Tổng thống Mỹ Barack Obama mới đây đã lên tiếng cho rằng Nga đã mắc sai lầm khi điều quân tới Syria và cảnh báo rằng, những nỗ lực chống đỡ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad của Moscow và Tehran có thể khiến họ bị kẹt trong một vũng lầy.
Tuy nhiên, theo Emile Hokayem, một thành viên cao cấp về an ninh Trung Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế nói với Business Insider, rất có khả năng những phán đoán của ông Obama đã sai.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: Business Insider. |
Theo Hokayem, sự can thiệp của Nga đã cung cấp cho chính quyền Assad một khả năng quân sự rất quan trọng mà họ còn thiếu trong suốt cuộc xung đột: yểm trợ bộ binh tấn công bằng không kích chính xác.
Chiến đấu cơ của lực lượng không quân Syria phần lớn là từ thời Liên Xô đã lỗi thời và "khá vô dụng trong chiến đấu", không thể hỗ trợ cho lực lượng bộ binh tác chiến trên mặt đất. Việc Nga triển khai hàng chục chiếc Su hiện đại đã giúp chính quyền Syria lấp được khoảng trống này.
Hơn nữa, chính quyền Assad nhận thấy rằng thời điểm hiện nay rất có lợi cho các hoạt động không kích do năng lực phòng không của các tổ chức đối lập đã bị hạn chế.
Ngoài ra, sau 4 năm xung đột, nhiều công trình dân sự đã bị phá hủy, dân số còn lại thưa thớt. Tình trạng này đã tạo điều kiện cho các cuộc không kích đạt được hiệu quả cao mà lại ít gây thương vong cho dân thường, một vấn đề nhạy cảm.
Theo Hokayem, việc Nga triển khai lực lượng không quân tới Syria đã làm thay đổi cuộc chơi ở những nơi lực lượng Assad dễ bị tổn thương nhất.
Các cuộc không kích của Nga đã tạo ra một đảm bảo giúp chính quyền Assad không chỉ trụ vững, thậm chí còn có thể khôi phục quyền kiểm soát đối với nhiều khu vực đã bị khủng bố và phiến quân đánh chiếm trước đó. Hokayem nhận xét, tư duy chiến lược của Nga rất tốt và đang tỏ ra rất hiệu quả trong vấn đề Syria.
Mục tiêu của Kremlin là biến Syria thành vũng lầy đối với các đối thủ chính trị, dồn và quây Mỹ, phân chia châu Âu, gây khó khăn cho Thổ Nhĩ Kỳ và các đối thủ khác.
Ngày 30.9, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã lên tiếng ủng hộ các cuộc không kích của Nga tại Syria khi nó đem lại các hiệu quả khá cao. Điều đó cho thấy Mỹ đang bị dồn vào tình thế buộc phải thừa nhận rằng, Nga đóng một vai trò mang tính xây dựng và hiệu quả ở Syria, thúc đẩy Washington tham gia tích cực hơn vào việc tìm kiếm một giải pháp chính trị cho vấn đề này.
Cách hành xử đặt ra các mục tiêu rất rõ ràng và hành động dứt khoát của người Nga đã khiến các đối tác và đối thủ tại Syria hoang mang, hỗn loạn.
Tuy nhiên, dù các động thái của Nga có thiếu khôn ngoan như lời ông Obama nói hay không, Mỹ và các đối tác của mình có biện pháp ứng phó mạch lạc hay không, thì sự tham gia của Nga cũng đã làm cho cuộc khủng hoảng Syria trở nên khó giải quyết hơn, Hokayem kết luận.