Hãng tin Kyodo Nhật Bản ngày 25 tháng 11 đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani đã tiến hành chuyến thăm tới Hawaii, Mỹ gặp gỡ các quan chức cao cấp của Quân đội Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani tại Hawaii, Mỹ ngày 23 tháng 11 năm 2015 |
Vào chiều ngày 23 tháng 11 ở Honolulu - Hawaii, Mỹ, sau cuộc hội đàm với Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ - Đô đốc Scott Swift, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani đã trả lời phỏng vấn báo chí.
Ủng hộ Mỹ tuần tra vùng biển đảo nhân tạo ở Biển Đông
Tương tự như phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản trong cuộc gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề Hội nghị cấp cao APEC vừa qua, ông Gen Nakatani vào hôm thứ Ba vừa qua đã bày tỏ ủng hộ tàu chiến Hải quân Mỹ chạy ở gần đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ở Biển Đông.
Ông cho rằng, Quân đội Mỹ đã đi đầu trong các nỗ lực của cộng đồng quốc tế để bảo vệ tự do đi lại và hòa bình ở Biển Đông. Theo trang mạng ctvnews ngày 24 tháng 11, hành động của Mỹ đã thách thức "yêu sách quá mức" của Bắc Kinh về chủ quyền vùng biển này.
Ngày 24 tháng 11 năm 2015, tại Hawaii, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani gặp gỡ Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Quân đội Mỹ, Đô đốc Harry Harris. |
Ông Gen Nakatani nói: "Cộng đồng quốc tế sẽ không cho phép đơn phương dùng vũ lực làm thay đổi hiện trạng, đất nước chúng tôi tin như vậy". Ông cho rằng, Mỹ cũng khẳng định như vậy và Nhật Bản ủng hộ điều này.
Ông còn cho hay, Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ cho lực lượng hải quân các nước trong khu vực. Nhật Bản cung cấp 10 tàu tuần tra cho Lực lượng bảo vệ bờ biển của Philippines.
"Chúng tôi đã tích cực tham gia vào các hoạt động thúc đẩy sự ổn định khu vực, bao gồm giúp các nước xung quanh Biển Đông xây dựng năng lực và tiến hành tập trận chung giữa Quân đội Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản" - ông Gen Nakatani nói.
Đây là lần đầu tiên ông Gen Nakatani đến Hawaii gặp gỡ các quan chức quân sự cấp cao Mỹ sau khi Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật mới nới lỏng các hạn chế về quân sự sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Từ ngày 5 đến ngày 6 tháng 11 năm 2015, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani thăm Việt Nam, trong chuyến thăm ông có ghé thăm vịnh Cam Ranh và hai bên đạt được thỏa thuận cho phép tàu chiến Nhật Bản tiếp cận vịnh Cam Ranh để tiến hành tiếp tế (ảnh tư liệu minh họa). |
Luật này cho phép Tokyo bảo vệ đồng minh ngay cả khi Nhật Bản không bị tấn công, cho phép Tokyo làm việc chặt chẽ hơn với Mỹ và các nước khác.
Thỏa thuận giữa ông Gen Nakatani - Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và Đô đốc Harry Harris - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ có mục đích chứng minh quan hệ mạnh mẽ giữa Nhật-Mỹ trong giai đoạn mới và kiềm chế một nước Trung Quốc đang ngày càng hung hăng ở trên biển.
Nhật Bản muốn nhập khẩu THAAD để phòng thủ tên lửa
Ngoài ra, cũng tại cuộc họp báo, ông Gen Nakatani lần đầu tiên cho biết, Nhật Bản cân nhắc nhập khẩu hệ thống đánh chặn mặt đất của Mỹ - “hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối” (THAAD).
Ông cho biết: “Chúng tôi muốn tăng tốc độ nghiên cứu về các cách làm và sản phẩm trang bị tiên tiến của Mỹ, đồng thời đẩy nhanh việc thảo luận liên quan”.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani tại Hawaii, Mỹ ngày 23 tháng 11 năm 2015 |
THAAD là hệ thống tên lửa di động mặt đất chuyên bắn hạ các tên lửa đạn đạo khi tên lửa này quay trở lại bầu khí quyển Trái đất. THAAD có khả năng di chuyển linh hoạt nhờ các xe kéo chuyên dụng.
Hệ thống tên lửa THAAD cũng có độ chính xác cao và có phạm vi phòng thủ rộng hơn hẳn hệ thống tên lửa đất đối không Patriot hiện có của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.
Nhật Bản nếu nhập khẩu hệ thống THAAD hiện đại và tính năng cao sẽ giúp cho Tokyo tăng cường năng lực ứng phó với tên lửa đạn đạo của CHDCND Triều Tiên.
