Ngày 24/6/2021, Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ công bố chỉ số PAR INDEX năm 2020. Đáng chú ý, theo bảng đánh giá này, Bộ Giáo dục và Đào tạo giảm 6 bậc so với năm 2019, xếp cuối bảng về chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) trong năm 2020, thấp nhất trong số 17 bộ, cơ quan ngang bộ.
Sau khi bảng chỉ số này được công bố khiến dư luận không khỏi thắc mắc, không biết chuyện gì đang xảy ra khiến Bộ Giáo dục có chỉ số đánh giá thấp như vậy. Liệu, để cải thiện được tình hình này thì đây có phải là một nhiệm kỳ đầy căng thẳng và vất vả Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn hay không?.
Chia sẻ dưới góc độ để góp ý và chung tay cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo thay đổi tích cực trong hành trình mới, để có được những chỉ số khả quan hơn cho năm sau, Giáo sư Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết:
“Theo tôi, có thể bộ máy của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang cũ quá. Vì thế, rất có thể nhiều phương án về cải cách hành chính mà Bộ này đưa ra nó chưa thực sự thiết thực và có được hiệu quả tương xứng như mong muốn.
Bản thân tôi cũng đã từng là một thành viên trong Ban sửa đổi Luật giáo dục, vì thế mà tôi thấy rằng, ngay chính trong khâu soạn thảo các văn bản, quy trình ra các quyết định của Bộ Giáo dục nhiều khi cứ đưa ra, được một thời gian thì rút lại. Riêng mấy vấn đề thiếu nhất quán như thế cũng đã làm ảnh hường không nhỏ đến uy tín của Bộ rồi. Vì thế, khi Bộ Nội Vụ tiến hành khảo sát để cho ra những chỉ số đánh giá như thế về Bộ Giáo dục là không oan!”.
Giáo sư Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh: Thùy Linh |
Chúng tôi cũng đề cập đến chuyện, có phải vì đang có sự buông lỏng trong một số cơ quan của Bộ Giáo dục để dẫn đến những ồn ào trong thời gian gần đây. Ví dụ như vụ cấp dưới tự ý sửa văn bản của Thứ trưởng khiến Bộ Giáo dục phải thành lập Hội đồng kỷ luật xảy ra mới đây đã làm cho uy tín của Bộ này bị giảm sút [1].
Nhận định về việc này, Giáo sư Dong cho biết: “Thực tế thì trong một cơ quan đơn vị nào cũng sẽ có chuyện nọ chuyện kia, chỉ là ít hay nhiều mà thôi. Nhưng đó không hẳn là nguyên nhân căn bản của sự việc. Theo tôi, cái gốc vẫn là quan niệm về đổi mới trong xã hội hiện nay của đội ngũ tham mưu cho lãnh đạo Bộ chưa ổn.
Đặc biệt, có những bộ phận vẫn giữ lại quan niệm và cách điều hành công việc theo lối cũ, có sẵn, không theo kịp với tình hình mới. Bây giờ cải cách rồi thì những người làm công tác hành chính của Bộ cũng phải có sự nghiên cứu thực tế và đưa ra các phương án cụ thể.
Ví dụ, vừa qua cũng đã có cơ quan trực thuộc tham mưu cho lãnh đạo Bộ đưa ra phương án về quy định chất lượng giáo viên cũng đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Có thể thấy, nếu Bộ Giáo dục vẫn không thay đổi được tư duy cũ, ăn sâu vào tiềm thức của đội ngũ nhân lực nội bộ của mình thì tôi nghĩ nhiệm kỳ này là một nhiệm nhiệm cực kỳ vất vả với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn để có thể đưa bộ máy chuyển động đúng hướng”.
Góp ý về đổi mới trong công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính với Bộ Giáo dục, Giáo sư Dong chia sẻ: “Vẫn còn một thực tế đó là, bộ máy tham mưu các kế hoạch, chính sách cho lãnh đạo Bộ Giáo dục vẫn đang rất yếu kém, nhất là lãnh đạo của một số Vụ.
