Tại Điều 6, Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non có tổ chức bán trú được hợp đồng lao động thực hiện nhiệm vụ nấu ăn. Cứ 35 trẻ nhà trẻ và 50 trẻ mẫu giáo thì được ký 1 lao động hợp đồng nấu ăn.
Nhưng quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non lại không có vị trí việc làm với cô nuôi. Vì vậy, các trường mầm non đều phải tự tuyển dụng các cô nuôi.
Từ năm 2019, chế độ dành cho người lao động hợp đồng vị trí nấu ăn trong các trường mầm non công lập tại tỉnh Quảng Trị được thực hiện theo Nghị quyết số 35/2018/NĐ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị.
Theo đó, người lao động sẽ có tiền lương và được hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội 9 tháng/người/năm.
Tiền hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp bằng tiền lương hàng tháng x (nhân) 21,5% (do ngân sách nhà nước hỗ trợ 9 tháng/người/năm)
Riêng đối với vùng đặc biệt khó khăn, ngân sách hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là 12 tháng/người/năm.
Nghĩa là, trong 3 tháng nghỉ hè, rất nhiều lao động hợp đồng vị trí nấu ăn ở các trường mầm non công lập (không thuộc vùng đặc biệt khó khăn) không được hỗ trợ đóng các loại bảo hiểm.
Không lương, không bảo hiểm nên các lao động này gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Các nhân viên nấu ăn tại các trường mầm non trên địa bàn Quảng Trị phải nghỉ 3 tháng không lương nên đời sống gặp nhiều vất vả. Ảnh minh họa: LC |
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Lê Thị Kim Chi - Hiệu trưởng Trường mầm non Hướng Lập (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) cho biết:
"Trường hiện được giao chỉ tiêu 4 nhân sự lao động hợp đồng làm công tác nấu ăn. Hợp đồng của các cô thường được ký theo năm. Thù lao chi trả được thực hiện theo Nghị quyết 35/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị.
Công việc của các cô vất vả từ sáng đến tối. Ngoài đảm nhận công việc nấu nướng, các cô còn phải mang đồ ăn đến các điểm trường chưa có bếp ăn.
Do tính chất công việc và thực hiện theo quy định của ngành, các cô nuôi sẽ chỉ nhận lương đến tháng 5. Khi các cháu nghỉ hè là các cô nuôi cũng dừng việc.
Do là trường ở vùng đặc biệt khó khăn nên theo Nghị quyết là được ngân sách hỗ trợ đóng bảo hiểm. Tuy nhiên thực tế, các cô vẫn phải tự đóng bảo hiểm vì phía bảo hiểm cho rằng thời gian nghỉ hè tức là các cô không làm việc nên không đóng bảo hiểm được.
Do đó các cô phải tự đóng bảo hiểm theo diện tự nguyện nhưng thủ tục lại lằng nhằng, phức tạp".
Khi được hỏi về công việc của các cô nuôi khi các con nghỉ học, cô Lê Thị Kim Chi cho biết các nhân sự làm nấu ăn ở trường Hướng Lập đều đi làm rẫy phụ chồng con cả.
"Các trường trong huyện cũng kiến nghị nhiều về chế độ cho các cô làm công tác nấu ăn trong nhà trường nhưng vẫn chưa có thay đổi gì", Hiệu trưởng trường Mầm non Hướng Lập cho biết.
Trong năm học, các cô được hưởng lương và đóng bảo hiểm theo quy định tại Nghị quyết 35 của tỉnh. Thu nhập của các cô rơi vào tầm hơn 3 triệu đồng/tháng.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thanh Nga - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa cho biết: "Trên địa bàn huyện Hướng Hóa số lao động làm vị trí nấu ăn trong các trường mầm non công lập là 150. Trong đó có 100 lao động ở vùng đặc biệt khó khăn và 50 lao động ở vùng thuận lợi.
Việc chi trả tiền lương và bảo hiểm cho số lao động này được thực hiện theo Nghị quyết 35/2018/NQ-HĐND tỉnh Quảng Trị.
Lao động nấu ăn ở vùng thuận lợi thì tiền lương được chi trả từ nguồn xã hội hóa 100%, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp do ngân sách của nhà nước hỗ trợ 100% (trong đó ngân sách tỉnh 70%, ngân sách huyện 30%).
Như vậy, khi các cháu nghỉ hè tức là các cô sẽ không có tiền lương mà chỉ được đóng bảo hiểm. Buộc các cô phải tự kiếm sống bằng công việc khác để có thu nhập trong thời gian này".
"Giáo dục và nuôi dưỡng trẻ ở bậc mầm non rất quan trọng nhưng các nhân viên cấp dưỡng ở các trường hiện chưa được quan tâm đúng mức và chưa bảo đảm chế độ lao động. Muốn có một chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ thì cần chú trọng đến khâu chế biến. Trẻ trên vùng cao thấp còi cũng là một phần do dinh dưỡng của các con còn kém, bữa cơm ở nhà phần lớn không đủ chất.
Các cô nuôi cũng đã góp một phần trong việc huy động trẻ ra lớp, giữ gìn chuyên cần ở các trường. Nhiều con em đồng bào thích đi học vì ăn cơm ở trường ngon hơn ở nhà.
Tuy nhiên, với mức lương thấp lại không ổn định vì 1 năm đi làm phải nghỉ ngắt quãng khi các cháu nghỉ hè, rất khó để thu hút, tuyển dụng các nhân viên cấp dưỡng ở trường mầm non, nhất là người có trình độ và muốn gắn bó lâu dài với nghề này.
Về ngành giáo dục tại địa phương rất thương các cô nhưng cơ chế, chính sách như vậy thì cũng chỉ biết động viên và tìm thêm nguồn lực hỗ trợ các cô.
Kiến nghị các cơ quan chức năng cần xem xét hỗ trợ, để người lao động hợp đồng vị trí nấu ăn trong các trường mầm non công lập ở tất cả các vùng trên địa bàn tỉnh an tâm công tác”, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa chia sẻ.
Nói về chế độ của các cô nuôi tại các nhà trường, một lãnh đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cho biết, chế độ tiền lương và bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với lao động hợp đồng vị trí nấu ăn trong các trường mầm non công lập 3 tháng hè là không thực hiện được, do luật quy định không làm việc thì không thể tham gia đóng bảo hiểm bắt buộc.