các cô giáo rất vất vả khi phải tính toán từng chút một sao cho học sinh vừa ăn đủ no lại đảm bảo dinh dưỡng trong bối cảnh giá thực phẩm ngày càng tăng cao.

Còn theo dự thảo mới, trẻ em nhà trẻ bán trú được hỗ trợ tiền ăn bữa chính, bữa phụ. Mỗi trẻ sẽ được hỗ trợ mỗi tháng là 360.000 đồng và không được hưởng quá 9 tháng/năm học. Mức hỗ trợ đã được tăng lên nghĩa là các cô cũng bớt vất vả đi nhiều phần.

Còn đối với học sinh bán trú, hiện nay các em được hưởng chế độ bán trú theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP với mức hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương cơ sở, nghĩa là các cháu được hưởng khoảng 596.000 đồng/tháng (tính đến trước ngày 1/7/2023).

Theo Dự thảo Nghị định, mỗi học sinh sẽ được hỗ trợ mỗi tháng lên 900.000 đồng, hỗ trợ tiền nhà ở của học sinh mỗi tháng cũng được quy định là 360.000 đồng/tháng.

Những mức tăng này sẽ giúp học sinh có thêm điều kiện để tăng cường chất lượng các bữa ăn và thầy cô có điều kiện sửa sang chỗ ở cho học sinh bán trú”.

Ông Nguyễn Công Viên cũng cho rằng, điểm mới của dự thảo chính là việc quy định cụ thể về tiền hỗ trợ nấu ăn cho các em học sinh:

“Dự thảo Nghị định có quy định cụ thể hơn về tiền hỗ trợ kinh phí phục vụ nấu ăn cho học sinh bán trú. Theo đó, định mức là 2.700.000 đồng/tháng/30 học sinh, số dư từ 15 học sinh trở lên được tính thêm một lần định mức và được hưởng 9 tháng/năm học. Trường hợp cơ sở giáo dục có số lượng dưới 30 học sinh thì được tính bằng một định mức.

Tuy nhiên, ở cấp mầm non vẫn chưa thấy có quy định cụ thể về việc hỗ trợ kinh phí nấu ăn cho trẻ bán trú. Cụ thể tại khoản 1, điều 7 của dự thảo về mức hưởng chính sách đối với cơ sở giáo dục mầm non chưa thấy có quy định về tiền hỗ trợ kinh phí phục vụ nấu ăn cho học sinh mầm non.

Đây là việc hết sức quan trọng để cơ sở giáo dục mầm non có căn cứ để ký hợp đồng với lao động làm công tác nấu ăn trong trường học.

Vị trí nấu ăn trong trường mầm non rất quan trọng tuy nhiên không có vị trí việc làm nên các trường phải ký hợp đồng. Đặc thù các trường mầm non tại vùng cao, điểm lẻ rất nhiều, cô giáo thường phải tranh thủ thời gian để nấu ăn cho các con.

Nếu có kinh phí cụ thể về việc hỗ trợ kinh phí nấu ăn cho các em sẽ giúp các cơ sở giáo dục, các cô giáo đỡ vất vả hơn”.

Cũng bày tỏ ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phôi – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ (Lai Châu) cho biết:

“Khi biết Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo nghị định về chính sách cho học sinh bán trú vùng dân tộc thiểu số, các thầy cô giáo, các cơ sở giáo dục hết sức vui mừng. Vì theo dự thảo, kinh phí hỗ trợ các em học sinh, các cơ sở giáo dục đều được tăng lên.

Tuy nhiên, trên vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn việc mua thực phẩm hết sức khó khăn, giá lại cao do công vận chuyển nên mức tăng chưa được như kỳ vọng.

Hiện nay, học sinh bán trú theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP với mức hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương cơ sở, nghĩa là các cháu được hưởng khoảng 596.000 đồng/tháng. Từ ngày 1/7, mức lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng, em sẽ hưởng 40% của mức 1,8 triệu đồng tức là khoảng 720.000 đồng/tháng.

Bữa cơm bán trú của học trò ở Hướng Sơn (Hướng Hóa, Quảng Trị). Ảnh: LC
Bữa cơm bán trú của học trò ở Hướng Sơn (Hướng Hóa, Quảng Trị). Ảnh: LC

Dự thảo Nghị định có tăng tiền lên mức 900.000 đồng/tháng, so với giá thực phẩm đang tăng cao ở vùng miền núi thì các thầy cô còn vất vả để cân đối lượng dinh dưỡng trong từng bữa ăn. Nếu có thể, dự thảo nên quy định tăng mức hỗ trợ dựa theo lương cơ bản vì có thể sau này lương cơ sở sẽ tăng, các em học sinh cũng được hưởng tăng theo thay vì giữ 1 mức hỗ trợ như vậy.

Từ năm 2016 đến nay, khi Nghị định 116 được áp dụng, lương cơ sở cũng vài lần tăng, nên chính sách các em học sinh cũng vì thế mà được nâng lên, chế độ dinh dưỡng được cải thiện”, ông Phôi nêu ý kiến.

“Hiện nay, các em học học sinh được hỗ trợ đều như nhau. Nghĩa là không phân biệt học trò lớp từ 1 đến lớp 9. Cũng không phân biệt học sinh nữ, học sinh nam để có những hỗ trợ cụ thể.

Tôi cho rằng dự thảo nên chia theo lứa tuổi học sinh tiểu học và học sinh trung học cơ sở để đưa ra mức tính toán hợp lý theo từng độ tuổi”, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ bày tỏ quan điểm.

Trần Phương