Các quốc gia tìm kiếm sự "giải phóng" khỏi ảnh hưởng của Mỹ trong tương lai gần có thể tìm kiếm sự hỗ trợ của Nga, tờ Giornale II của Ý dẫn lời chuyên gia Matteo Karneletto cho biết.
Mới đây, Phó Tổng thống thứ nhất của Afghanistan Abdul Rashid Dostum, người đang tìm kiếm sự giúp đỡ của Nga trong cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo IS, đã có cuộc gặp gỡ với Tổng thống Chechnya Ramzan Kadyrov - một đồng minh thân cận của Moscow.
Cuộc gặp gỡ giữa ông Kadyrov và Phó Tổng thống Afghanistan (trái). Ảnh Giornale II. |
Trong buổi làm việc, nhà lãnh đạo Afghanistan đã được chứng kiến một màn trình diễn đặc sắc của Specnaz, một lực lượng đặc biệt đáng sợ của Nga và có vẻ đã bị thuyết phục trước sức mạnh của lực lượng này.
Specnaz là lực lượng đặc nhiệm huyền thoại gồm các sĩ quan ưu tú từ quân đội, các cơ quan tình báo và Bộ Nội vụ Nga.
Theo Matteo Karneletto, Iraq và Afghanistan hiện nay không còn cần tới sự lãnh đạo của Mỹ và thay vào đó đang hướng tới những "cơn gió mới" đến từ Nga.
Sau cuộc Chiến tranh Iraq bắt đầu vào năm 2003, cán cân quyền lực ở Trung Đông đã thay đổi, và Iraq đã trở thành một quốc gia nằm dưới "sự bảo hộ của Mỹ". Nhưng bây giờ, rõ ràng Baghdad quay lưng lại với Mỹ và hướng về phía Nga.
Lý do chính của tình trạng này, có thể là do sự thiếu hiệu quả của các cuộc không kích chống khủng bố của liên minh do Mỹ dẫn đầu đã làm cho Iraq ngày càng bị tàn phá nặng nề.
Phó Tổng thống Afghanistan gặp gỡ lực lượng đặc nhiệm Nga. Ảnh Giornale II |
Matteo Karneletto nhận xét, công bằng mà nói phải thừa nhận rằng Nga đã làm thay đổi luật chơi ở Syria và Iraq. Còn Lầu Năm Góc đã "đánh giá thấp" những khó khăn liên quan đến cuộc chiến chống lại IS ở Syria.
Trước đó, RIA Novosti dẫn lời một quan chức của Hội đồng Liên bang, Valentina Matvienko, cho biết Nga sẽ xem xét tính khả thi về chính trị và quân sự của hoạt động tham gia chống khủng bố IS tại Iraq nếu được chính phủ Baghdad đề nghị chính thức. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh rằng hiện phía Nga vẫn chưa nhận được một đề nghị như vậy.
Nga, Iran, Iraq và Syria đã tạo ra một trung tâm thông tin tổng quát tại Baghdad để phối hợp chống khủng bố IS. Chức năng chính của trung tâm này là thu thập, xử lý, tổng hợp và phân tích dữ liệu về tình hình ở Trung Đông để phục vụ các chiến dịch chống khủng bố IS.
Tờ Wall Street Journal uy tín hàng đầu của Mỹ trước đó cũng đã thừa nhận những thất bại trong chính sách đối ngoại của quốc gia này.
Theo đó, việc Lầu Năm Góc đã "đánh giá thấp" những khó khăn liên quan đến việc tạo ra một đội quân nổi dậy ôn hòa thay mặt Mỹ tham gia chiến đấu trên mặt đất chống lại tổ chức khủng bố ở Syria đã góp phần mở đường cho sự can thiệp quân sự của Nga.
Những khó khăn mà Lầu Năm Góc phải đối mặt cũng đã làm giảm ảnh hưởng quân sự và ngoại giao của Mỹ, mở một con đường cho Nga thúc đẩy các hỗ trợ quân sự cho chính phủ Assad.