OCB “đâm sau lưng” khách hàng?
Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền trú tại phường Lam Sơn (quận Lê Chân, TP. Hải Phòng) gửi đơn tố cáo Ngân hàng Phương Đông (OCB) có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản là 9.805m2 tại phường Đằng Lâm (quận An Hải, TP. Hải Phòng).
Thửa đất hơn 9.805m2 hiện đang tranh chấp và không đủ điều kiện phát mại. Ảnh: Duy Phong |
Sự việc bắt đầu từ tháng 6/2011, bà Huyền có vay tiền của một số cá nhân để đầu tư mua thửa đất có diện tích 9.805m2 tại khu vực Ngã năm Sân bay Cát Bi, phường Đằng Lâm do ông Vũ Văn Hưng và bà Nguyễn Thị Thanh làm chủ.
Đầu tháng 8/2011, vợ chồng ông Hưng, bà Thanh đã bán thửa đất này cho bà Huyền kèm theo Hợp đồng vay tiền có chứng thực số 2475 với thời hạn 30 ngày. Theo đó, bà Huyền đã vay 100 tỷ đồng của vợ chồng ông Hưng, bà Thanh.
Sơ đồ thửa đất 9.805m2 mà Ngân hàng OCB định âm thầm bán cho VAMC. Ảnh: Duy Phong |
Đổi lại, bà Huyền được quyền đứng tên thửa đất này. Nếu sau 30 ngày, bà Huyền không trả được nợ hoặc không thể trả hết số tiền đã vay thì bà Huyền có nghĩa vụ trả nợ bằng chính quyền sử dụng đất thửa đất nêu trên.
Ngày 12/8/2011, UBND quận Hải An, thành phố Hải Phòng đã cấp GCNQSDĐ số: BG 288891 cho bà Nguyễn Thị Thanh Huyền.
Trong cùng ngày, bà Huyền với danh nghĩa là Giám đốc Cty Thiên Tân Phú đã thế chấp tài sản này cho OCB. Giá trị tài sản được OCB định giá khoảng 518 tỷ đồng, lớn hơn rất nhiều so với khoản nợ mà bà Huyền vay các cá nhân khác.
Tiếp đó, OCB và Cty Thiên Tân Phú đã ký Hợp đồng tín dụng khách hàng doanh nghiệp vào ngày 15/8/2011 với tổng số tiền OCB đồng ý cho vay là 250 tỷ đồng.
Bà Huyền (ngoài cùng bên trái) và một số người dân có liên quan bức xúc trước việc làm của OCB. Ảnh: Duy Phong |
Tuy nhiên, OCB chỉ giải ngân cho bà Huyền 159 tỷ đồng để bà Huyền đáo nợ, trả nợ gốc, lãi cho các món vay trước tại OCB. Số tiền còn lại OCB không giải ngân tiếp dẫn đến việc bà Huyền không có tiền để trả các khoản vay của các cá nhân khác khi mua thửa đất 9.805m2.
Cuối năm 2011, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế khiến Cty Thiên Tân Phú do bà Huyền làm chủ gặp nhiều khó khăn, xử lý tài sản bị đình trệ dẫn đến việc Công ty mất khả năng thanh khoản tạm thời nên chưa trả được nợ cho OCB và một số cá nhân, tổ chức tín dụng khác.
Điều đó dẫn đến khoản vay 159 tỷ đồng từ OCB được thế chấp bằng thửa đất 9.805m2 trở thành nợ xấu.
Tuy nhiên, thay vì tìm ra hướng giải quyết tốt nhất cho các bên thì OCB đã âm thầm bán khoản nợ xấu này cho Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) bằng đúng số tiền giải ngân cho Cty Thiên Tân Phú.
OCB “che giấu” hay VAMC “cố đấm ăn xôi”?
