New York Times ngày 4.8 đưa tin cho rằng Nepal "ngang bướng" đã bị Thủ tướng Ấn Độ "mê hoặc" trong chuyến thăm vừa qua bằng một loạt các biện pháp được giới truyền thông hai nước hết lời ca ngợi.
Trong chuyến thăm Nepal hồi cuối tuần vừa qua, Thủ tướng Narendra Modi đã cam kết không can thiệp vào công việc nội bộ của một Nepal "có chủ quyền" và thúc giục Quốc hội nước này hoàn thành Hiến pháp đã bị trì hoãn trong nhiều năm.
Chuyến thăm Nepal của ông Modi đã được chào đón nhiệt liệt. |
Ông Modi cũng cam kết hỗ trợ 1 tỷ USD cho Nepal trong chuyến thăm của mình.
Quan hệ giữa Ấn Độ và Nepal là lịch sử dài của sự thờ ơ và ngờ vực. Trung Quốc, một đối thủ lớn trong khu vực, đã bước vào khoảng trống do New Delhi bỏ lại trong khu vực Nam Á và tạo ra các mối đe dọa ngày càng tăng tới lãnh thổ, an ninh lẫn lợi ích kinh tế của Ấn Độ.
Kể từ khi lên nắm quyền hồi đầu năm nay, ông Modi đã tích cực thực hiện các chương trình giúp Ấn Độ giành lại ảnh hưởng ở các nước láng giềng như Nepal, Sri Lanka.
"Những cái ôm của ông Modi ở Nepal đã đặt ra câu hỏi về việc liệu Trung Quốc có thực sự là mối đe dọa tới ảnh hưởng của Ấn Độ như nhiều người lo ngại hay không", Sridhar K. Khatri, cựu giám đốc điều hành Trung tâm Nam Á tại Katmandu cho biết.
Chuyến thăm Nepal của ông Modi xuất phát từ sự đồng thuận bất thường của Nepal gần đây cho phép New Delhi giúp phát triển thủy điện và du lịch. Ông Modi là Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ trong 17 năm qua tới thăm Nepal.
"Chuyến thăm của ông (Modi) đã mang lại niềm hy vọng lớn", Ayush Shrestha, một giám đốc marketing 29 tuổi tại Nepal cho biết. "Nó đã khiến ngay cả các đảng chính trị của chúng tôi ngồi xuống, đặt sang một bên sự khác biệt của họ và thảo luận về chương trình nghị sự với Modi."
Nepal được cai trị nhiều thế kỷ qua bởi chế độ quân chủ. Quốc gia này có 125 nhóm dân tộc, 127 ngôn ngữ với 27 triệu dân trong những cộng đồng thù địch nhau khiến cho việc đạt được sự đồng thuận trở nên khó khăn và làm tổn thương nền kinh tế của mình.
Nhưng Nepal dường như đang kiệt sức do cuộc khủng hoảng năng lượng. Nhiều chính trị gia Nepal từng phản đối thỏa thuận xây dựng đập thủy điện của Ấn Độ từ năm 1996 giờ lại quay lại ủng hộ kế hoạch này.
Theo BBC, thỏa thuận xây dựng đập thủy điện không chỉ đem lại lợi ích to lớn cho Nepal mà cả Ấn Độ. Mối quan tâm chính của Ấn Độ là kiểm soát lũ và tưới tiêu. Ấn Độ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước ngầm nghiêm trọng. Trong khi đó, rất nhiều con sông ở Ấn Độ có nguồn gốc từ Nepal. /.