Ngành Giáo dục tỉnh Quảng Ninh bứt phá bằng chính sách, thu về nhiều “quả ngọt”

11/02/2024 06:34
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Những năm qua, Quảng Ninh đã có nhiều cơ chế, chính sách kịp thời cho giáo dục, và kết quả cho thấy ngành giáo dục của tỉnh liên tiếp thu về những “quả ngọt”.

Những kết quả ấn tượng của ngành giáo dục

Đơn cử như năm 2023, trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, tỉnh Quảng Ninh đoạt 85 giải (tăng 26 giải so với kỳ thi năm trước) với 2 giải Nhất, 23 giải Nhì, 28 giải Ba và 32 giải Khuyến khích.

do-ha-linh-1-7627.jpeg
Em Đỗ Hà Linh (thứ 3 từ phải sang - học sinh lớp 12 chuyên tiếng Trung - Trường Trung học phổ thông chuyên Hạ Long, Quảng Ninh) là nữ sinh đã xuất sắc giành giải Nhất môn tiếng Trung trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2023-2024 và đồng thời cũng là thủ khoa toàn quốc môn thi này với 17,350 điểm

Cuộc thi Olympic khoa học quốc tế Hàn Quốc 2023 diễn ra tại Seoul (Hàn Quốc), 5 học sinh của trường Trung học phổ thông Hòn Gai đã xuất sắc giành Huy chương Vàng và giải Đặc biệt của Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc.

Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia năm học 2022-2023, học sinh của tỉnh đạt 2 giải Nhì, 2 giải Ba, tăng 3 giải so với năm học trước.

Tại cuộc thi sáng chế quốc tế Prix Eiffel 2022 tổ chức tại Paris (Pháp), học sinh Trường Tiểu học – trung học cơ sở - trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm và Trường Trung học cơ sở Lý Tự Trọng (thành phố Hạ Long) đã xuất sắc đoạt Huy chương Vàng.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh thông tin, tại Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông năm học 2023-2024 và kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2023 được tỉnh quan tâm đặc biệt về mọi mặt.

Ngành Giáo dục đã triển khai đồng bộ, kịp thời các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ rất sớm. Quá trình từ ôn thi, chuẩn bị cơ sở vật chất và triển khai thi diễn ra nghiêm túc, an toàn tuyệt đối. Điểm trung bình bài thi tuyển sinh vào lớp 10 của Quảng Ninh là 5,50 điểm, cao hơn năm 2022 là 0,64 điểm. Có 110 thí sinh đạt điểm 10, tăng 29 em so với học trước.

giao-duc-qn.jpeg
Tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều cơ chế, chính sách phát triển giáo dục và đào tạo (Ảnh: CTV)

Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2023, toàn tỉnh Quảng Ninh có 67.943 thí sinh đạt điểm từ trung bình trở lên, đạt tỷ lệ 76,54% tổng số thí sinh dự thi.

Điểm trung bình thi tốt nghiệp trung học phổ thông toàn tỉnh là 6,23, xếp thứ 36/63 tỉnh, thành phố trong nước. Trong đó điểm trung bình nhóm công lập là 6,68; tư thục là 5,85, giáo dục thường xuyên là 4,88. Tỷ lệ tốt nghiệp năm 2023 là 97,7%, cao hơn năm 2022 là 0,1%.

Hiện nay, Quảng Ninh được công nhận đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

Đột phá bằng những cơ chế, chính sách cho giáo dục

Có được kết quả như trên, bên cạnh sự nỗ lực vươn lên không ngừng nghỉ của thầy và trò trong toàn ngành giáo dục, còn là sự quan tâm đặc biệt của tỉnh Quảng Ninh từ cơ chế, chính sách, đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ... góp phần đưa chất lượng giáo dục, đào tạo của Quảng Ninh ngày một đi lên.

Với quan điểm “Giáo dục và Đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của các cấp ủy Đảng, chính quyền và của toàn dân, đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn về cơ chế tài chính đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

truong quang la.jpeg
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh dự lễ khánh thành và gắn biển công trình Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Quảng La (Ảnh: CTV)

Tiêu biểu có thể kể đến: Nghị quyết số 35 ngày 10/12/2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh, quy định: Định mức phân bổ cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo theo nguyên tắc quỹ lương và các khoản đóng góp theo lương tối đa bằng 80%; chi thường xuyên khác tối thiểu bằng 20%; Nghị quyết số 38 ngày 10/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh, quy định: Định mức phân bổ cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo theo nguyên tắc quỹ lương thực tế/biên chế được giao và hoạt động thường xuyên khác bằng số tiền tuyệt đối từ 20-30 triệu đồng/biên chế/năm, mức chi cố định và không phụ thuộc vào sự tăng giảm của quỹ lương theo biên chế hằng năm.

Theo đó, ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục của tỉnh Quảng Ninh luôn đạt trên 20% tổng chi ngân sách hằng năm. Dự toán chi thường xuyên sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh giai đoạn 2013-2022 là 37.751 tỷ đồng, chiếm 38% trong tổng dự toán chi thường xuyên (99.022 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm thu hút đầu tư xã hội hóa giáo dục. Trong 10 năm qua, tỉnh đã kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng 22 trường mầm non và 21 trường phổ thông tư thục, 1 trường liên cấp quốc tế (100% vốn đầu tư nước ngoài).

Các chủ đầu tư xây dựng hệ thống phòng học, cơ sở vật chất, hệ thống phòng chức năng phụ trợ, trang sắm thiết bị dạy học với tổng kinh phí hàng ngàn tỷ đồng để từng bước xây dựng lộ trình phát triển thương hiệu các trường chất lượng cao.

truong-quang-la.jpeg
Toàn cảnh Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Quảng La (Ảnh: CTV)

Các quyết sách của tỉnh Quảng Ninh dành giáo dục, đào tạo thể hiện rõ tinh thần mạnh dạn đột phá. Nguồn ngân sách cho lĩnh vực này đều theo nguyên tắc năm sau cao hơn năm trước và cao hơn trung bình của cả nước.

