Nga sẽ tăng cường triển khai những vũ khí mới nào ở Syria?

27/11/2015 14:44
Đông Bình
(GDVN) - Ngoài hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 được thử nghệm, Nga dự kiến sẽ triển khai nhiều vũ khí trang bị mới, can thiệp sâu hơn vào cuộc chiến ở Syria.

Trang mạng quân sự sina Trung Quốc ngày 27 tháng 11 đưa tin, ngày 25 tháng 11 có tin cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đồng ý với kiến nghị triển khai hệ thống tên lửa phòng không S-400 mới nhất ở căn cứ không quân Hmeimim của Bộ Quốc phòng nước này.

Hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400 Nga
Hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400 Nga

Trước đó, máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn rơi máy bay chiến đấu Su-24 của Nga khi nó đang tham gia tấn công các phần tử khủng bố IS ở lãnh thổ Syria.

Tờ “Bưu điện Hoa Nam” buổi sáng ngày 26 tháng 11 cũng cho biết, Tổng thống Nga Putin đã hạ lệnh triển khai hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-400 ở căn cứ không quân ở tỉnh Latakia, Syria, thách thức trực tiếp đối với các máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo mạng sina, S-400 và hệ thống Fort trên tàu tuần dương tên lửa Moscow đã đến bờ biển Syria, sẽ bảo đảm an toàn bay cho phi công máy bay chiến đấu Nga và tiêu diệt bất cứ mục tiêu nào gây nguy hiểm cho máy bay chiến đấu Nga.

Một trợ lý vấn đề hợp tác kỹ thuật quân sự của Tổng thống Nga cho biết, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Nga sẽ rút hệ thống tên lửa phòng không S-400 về nước, chứ sẽ không bán hệ thống tối tân này.

Mạng “Người quan sát” Trung Quốc ngày 27 tháng 11 cuxnig cho biết, vào ngày 26 tháng 11, máy bay vận tải của Nga đã chuyển hệ thống tên lửa tiên tiến S-400 tới Syria để bảo vệ căn cứ không quân Hmeimim ở tỉnh Latakia, Syria, đồng thời tăng cường năng lực phòng thủ trên hướng biên giới Syria.

Hệ thống tên lửa phòng không S-400 Nga
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 Nga

Cụ thể hơn, trang mạng “Nước Nga ngày nay” Nga tiết lộ, Nga đã sử dụng máy bay vận tải hạng nặng An-124 để triển khai tên lửa phòng không S-400 cùng các thiết bị liên quan ở Syria, bao gồm hệ thống radar 96L6E và hệ thống phòng không tên lửa-pháo Pantsir-S1 (phòng không tầm thấp).

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết: “Căn cứ vào chỉ lệnh của Bộ Tư lệnh tối cao Các lực lượng vũ trang Nga, hôm nay một hệ thống tên lửa phòng không S-400 đã được nhanh chóng vận chuyển và đã triển khai ở căn cứ không quân Hmeimim ở Syria.

Hệ thống này đã bắt đầu trực chiến, để cung cấp yểm trợ cho khu vực xung quanh”.

Khi bình luận về sự kiện này, Tổng thống Nga Putin cho biết, biện pháp này vốn không cần thiết, do “không ai trước đó từng nghĩ đến máy bay chiến đấu Nga rơi vào nguy hiểm (trên bầu trời Syria, như Su-24 bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn vừa qua).

Nếu Nga đoán được sẽ bị (kẻ khác) tấn công từ phía sau thì sớm đã có thể triển khai tên lửa S-400 ở Syria để bảo vệ máy bay chiến đấu của mình”.

Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay chiến đấu Su-24 Nga
Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay chiến đấu Su-24 Nga

Nhưng, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, hệ thống S-400 sẽ không dùng để ngắm vào các đối tác của Nga, đó là “những người cùng chúng tôi tấn công các phần tử khủng bố ở Syria”.

Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov, sự kiện Su-24 Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi buộc Nga “bảo đảm an toàn cho máy bay chiến đấu của mình khi chống lại IS và các phần tử khủng bố”.

Hệ thống tên lửa phòng không S-400 là tên lửa phòng không tiên tiến nhất hiện có của Nga. Điều đáng chú ý là, khác với S-400 được nhiều lần trưng bày và tham gia duyệt binh trước đó, hệ thống S-400 được triển khai ở Syria đã sử dụng xe việt dã hạng nặng bánh lốp MAZ-7910.

S-400 có tầm bắn 400 km, có thể chống lại hỏa lực trên không của kẻ thù trên phạm vi lớn. Năm 2012, Nga đã triển khai hệ thống S-400 ở bang Kaliningrad, nơi tiếp giáp với Ba Lan và Lithuania. Việc triển khai này làm cho một khu vực rộng lớn hành động trên không của NATO nằm trong phạm vi tấn công của Nga.

Cựu tổng cục trưởng Tổng cục hợp tác quốc tế Bộ Quốc phòng Nga cho rằng, hệ thống phòng không này sẽ được kiểm nghiệm trong cuộc chiến thực tế ở Syria. Có được điều kiện chiến đấu thực tế như vậy không hề dễ dàng.

Máy bay vận tải chiến lược An-124 Nga
Máy bay vận tải chiến lược An-124 Nga

Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” Trung Quốc ngày 27 tháng 11 cho biết, Nga bắt đầu một đợt triển khai quân sự mới ở Syria. Theo báo chí phương Tây, một loạt hành động này bao gồm triển khai hệ thống tác chiến điện tử ở Syria để khi cần thiết triển khai tác chiến điện tử, triển khai hệ thống tên lửa phòng không S-400 để bảo vệ máy bay ném bom.

