Ngày 29/5, ông Trần Xuân Hà– Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã chủ trì buổi giao ban báo chí Thành ủy thường kỳ. Buổi giao bao có sự tham gia của đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo đã thống báo kết quả năm học 2017-2018 và công tác chuẩn bị cho năm học 2018-2019.
Vấn đề được nhiều nhà báo quan tâm là đề xuất tăng học phí các cấp của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.
Ông Nguyễn Viết Cẩn - Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) cho lý giải: "Việc tăng học phí, Sở giáo dục và sở tài chính đã có báo cáo tờ trình năm học 2018-2019.
Đề xuất tăng học phí dựa trên 3 nguyên tắc. Thứ nhất, phù hợp với đời sống, thu nhập của người dân trên địa bàn.
So với các tỉnh lân cận, Thành phố Hà Nội còn thấp chứ không phải cao. Mức học phí đề xuất hiện nay không vượt quá 2% thu nhập của người dân.
Hơn nữa, đề xuất trên theo nghị quyết 01 của Hội đồng nhân dân thành phố, lộ trình học phí phải đạt mức trần của nghị định 86.
Liên Sở Giáo dục - Sở Tài chính có đề xuất mức học phí năm nay các trường thành trị 155 ngàn đồng/học sinh/tháng (tăng 45.000 đồng so với năm học trước), 75 ngàn đồng/tháng đối với học sinh nông thôn (tăng 20 ngàn đồng), 19 ngàn đồng/tháng đối với học sinh miền núi (tăng 5 ngàn đồng)".
Ông Nguyễn Viết Cẩn cho rằng, đề xuất tăng học phí các các cấp năm học 2018-2019 là phù hợp với thu nhập của người dân và so với các tỉnh lân cận Hà Nội còn thấp. Ảnh: Vũ Phương |
Ông Nguyễn Viết Cẩn cũng nhấn mạnh: "Tăng học phí này các trường không phải được giữ lại, 40% dành cho cải cách tiền lương, 60% nộp lại ngân sách thành phố.
Ngành Giáo dục cũng đang đề nghị Thành phố đầu tư lại số tiền học phí đóng tăng đầu tư lại cho giáo dục. Mức tăng học phí này tính ra cũng mới đạt 11%, phần còn lại vẫn là tiền ngân sách".
Theo lộ trình, học phí hàng năm chương trình giáo dục đại trà cấp mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên công lập của Hà Nội được điều chỉnh tăng dần.
Đến năm học 2020 -2021, mức thu học phí của Hà Nội sẽ bằng mức cao nhất trong khung học phí quy định tại Nghị định 86 (năm 2015) đối với vùng thành thị là 300.000 đồng và nông thôn là 120.000 đồng. Học phí các xã miền núi của thành phố bằng 50% mức cao nhất trong khung, là 30.000 đồng.
Theo dự thảo, số tăng thu học phí được dùng để cải cách tiền lương và chi cho sự nghiệp giáo dục hàng năm.
Ông Nguyễn Viết Cẩn cũng thông tin nội dung được phụ huynh và xã hội quan tâm là vấn đề nhà vệ sinh bẩn trong học đường.
Ông Nguyễn Viết Cẩn thừa nhận: "Trong giờ ra chơi, nhiều học sinh cùng đi vệ sinh một thời điểm. Điều này ít nhiều gây ra mùi hôi.
Cùng với đó, các thiết bị sẽ bị xuống cấp, vì vậy, nhà vệ sinh có mùi hôi, chưa đảm bảo yêu cầu là có thực.
Về vấn đề này Sở đã chỉ đạo các trường phải có giải pháp và khắc phục ngay. Sửa chữa nhỏ thì các trường chủ động sửa chữa và phân công nhân công, lao công, hay xã hội hóa để đảm bảo nhà vệ sinh sạch sẽ.
Tiếp theo là nhận thức, phân công lao động đối với học sinh lớn để đảm bảo nhà vệ sinh sạch sẽ.
Giao ban đối với các đơn vị trực thuộc, trong hè là nhiệm vụ trọng tâm cải tạo nhà vệ sinh, trước hết nguồn kinh phí của trường".