Chẳng hạn, có một số cấp Vụ phụ trách một mảng giáo dục, nhưng khi xuống khảo sát, đánh giá về hiện trạng ở cơ sở mà Vụ đó quản lý thì trình độ và khả năng nhìn ra vấn đề để giải quyết sự việc của các cán bộ Vụ có khi còn yếu hơn cơ sở. Vậy thì làm sao có thể tham mưu tốt cho lãnh đạo Bộ được.
Về việc này, tôi nghĩ Bộ Giáo dục cũng nên mạnh tay để tổ chức một đợt sàng lọc lớn trong nội bộ. Việc này, nếu kiên quyết thì có thể chúng ta làm được, khi ấy mới mong có được một bộ máy Bộ Giáo dục thật mạnh mẽ đễ có thể đảo ngược được tình thế, đem lại kết quả tốt về cải cách hành chính trong những năm sau.
Bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính của các Bộ và cơ quan ngang Bộ năm 2020. Ảnh: chụp màn hình Moha.gov.vn |
Cụ thể là cần tạo ra một đợt khảo sát đánh giá năng lực cho toàn bộ nhân lực của Bộ. Xét thấy người nào không đủ tiêu chuẩn thì cho nghỉ. Hoặc tổ chức theo dõi độc lập các nhân sự trong một thời gian, người nào làm yếu, kém thì thay thế.
Đồng thời, cũng nên tổ chức các đợt thi tuyển để chọn lựa và đưa vào bộ máy những người có năng lực thực sự vào làm việc. Tóm lại, Bộ Giáo dục nên có một cuộc đổi mới nhân sự thật mạnh mẽ và trên diện rộng để tuyển chọn những nhân sự thật xứng đánh, đủ tầm thì mới mong bộ máy ấy hoạt động tốt lên được.
Vì để có thể “lội ngược dòng” trong việc thay đổi chỉ số xếp hạng cải cách hành chính thì cần cả một bộ máy tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo Bộ. Một mình Bộ trưởng Sơn không thể xoay chuyển được tình hình”.
Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) là gì?
PAR INDEX 2020 là kết quả điều tra xã hội học bằng cách phát 22.500 phiếu để cán bộ, công chức tự đánh giá và hơn 36.000 phiếu ghi ý kiến của người dân, doanh nghiệp.
PAR Index gồm đánh giá bên trong của cơ quan (có thẩm định của Hội đồng Thẩm định Trung ương) và đánh giá bên ngoài của người dân.
Nội dung của Chỉ số được xác định trên 8 lĩnh vực, gồm:
1. Công tác chỉ đạo điều hành CCHC;
2. Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản QPPL;
3. Cải cách thủ tục hành chính;
4. Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước;
5. Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC
6. Đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan HC và ĐVSN công lập;
7. Hiện đại hóa nền hành chính;
8. Thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông.
Tổng điểm của PAR Index là 100 điểm với phương pháp đánh giá như sau: thông qua kết quả tự chấm điểm của địa phương (đánh giá bên trong) với số điểm tối đa là 62/100 điểm và kết quả điều tra xã hội học (đánh giá bên ngoài) với số điểm tối đa là 38/100 điểm [2].
Tài liệu tham khảo:
[1] http://daidoanket.vn/cap-duoi-tu-y-sua-van-ban-cua-thu-truong-bo-gddt-thanh-lap-hoi-dong-ky-luat-5642256.html
[2] http://sonoivu.tiengiang.gov.vn/chi-tiet-tin/?/Tim-hieu-ve-cac-chi-so-danh-gia-dia-phuong-trong-cac-linh-vuc-Cai-cach-hanh-chinh-nang-luc-canh-tranh-hieu-qua-quan-tri-va-hanh-chinh-cong