Thiếu lòng yêu thương, xin đừng vào ngành sư phạm

22/07/2019 06:44
LÊ LAM HỒNG
(GDVN) - Nghiêm khắc khác với hung dữ. Nghiêm khắc nhưng luôn độ lượng, vị tha, còn việc hành hạ học sinh để thỏa mãn ích kỷ thì không nên có trong môi trường giáo dục.

Thiếu lòng yêu thương, xin đừng vào ngành sư phạm! Nói như vậy bởi vì tôi đã từng chứng kiến nhiều giáo viên còn thiếu lòng thương yêu con trẻ, mặc dù kiến thức chuyên môn khá tốt.

Có thể do nhiều hoàn cảnh vì “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” nên mới có những cách ứng xử với các em như thế này. Nhưng, cũng có người do bản tính không hiền lành (Nam Bộ gọi là dữ) lại chọn ngành sư phạm…

Gặp những thầy cô này, học sinh nhiều phen chỉ biết khóc thét mà thôi. Có người coi sự hành hạ các em là để xả những nỗi bức xúc dồn ứ, tích tụ trong người… cho nhẹ bớt.

Vì thế, các em thường truyền nhau nghe “định luật bảo toàn và biến hóa bực tức” như sau: Bực tức không tự nhiên mất đi mà cũng không tự nhiên xuất hiện, nó chỉ chuyển đổi từ người này sang người khác.

Muốn giáo dục học sinh tốt, thầy cô cần có tình thương (Ảnh minh họa: NOP15)
Muốn giáo dục học sinh tốt, thầy cô cần có tình thương (Ảnh minh họa: NOP15)

Sự “hành hạ” đó nằm trong “phạm vi cho phép” như hỏi bài đầu giờ (còn gọi là kiểm tra miệng).

Nếu hôm đó, thầy cô vừa cãi nhau ở nhà do xích mích chuyện gia đình (hoặc có một chuyện gì đó bực tức, chưa “giải tỏa” kịp) thì y như rằng buổi kiểm tra miệng trở thành những giờ phút khủng khiếp.

Giáo viên vào lớp với bộ mặt hầm hầm như vừa xem xong một bộ phim hình sự.

Giáo viên không cười, không nói, mở sổ ra với mệnh lệnh ngắn gọn: “Kiểm tra miệng”. Cả lớp đứa nào đứa nấy run như chuột lột, mặt mày tái xám…

Vô phúc cho em nào bị gọi lên bảng hôm ấy.

Thuộc bài thì không sao nhưng nếu cứ ấp a ấp úng, tỏ ra không thuộc bài là cả lớp sẽ nhận được một trận “lên lớp” ra trò.

Nào là lười biếng, nào là coi thường bộ môn, coi thường giáo viên…Và đương nhiên là em sẽ bị một điểm không vào sổ.

Lẽ ra, cuối giờ hoặc buổi khác các thầy cô nên tìm hiểu việc học hành của em đó như thế nào để biết, để thông cảm, sẻ chia.

Nhưng ở đây, sự bực bội, nóng nảy không tự kiềm chế đã lấn át cả tình thương, lấn át cả lý trí giáo viên.

Có lần tôi gặp một em học sinh nam chừng 14, 15 tuổi (người dân tộc Khmer) đi làm phụ hồ xây nhà.

Công việc khá nặng nhọc vì luôn phải đứng giữa trời nắng để trộn hồ, khiêng hồ cho thợ xây…

Còn nuôi dưỡng quan điểm giáo dục hà khắc, thầy cô còn bạo hành học sinh
Còn nuôi dưỡng quan điểm giáo dục hà khắc, thầy cô còn bạo hành học sinh

Tôi hỏi: “Sao con không ở nhà đi học mà lại đi làm vậy?” thì em cho biết đang học dở lớp 9 nhưng cô giáo bắt chép phạt vì không thuộc bài.

Chép lần thứ nhất là 100 lần bài học, hết cuốn tập 100 trang.

Nhưng cô kiểm tra lại thấy thiếu nên phạt chép lần thứ hai với quy định 150 lần.

Em nói thấy mắc cỡ với bạn và chán học nên nghỉ ở nhà đi phụ hồ… mà “sướng” hơn đi học.

Bản tính nghiêm khắc khác với bản tính hung dữ. Nghiêm khắc nhưng luôn độ lượng, vị tha.

Còn việc hành hạ học sinh để thỏa mãn sự ích kỷ của mình thì hoàn toàn không nên có trong môi trường giáo dục.

Nhiều khi tôi muốn có đề nghị rằng: khi tuyển sinh vào ngành sư phạm, cần có sự tham gia của bộ môn “Nhân tướng học”.

Người xưa có nói: “Trông mặt mà bắt hình dong”, nhìn gương mặt là có thể biết được người hiền lành hay người có tâm địa ác, người thật thà với người gian xảo…

Có tình thương sẽ giải quyết ổn thỏa mọi tình huống sư phạm, dù nó “gay cấn” tới đâu. Giải quyết tình huống bằng lý trí nhưng cũng xuất phát từ tình thương của mình.

Học sinh chưa thuộc bài chẳng hạn, thầy cô thay vì giận dữ, quát mắng, ghi điểm “khủng bố” thì hãy bình tĩnh lắng nghe lòng mình, cho các em nợ điểm, sẽ trả bài lần sau.

“Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, càng vui hơn, hạnh phúc hơn khi gặp được những thầy cô hiền lành, giàu tình thương con trẻ.

LÊ LAM HỒNG