Có phân tích cho rằng, một loạt hành động của Quân đội Nga mang tính “phòng thủ”. Nhìn vào trọng tâm thực hiện nhiệm vụ ở Syria của Quân đội Nga, Nga hoàn toàn không có ý định áp dụng các hành động “chủ động báo thù” đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo trang mạng “Washington Free Beacon” Mỹ ngày 25 tháng 11, báo Nga cho biết, Nga đang chuẩn bị thông qua triển khai hệ thống gây nhiễu ở Syria, tiến hành tác chiến điện tử, để đề phòng sự kiện máy bay chiến đấu bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi tiếp tục xảy ra.

Theo một trung tướng về hưu Nga, Nga chuẩn bị sử dụng hệ thống gây nhiễu điện tử cả trên không và mặt đất. Tình hình hiện nay cho thấy, phi công Nga sẽ cảnh giác hơn.

Nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục làm như vậy (bắn máy bay chiến đấu Nga), Nga sẽ buộc phải tiến hành gây nhiễu điện tử và triển khai các trang bị chiến tranh khác, bao gồm máy bay đặc chủng lắp thiết bị đặc biệt.

Hệ thống tác chiến điện tử Krasukha-4 Nga
Hệ thống tác chiến điện tử Krasukha-4 Nga

Việc sử dụng những vũ khí gây nhiễu điện tử này sẽ làm nhiễu loạn hệ thống vũ khí và radar của Thổ Nhĩ Kỳ, ngăn chặn nước này tiến hành một cuộc tấn công tương tự đối với Nga.

Theo chuyên gia Trung Quốc, thiết bị gây nhiễu mặt đất rất có thể là xe gây nhiễu Krasukha. Còn máy bay tác chiến điện tử thì có thể là máy bay tác chiến điện tử gây nhiễu đi theo Su-24 hoặc máy bay gây nhiễu ngoài khu vực phòng không dựa trên An-12.

Hiện nay, máy bay chiến đấu Nga triển khai ở Syria chủ yếu lắp thiết bị điện tử gây nhiễu tự vệ. Tần số bao phủ và cường độ gây nhiễu của thiết bị gây nhiễu này cùng với năng lực đối phó nhiều mục tiêu có hạn, thông thường chỉ có thể gây nhiễu radar điều khiển hỏa lực.

Trong khi đó, đi theo máy bay gây nhiễu hoặc gây nhiễu ngoài khu vực phòng thủ thì có thể tiến hành bao trùm ở phạm vi lớn đối với radar cảnh báo sớm mặt đất và trên không triển khai ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, làm cho phạm vi tác dụng của nó giảm mạnh.

Ngoài ra, Nga cũng có thể điều máy bay trực thăng gây nhiễu thông tin Mi-8 (có thể gây nhiễu thông tin vô tuyến điện) và nhiều loại máy bay trinh sát điện tử, máy bay cảnh báo sớm.

Có phân tích cho rằng, tác chiến điện tử chủ động có thể làm cho đối đầu leo thang, không phải vạn bất đắc dĩ thì không nên sử dụng.

Máy bay trực thăng Mi-8 Nga
Máy bay trực thăng Mi-8 Nga

Chuyên gia cho rằng, Nga rất có thể triển khai một tiểu đoàn chỉ huy trang bị radar tầm xa và sở chỉ huy tự động hóa, cộng với 2 - 4 tiểu đoàn tên lửa, không loại trừ khả năng bố trí cả tên lửa S-300. Như vậy có thể ứng phó với các hành động không kích quy mô tương đối lớn.

Ngoài ra, Nga còn tuyên bố sẽ hộ tống cho máy bay chiến đấu Su-24 ném bom. Nhưng, những máy bay chiến đấu điều đến Syria hiện nay của Nga chỉ có Su-30SM, Su-34 và Su-24, năng lực không chiến có hạn.

Do số lượng máy bay chiến đấu Su-30SM của Nga ở Syria hiện nay có hạn, không thể tiến hành hộ tống cho tất cả các nhiệm vụ chiến đấu của Su-25, Su-24.

Vì vậy, máy bay chiến đấu Nga hoặc chỉ tiến hành hộ tống cho máy bay cường kích và máy bay ném bom thực hiện nhiệm vụ ở lân cận biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc phải điều thêm máy bay chiến đấu Su-30, Su-27, thậm chí máy bay chiến đấu Su-35.

Ngoài ra, tên lửa không đối không của Su-30SM có thể sẽ được nâng cấp. Trước đó, video do Nga cung cấp cho thấy, Su-30SM chủ yếu lắp tên lửa không đối không cự ly trung bình R-27 và tên lửa không đối không cự ly gần R-73 để thực hiện nhiệm vụ.

Trong khi đó, R-27 và tên lửa không đối không AIM-120 của Thổ Nhĩ Kỳ có khoảng cách một thế hệ. Trên thực tế, Không quân Nga đã trang bị tên lửa không đối không cự ly trung bình R-77 tiên tiến hơn.

Máy bay chiến đấu Su-30SM Nga
Máy bay chiến đấu Su-30SM Nga

Có chuyên gia phân tích cho rằng, là một trong những máy bay chiến đấu tiên tiến nhất hiện nay của Nga, Su-30SM đến Syria chắc chắn sẽ lắp R-77, nếu không, ưu thế của các thiết bị điện tử hàng không như radar mảng pha mới hoàn toàn không thể phát huy.

Tóm lại, sự điều chỉnh triển khai quân sự lần này của Nga mang tính phòng thủ, dù sao, việc triển khai lực lượng quân sự của Nga ở Syria hiện nay vẫn không thể “liều mạng” với Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ được NATO hậu thuẫn. Trong khi đó, khai chiến với Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn chệch khỏi dự tính ban đầu xuất quân tới Syria của Nga.

Đông Bình