Trên cơ sở mở rộng các chính sách hỗ trợ của Trung ương, Quảng Ninh đã ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ giáo dục - đào tạo từ bậc mầm non đến đại học, tạo động lực cho thi đua học tốt, dạy tốt, bảo đảm thực hiện thắng lợi sự nghiệp “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”.

Nổi bật nhất phải kể đến Nghị quyết số 63 ngày 9/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành quy định, chế độ thưởng trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của tỉnh và một số chính sách ưu đãi với Trường Trung học phổ thông chuyên Hạ Long từ năm học 2021-2022 đến năm học 2025-2026.

Theo đó, điều chỉnh tăng mức thưởng cao nhất cho học sinh giỏi quốc gia lên 50 triệu đồng; học sinh giỏi quốc tế 700 triệu đồng, cao nhất cả nước. Giáo viên hoặc nhóm giáo viên trực tiếp giảng dạy, ôn luyện, tập huấn, hướng dẫn, bảo trợ học sinh đoạt giải được thưởng bằng 50% tiền thưởng cho học sinh đoạt giải.

Theo đó, tỉnh Quảng Ninh nằm trong tốp 20 tỉnh, thành thưởng lớn nhất cho học sinh giỏi và là tỉnh mạnh tay, chi thưởng cao nhất đối với học sinh đoạt giải quốc tế.

Quảng Ninh cũng là địa phương đi đầu cả nước hỗ trợ 100% học phí cho học sinh, trẻ mầm non ở các trường phổ thông công lập và ngoài công lập trong 2 năm học liên tiếp 2021-2022 và 2022-2023 nhằm chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh do ảnh hưởng của dịch Covid-19; đồng thời trợ cấp đối với trẻ em đang học mầm non dân lập, tư thục, là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp.

Đầu tư xây dựng trường lớp khang trang, hiện

Theo thống kê từ năm 2016 đến nay, chi thường xuyên cho ngành giáo dục năm sau cao hơn năm trước với tổng mức chi 26.195 tỷ đồng. Trong đó, năm 2022 là 4.752 tỷ đồng.

thpt-cam-pha.jpeg
Toàn cảnh Trường Trung học phổ thông Cẩm Phả trong buổi lễ gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: CTV)

Bước vào năm học 2023-2024, ngành giáo dục Quảng Ninh đã “mạnh tay” ưu tiên chi gần 1.200 tỷ đồng để đầu tư xây dựng, mua sắm cơ sở vật chất trường học, đặc biệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, quan tâm phát triển trường học theo tiêu chí chất lượng cao. Qua đó kéo giảm khoảng cách giáo dục giữa các vùng, miền.

Tiêu biểu là các trường: Trung học phổ thông Cẩm Phả được đầu tư xây mới với tổng mức đầu tư trên 315 tỷ đồng. Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Quảng La (xã Quảng La, thành phố Hạ Long) được xây dựng với tổng mức đầu tư trên 197 tỷ đồng. Trường Trung học phổ thông Bình Liêu được xây dựng trên diện tích trên 2,7 ha, tổng mức đầu tư trên 95 tỷ đồng.

Nhờ đó, toàn tỉnh đã xây dựng được một hệ thống trường lớp đến tận các khe bản, vùng sâu, vùng xa, theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa. Hầu hết các trường đều được địa phương quan tâm bố trí quỹ đất ở những vị trí khu vực trung tâm, thuận tiện cho con em nhân dân đến trường.

Các trường học được xây mới, đưa vào sử dụng đều là những điểm nhấn về diện mạo hạ tầng tại các địa phương.

Đến nay, toàn tỉnh Quảng Ninh đã có 638 trường mầm non, phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt gần 90%.

Con số này là một minh chứng cho thấy sự quan tâm đặc biệt của tỉnh tới giáo dục. Cơ sở vật chất trường học đảm bảo đạt chuẩn, đồng bộ, hiện đại, giúp học sinh được thụ hưởng môi trường giáo dục tốt nhất, cả ở địa bàn trung tâm cũng như vùng khó khăn.

Các ngôi trường: Trung học phổ thông Trần Phú (thành phố Móng Cái); Trung học phổ thông Quảng Hà, Trung học cơ sở Hải Hà (huyện Hải Hà); Trung học phổ thông Hoàng Quốc Việt (thị xã Đông Triều); Trung học phổ thông Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên); Trung học phổ thông Cô Tô (huyện Cô Tô); Tiểu học Đông Ngũ 1 (huyện Tiên Yên)… đang được đẩy nhanh thi công, để phấn đấu đến năm 2025 mỗi cấp học giáo dục phổ thông ở mỗi huyện có ít nhất một trường công lập, mỗi thành phố, thị xã có một trường Trung học phổ thông công lập theo tiêu chí chất lượng cao.

Một mùa xuân mới – Xuân Giáp Thìn 2024 đã về mang theo thật nhiều ước vọng. Công cuộc đổi mới giáo dục phía trước vẫn còn nhiều gian nan, song với sự quan tâm của tỉnh Quảng Ninh, những thành quả mà ngành giáo dục đã đạt được chắc chắn sẽ tiếp thêm động lực để thầy, trò toàn ngành phấn đấu, đổi mới, sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đạt mục tiêu phấn đấu chậm nhất đến năm 2030 Quảng Ninh nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chất lượng phát triển giáo dục.

LÃ TIẾN