Tờ Gazeta của Nga mới đây đã đăng tải bài viết, trong đó dẫn lời các chuyên gia hàng đầu của Nga mổ xẻ về những thiệt hại mà Moscow sẽ hứng chịu khi tiếp tục đứng ngoài vấn đề Biển Đông.
Trung Quốc đánh mất đối tác quan trọng là Việt Nam khi tiếp tục bành trướng trên Biển Đông
Theo Gazeta, Trung Quốc đang tích cực mở rộng lãnh thổ chiếm đóng (bất hợp pháp) ở Biển Đông nhằm theo đuổi cả mục tiêu kinh tế (dầu khí) và chính trị (tăng quyền lực trong khu vực).
Các đảo nhân tạo sẽ là cơ sở để Trung Quốc tiếp tục mở rộng tuyên bố chủ quyền trái phép ra thêm 12 hải lý. |
Gazeta dẫn lời Alexei Maslov, người đứng đầu Đại học HSE tại Oriental, cho biết việc xây dựng các đảo nhân tạo (phi pháp) ở Biển Đông sẽ khiến Trung Quốc đưa ra yêu sách 12 hải lý lãnh hải (vô lý, bất hợp pháp) từ mỗi một hòn đảo nhân tạo này bằng cách bóp méo, thay đổi nội hàm quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Trong những năm qua, Trung Quốc đã tạo ra ít nhất 5 hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông khiến các láng giềng trong khu vực và cộng đồng quốc tế đặc biệt quan ngại. Đây là một hành động cực kỳ vô lý bởi chính Trung Quốc đã bác bỏ cơ sở luật pháp quốc tế trên của các nước láng giềng trong nỗ lực chống lại những tuyên bố bành trướng của Bắc Kinh.
Theo các chuyên gia Nga, việc tìm kiếm các trữ lượng dầu khí mới có tầm quan trọng chiến lược đối với Bắc Kinh và có thể đe dọa sự phát triển bình thường của các nước khác trong khu vực, mà cũng cần các nguồn tài nguyên biển.
Việc theo đuổi yêu sách chủ quyền (vô lý, phi pháp) trên Biển Đông còn giúp Bắc Kinh giành quyền kiểm soát tuyến đường vận quan trọng vận chuyển dầu từ Trung Đông.
Học giả Nga thừa nhận rằng yêu sách bành trướng ở Biển Đông sẽ dập tắt mối quan hệ giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng. Trong đó, mất mát lớn nhất đối với Bắc Kinh là mối quan hệ với Việt Nam, quốc gia từ lâu có mối quan hệ gắn bó trên nhiều mặt với Trung Quốc, ông Maslov nói.
Theo ông, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam và từ lâu đã nuôi tham vọng muốn người Việt phải "lệ thuộc" mình trong mối quan hệ này. Tuy nhiên, trước những hành động xâm lược của Bắc Kinh, Việt Nam đã nhanh chóng đa dạng hóa các hoạt động quốc tế của mình thông qua thúc đẩy hợp tác song phương với các đối thủ của Trung Quốc là Mỹ và Nga.
"Chúng ta có thể nói rằng Trung Quốc đã mất một đối tác tốt là Việt Nam" chuyên gia Nga nói với Gazeta. Trong khi thúc đẩy đa phương hóa quan hệ, Việt Nam và Philippines cũng đang cố gắng giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, Phó Giáo sư nghiên cứu về Mỹ tại Đại học St. Petersburg, Jan Leksyutina, nói.
"Tất cả các khu vực lãnh thổ đang có tranh chấp không thể phát triển đơn phương. Bạn phải ngồi vào bàn đàm phán và thương lượng trên cơ sở luật pháp quốc tế hiện hành, không kích động mở ra một cuộc xung đột ", thành viên Ủy ban Liên hợp quốc về kinh tế, xã hội và văn hóa, Chủ tịch Uỷ ban pháp luật quốc tế của Hiệp hội Liên Hợp Quốc của Nga, Aslan Abashidze, nói với Gazeta.
Việt Nam phải đương đầu với Trung Quốc trên nhiều mặt trận ở Biển Đông, trong đó Bắc Kinh sử dụng giàn khoan 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. |
Lý do Nga không nên đứng ngoài vấn đề Biển Đông
Cho đến nay, Nga vẫn giữ lập trường trung lập trong vấn đề Biển Đông, vẫn im lặng trước các hành vi ngang ngược của Trung Quốc tại khu vực này.
Lý giải về điều này, chuyên gia Gubin cho rằng Moscow không muốn bất hòa với bên nào, không muốn căng thẳng với Trung Quốc nhưng cũng không muốn mất lòng các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia Nga, sự im lặng này có thể sẽ khiến Moscow phải trả giá đắt. Xét về chiến lược lâu dài, bởi lợi ích của Nga trong khu vực Đông Nam Á còn to lớn hơn lợi ích từ mối quan hệ với Bắc Kinh.
Trong nỗ lực giảm thiệt hại do các biện pháp trừng phạt của phương Tây gây ra, Moscow đã thúc đẩy chính sách hướng đông để lấp khoảng trống thông qua tăng cường quan hệ với Bắc Kinh và Đông Nam Á.
Moscow xem Bắc Kinh là một đối tác kinh tế và chính trị quan trọng. Nga đã ký kết các hợp đồng năng lượng lớn với Bắc Kinh trị giá hàng trăm tỉ USD. Trong khi đó, Nga cũng xem Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, là một đối tác quan trọng không kém.
Nhưng Biển Đông cũng rất quan trọng về mặt kinh tế đối với Moscow, bởi nó là nơi các doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện nhiều dự án hợp tác với các tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga như "Zarubezhneft", "Rosneft", "Gazprom", "Lukoil".
Lợi ích của Moscow trong khu vực Đông Nam Á được mở rộng. Đặc biệt, chính Moscow cũng xác định Việt Nam là một "đối tác chiến lược" của Nga, là cửa ngõ dẫn Nga tới thị trường Đông Nam Á đầy tiềm năng.
Ngoài ra, sự trung lập của Nga sẽ đẩy các nước Đông Nam Á tìm kiếm sự giúp đỡ của Mỹ, một động thái sẽ gây trở ngại cho những ý định chiến lược mở rộng sức mạnh của hải quân Nga trong khu vực và trên thế giới.
Biển Đông cũng là một tuyến đường vận chuyển quan trọng đối với Nga, nơi vận chuyển hydrocacbon, hóa dầu và các sản phẩm thép của Nga đến với các đối tác trong khu vực.
Hơn nữa, cảng Cam Ranh của Việt Nam cũng có vai trò vô cùng quan trọng đối với chiến dịch mở rộng sức mạnh Hải quân của Nga, là nơi lý tưởng cho các máy bay chiến lược của Nga tiếp dầu. Moscow cũng đang tìm cách trở lại nơi này.
Tất cả những yếu tố trên nhằm chỉ ra rằng Nga có thể mất rất nhiều nếu để Biển Đông thành một khu vực ảnh hưởng của một thế lực duy nhất, là Trung Quốc hay Mỹ, quốc gia đang tìm kiếm một vai trò ngày càng quan trọng trong khu vực Đông Nam Á. Một khi xem xét kỹ những điều này, Nga sẽ phải nghiêm túc nghĩ đến việc tìm cách ngăn chặn các hành động bành trướng của Bắc Kinh, tờ Gazeta nói.