Câu chuyện cô giáo ở thành phố Hồ Chí Minh bị phụ huynh lén lắp camera trong lớp và phát hiện cô bạo hành học sinh trong nhiều ngày đang làm dư luận vô cùng giận dữ.
Phụ huynh lắp camera phát hiện giáo viên bạo hành (Ảnh cắt từ clip, Báo giadinh.net.vn) |
Hàng trăm ý kiến yêu cầu phải đuổi ngay cô giáo ấy ra khỏi ngành để làm gương cho những người khác.
Cách đây vài tháng, một cô giáo dạy lớp 2 ở Hải Phòng cũng đã bị đuổi khỏi ngành vì đã phạt nhiều học sinh trong giờ kiểm tra.
Có ai thắc mắc vì sao dù không ít thầy cô đã bị đuổi vì bạo hành học sinh mà nhiều giáo viên vẫn không biết sợ? Không lấy đó làm gương để tự bảo vệ mình?
Bởi, cô giáo ấy không phải trường hợp cá biệt hay dùng hình phạt để phạt học sinh. Giáo viên chúng tôi thường nói với nhau: “Chỉ là chưa bị lộ, nếu lắp camera lén vào các lớp học sẽ chẳng còn giáo viên để đi dạy nữa”.
Tiết lộ gây sốc của người trong cuộc
Ngày nào trong một lớp chẳng có một vài học sinh bị đánh. Nhẹ thì bị phạt một roi vào tay, vào mông hay bị tát một cái vào má.
Nặng thì bị dăm bảy roi…Hay bị bắt phạt đứng tại chỗ, phạt quỳ, phạt đứng vào xó lớp, phạt úp mặt vào tường.
Còn chuyện mắng chửi, la hét chỉ là chuyện thường ngày, chuyện xảy ra như cơm bữa trong mỗi lớp.
Nhưng không phải học sinh nào cũng bị đánh, bị chửi, có những em cả năm thầy cô không phải nói nặng một lời nói gì đến đánh.
Những học sinh thường hay bị ăn đòn hoặc bị chửi thì cứ liên tục ngày nào cũng như ngày ấy.
Cái mô típ “bạo hành” quen thuộc ấy cứ được lặp đi, lặp lại hằng ngày, thế nhưng các em vẫn không bao giờ chừa.
Học với thầy cô giáo nào cũng vậy, chỉ nhắc đến tên thì tất cả giáo viên đã từng dạy lớp ấy đều biết về sự lười, sự bướng, độ chây ì hoặc học hành quá yếu.
Em chưa ngoan, chưa chăm, không chỉ ảnh hưởng mình em, sẽ có nhiều học sinh khác trong lớp bị ảnh hưởng.
Không dùng hình phạt học sinh có dạy nổi không?
Chẳng thầy cô giáo nào lại muốn bạo hành học sinh. Có là giáo viên mới hiểu được điều này.
Cũng có những thầy cô rất hiền và không bao giờ nặng lời nói gì đến phạt đòn học sinh. Vào lớp, thầy cô cứ dạy, trò nào thích thì nghe, không nghe cũng chẳng sao.
Không ít lần đang dạy ở lớp, nghe lớp bên cạnh quá ồn, ngỡ không có giáo viên nên định bước qua để nhắc nhở.
|
Thế nhưng tôi bỗng khựng lại vì thấy cô giáo ấy đang đứng ở giữa lớp giảng bài.
Chỉ kế bên và sau lưng nhiều em đang chơi lật hình và ngồi ăn hàng ngon lành.
Những thầy cô giáo nghiêm khắc luôn muốn trò học ra học, chơi ra chơi.
Thế nên sẽ không bao giờ chấp nhận chuyện học sinh không chịu học mà quậy phá trong lớp, thiếu tập trung hoặc không nghe lời.
Lớp học 40-50 học sinh không có sự tập trung của một em đã khó dạy huống hồ vài ba em một lúc.
Những học sinh không tập trung thường là những em học yếu, kém. Thế nên áp lực phải dạy cho những đối tượng này tiến bộ càng đè nặng lên vai thầy cô.
Phụ huynh cần chung tay với giáo viên hơn là việc giăng bẫy
Giá như khi nghe các con về phản ánh, cô đánh nhiều bạn trong lớp, phụ huynh cần tìm hiểu kỹ vì sao các bạn bị đánh?
Trước là nhắc nhở các con phải chú ý, phải tập trung trong giờ học.
Về nhà hoàn thành tốt những việc thầy cô yêu cầu.
Sau đó, phụ huynh tới trường gặp cô, kể cho cô nghe những điều các con về nói và đề xuất cô không nên quá nghiêm khắc như thế khiến các con sẽ sợ và ảnh hưởng đến việc học tập.
Chúng tôi tin rằng, giáo viên gặp được những phụ huynh chân tình như thế sẽ vô cùng cảm động và biết ơn. Chắc chắn sau những lần trò chuyện ấy, cô giáo sẽ biết kìm chế mình hơn.
Nhưng đằng này, phụ huynh lại lén đặt máy quay để lấy bằng chứng. Cô giáo bị bắt quả tang đang bạo hành học trò, trước sức ép của dư luận có thể cô sẽ bị đuổi học.
Thế nhưng ai dám chắc, đuổi giáo viên này thì giáo viên khác sẽ không còn bạo hành học sinh?
Điều quan trọng là gia đình cần chung tay với thầy cô để các con chăm hơn, ngoan hơn trong mỗi giờ học.