Để có thể bán nợ xấu là khoản vay 159 tỷ đồng, ngày 16/4/2014, OCB gửi Thông báo số 577/2014 cho bà Huyền “vay thêm tiền” với nội dung chấp nhận mua tài sản, thu hồi nợ và giải quyết dứt điểm phần tranh chấp liên quan đến tài sản.
Biên bản làm việc ngày 26/1/2015 giữa VAMC - OCB và khách hàng. Trong biên bản này, VAMC đưa ra tối hậu thư cho OCB là: "Trong thời gian 7 ngày, OCB phải làm việc với khách hàng để giải quyết vụ việc. Nếu hết thời hạn trên, OCB không làm việc với khách hàng để giải quyết, VAMC sẽ trả lại khoản nợ của Công ty TNHH Thiên Tân Phú cho OCB". Ảnh: Duy Phong |
Tuy nhiên, sau khi nhận bàn giao tài sản, hoàn thiện việc mua bán nợ, OCB đã không thực hiện Thông báo số 577/2014 mà chuyển sang ký Hợp đồng mua bán nợ số 748/2014/MBN.VAMC2-OCB ngày 11/7/2014 với Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Hợp đồng này cho phép OCB bán khoản nợ xấu của Cty Thiên Tân Phú đang nợ OCB cho VAMC.
Điều đó đã gây nên sự bức xúc của bà Huyền và những người liên quan. Bởi, theo quy định tại mục 3, Điều 7, Nghị định 53/2013/NĐ/CP về thành lập tổ chức và hoạt động của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng tại có quy định: “Tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu có khả năng phát mại và khách hàng vay có triển vọng phục hồi”.
Đối chiếu với các quy định trên thì thửa đất 9.805 m2 là tài sản được Cty Thiên Tân Phú thế chấp cho OCB theo hợp đồng thế chấp ngày 12/8/2011 đang bị tranh chấp và không thể phát mại. Ngoài ra, Cty Thiên Tân Phú đang ngừng hoạt động chờ xử lý của pháp luật nên không có khả năng thanh toán các khoản nợ.
Nhưng trên thực tế, việc mua bán khoản nợ xấu này vẫn diễn ra và chỉ bị hủy bỏ khi vấp phải sự phản đối của “con nợ” Thiên Tân Phú cùng những người có liên quan. Phải chăng OCB và VAMC mặc dù có biết khoản nợ xấu này không đủ điều kiện để mua bán nhưng vẫn "cố đấm ăn xôi"?
Tại Biên bản làm việc ngày 26/1/2015 giữa VAMC-OCB và khách hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐTV VAMC đã đưa ra "tối hậu thư" cho OCB: "Trong thời gian 7 ngày làm việc, đề nghị OCB làm việc với khách hàng để giải quyết vụ việc, đồng thời báo cáo lại VAMC.
Nếu hết thời gian trên, OCB không làm việc với khách hàng để giải quyết, VAMC sẽ trả lại khoản nợ của Công ty TNHH Thiên Tân Phú cho OCB".
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty VAMC cho biết: “Khi mua lại khoản nợ xấu của OCB, VAMC không hề biết tài sản đảm bảo cho khoản vay là thửa đất 9.805 m2 đang bị tranh chấp bởi tài sản đảm bảo này có sổ đỏ đứng tên bà Huyền và được công chứng.
Tuy nhiên, sau khi biết được tài sản đang bị tranh chấp thì ngày 06/02/2015, VAMC đã ra Thông báo số 124/TB-VAMC về việc chấm dứt Hợp đồng mua bán nợ số 748/2014/MBN.VAMC2-OCB ngày 11/7/2014 của Cty Thiên Tân Phú đối với OCB.
Việc quyết định chấm dứt Hợp đồng mua bán nợ của VAMC là nhằm để cho OCB phải giải quyết dứt điểm việc tranh chấp với những người có liên quan đến tài sản”.
Đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm vào cuộc thanh kiểm tra làm rõ sự việc.