Nhật Bản cũng đang hết sức cảnh giác với Trung Quốc - nước đang thách thức chủ quyền của Nhật Bản đối với các đảo xa như nhóm đảo Senkaku.
Nhiều người ủng hộ cho rằng, Nhật Bản phải tích cực hơn trong việc ngăn chặn Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên, từ đó giúp duy trì hòa bình và thịnh vượng của Nhật Bản.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani tại Hawaii, Mỹ ngày 24 tháng 11 năm 2015 |
Mỹ cân nhắc triển khai THAAD ở Hàn Quốc đã gây cảnh giác và dấy lên sự phản đối từ phía CHDCND Triều Tiên cùng với Trung Quốc và Nga. Hiện nay, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Hàn Quốc còn chưa đạt được tiến triển.
Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, đây là lần đầu tiên Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết rõ sẽ nghiên cứu nhập khẩu THAAD.
Ông Gen Nakatani lấy hệ thống phòng thủ tên lửa mới như THAAD làm ví dụ, nhấn mạnh “nhập khẩu trang bị mới có thể trở thành một trong những biện pháp cụ thể tăng cường năng lực”.
Quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng cho biết, triển khai THAAD “là một trong những phương án mạnh mẽ”.
Nhật Bản đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về sự hiện diện quân sự gia tăng của Trung Quốc cũng như những tiến triển mới về công nghệ tàu ngầm và tên lửa của CHDCND Triều Tiên.
Hệ thống tên lửa phòng không Patriot-3 hiện có của Nhật Bản |
Theo các nguồn tin khác, THAAD là hệ thống tên lửa được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Ngoài ra, nó cũng có khả năng nhất định trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
Mỗi khẩu đội THAAD gồm có 4 xe phóng mang tên lửa (8 ống phóng/xe), radar tìm kiếm mục tiêu và điều khiển hỏa lực AN/TPY-2 cùng một xe trung tâm điều khiển di động và 2 trung tâm hoạt động chiến thuật TOC.
Khi chiến đấu, “mắt thần” AN/TPY-2 sẽ thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm và phát hiện mục tiêu (các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa đạn đạo tầm trung). THAAD được trang bị công nghệ đánh chặn “hit-to-kill” (truy đuổi - tiêu diệt) tương tự như công nghệ được trang bị trên hệ thống tên lửa phòng không Patriot.
Đạn tên lửa có chiều dài 6,17m, sử dụng động cơ nhiên liệu rắn điều khiển bằng lực đẩy vector. Tên lửa có khả năng đánh chặn mục tiêu ở cự ly từ 150-200km, tầm cao 150 km. Trong giai đoạn tiếp cận tên lửa địch, THAAD sử dụng module đánh chặn được trang bị đầu tự dẫn hồng ngoại để bám theo mục tiêu.
Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD Mỹ |
Tên lửa tiêu diệt mục tiêu bằng động năng từ vụ va chạm tốc độ cao, không sử dụng đầu đạn chứa thuốc nổ như tên lửa thông thường. Trong những lần thử nghiệm, THAAD đã thể hiện được khả năng tương thích dữ liệu mục tiêu cùng với hệ thống đánh chặn Patriot PAC-3.
Theo hãng tin Kyodo Nhật Bản, trước khi công khai ý định mua sắm hệ thống THAAD không lâu, Nhật Bản đã hoàn thành việc mua sắm và triển khai hệ thống đánh chặn Patriot PAC-3 trên toàn quốc.
Cuối tháng 10 vừa qua, hai hệ thống tên lửa đánh chặn Patriot cuối cùng đã hoàn thành triển khai tại căn cứ Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản ở Chitose, Hokkaido.
Như vậy, Nhật Bản đã hoàn thành triển khai 24 hệ thống tên lửa đánh chặn Patriot tại 15 căn cứ trên cả nước theo kế hoạch bố trí hệ thống phòng thủ Patriot mà Nhật Bản thông qua và triển khai từ năm 2004 đến nay.
Một nguồn tin quân sự Nhật Bản tiết lộ, tất cả số tên lửa trên được chia làm 6 cụm, mỗi cụm vận hành 4 tiểu đoàn tên lửa PAC-2 hoặc PAC-3. Riêng khu vực xung quanh Tokyo (trong đó có căn cứ Narashino và Iruma) đã triển khai tới 4 tiểu đoàn tên lửa Patriot PAC-3.
Xe chở tên lửa đánh chặn của hệ thống THAAD Mỹ |
Như vậy, THAAD sẽ cùng với Patriot PAC-3 tạo nên hệ thống đánh chặn 2 tầng, trong đó, hệ thống THAAD ở tầm cao và PAC-3 ở tầm trung. Chúng thiết lập nên “chiếc ô che chắn” cho Nhật Bản trước bất kỳ mối đe dọa nào từ trên không.