Nghề PG: Cay đắng hay mật ngọt?

28/04/2012 09:56
Theo Zing
Mặc dù đã được định hình tại Việt Nam khoảng gần 10 năm nay, nhưng trong quan niệm của nhiều người, promotion girl chỉ là những cô gái chân dài, mặt đẹp, ba vòng đạt chuẩn.
Nghề PG có gì khó?

Những nhân viên quảng cáo, tiếp thị, lễ tân… thường được gọi là PG (promotion girl - nhân sự nữ) hoặc PB (promotion boy - Nhân sự nam). PG làm việc theo hai cách thức, cố định (những người đứng tại quầy để giới thiệu sản phẩm cho khách) và lưu động (nhận show theo ca, làm việc tại các lễ khai trương, khánh thành hoặc phát tờ rơi, diễu hành quảng bá sản phẩm). Những bạn trẻ này có thể xuất hiện mọi nơi khi có yêu cầu về nhân viên hỗ trợ tại lễ khánh thành, khai trương, ngày kỷ niệm, hội thảo, cuộc họp… cho đến chương trình ra mắt sản phẩm mới, tất niên, tiệc sinh nhật, chụp hình, show thời trang, nhân viên trực điện thoại...

Về góc độ quản lý, Giám đốc Truyền thông của một đơn vị có thâm niên hoạt động gần 10 năm, chị Diễm My chia sẻ: “Mỗi khi có nhu cầu đăng tải thông tin tuyển dụng PG, tôi thường nhận được hàng trăm hồ sơ ứng tuyển. Họ chủ yếu là sinh viên muốn có việc làm thêm, sinh viên mới ra trường hoặc đang hoạt động trong các ngành nghề liên quan tới nghệ thuật. Mục đích chung là muốn có thêm thu nhập và được cọ sát với thực tế. Trong số đó, nhiều bạn lầm tưởng rằng PG chỉ cần có lợi thế về chiều cao lý tưởng, chân dài, số đo ba vòng cân đối và một khuôn mặt đẹp, ăn mặc thời trang để thướt tha đi lại trong sự kiện. Những hồ sơ đó chúng tôi sẽ loại từ vòng đầu”.

Cũng theo chị My, bản thân những cô gái tới tham dự phỏng vấn cũng chưa hiểu biết sâu sắc về nghề mà họ sẽ theo đuổi. Nhiều bạn gái khi nghe “nói thật” về thử thách nghề đã không còn giữ được ý định ban đầu. Chị nói: "Số lượng PG chúng tôi có thể huy động hiện nay, cần đạt những yêu cầu tuyển dụng khắt khe và liên tục được đào tạo. Nghề PG yêu cầu mỗi bạn có ý thức làm việc cầu toàn, đoàn kết, biết lắng nghe và đôi khi sẵn sàng đi làm tỉnh ngoài khi có hợp đồng. Ngoài ra, dù làm việc bán thời gian, chúng tôi cũng đề ra những nội qui nghiêm ngặt, mức độ thưởng, phạt rõ ràng nhằm hậu đãi và hợp tác với đội ngũ này lâu dài".

Ở vai trò “khách hàng”, anh Hoài Nam - Trưởng phòng Marketing của một thương hiệu nhập khẩu ô tô có tiếng tại Hà Nội, hơn một lần “cậy nhờ” tới sức mạnh của truyền thông, các nữ lễ tân hỗ trợ công việc theo chiến dịch của Tổng công ty, anh nói : “Việc có PG hỗ trợ trong các phần việc đã giảm thiểu những yếu tố đáng lo về nhân sự, trả lương cứng, các chế độ kèm theo thay vì phải quản lý nhân viên biên chế. Những PG chúng tôi hợp tác đã được sàng lọc, không đơn giản chỉ là đẹp về hình thức mà các bạn cần có trình độ học vấn nhất định, tiếp thu nhanh và đã được đào tạo bài bản về phương thức giao tiếp, đôi khi cần ngoại ngữ khá bởi khi đó, các bạn mang hình ảnh tập đoàn, doanh nghiệp hỗ trợ làm việc chứ không phải ở vị trí nhân sự thời vụ”. Theo đánh giá của anh Nam, PG lúc này không khác mấy so với những nhân viên kinh doanh trong chính doanh nghiệp. Họ cũng sẵn sàng trả thù lao xứng đáng đối với lực lượng cộng tác viên thời vụ này.

Cay đắng, mật ngọt với nghề

Bi Phạm, sinh năm 1990, làm PG gần 3 năm. Thời gian đầu, cô gặp không ít sự đánh giá thiếu thiện cảm do hình thức không được điểm cao, hơn nữa, cái nhìn chưa đúng đắn của xã hội với nghề đôi khi, sự sĩ diện và tự ái khiến cô nhụt chí. Sau khi tham gia đội ngũ PG, cô giờ nổi tiếng khi minh chứng, không cứ PG thì phải chân dài và xinh đẹp. Bi Phạm hôm nay giao tiếp ngày càng tiến bộ, tỏ rõ thực lực bằng tác phong làm việc trách nhiệm, năng động, chỉn chu. Bi Phạm liên tục chạy show ở tất cả các vị trí mà một PG có thể làm: chụp hình, quảng bá sản phẩm, hội thảo, roadshow (trình diễn, diễu hành trên đường phố), mời quảng cáo, tài trợ, ký kết hợp đồng. Gương mặt PG này không thể nhớ nổi con số các chương trình mà mình đã tham gia, có thời điểm cô chạy show tới 5,6 buổi làm việc/tuần. Với catse từ 500.000-2,3 triệu đồng, tùy theo trách nhiệm công việc và thời gian đầu tư. Ngoài việc phải trang trải cho trang phục, mỹ phẩm, các dụng cụ và chi tiêu cần thiết cho các sự kiện sau, Bi Phạm đã sẵn sàng dùng số tiền kiếm được vào việc thực hiện kinh doanh cá nhân.

PG Bi Phạm (ngoài cùng bên trái) cùng đội trong một sự kiện
PG Bi Phạm (ngoài cùng bên trái) cùng đội trong một sự kiện

PG Thu Phương - SV Đại học Đại Nam Hà Nội lại chủ yếu nhận làm PG cho các hội thảo, các cuộc gặp mặt. “Ban đầu bạn trai thường hiểu lầm, hay gây hấn trong chuyện tình cảm khiến việc học hành cũng ảnh hưởng ít nhiều, lúc đó em thấy nản và căng thẳng. Sau 2 năm kiên trì chứng minh, giờ thì khác hoàn toàn. Catse không nhiều, chỉ với 100.000-300.000/buổi hội thảo nhưng chúng em có thêm các mối quan hệ cộng với nhiều bài học có được đã giúp ích rất nhiều trong cuộc sống. Bạn trai của em cũng trở thành một PB tích cực. Chúng em chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau, cả hai rất yêu thích và muốn được gắn bó lâu dài với công việc này” - Thu Phương tâm sự.

Với Hà Anh, PG chuyên phụ trách các hồ sơ mời tài trợ, cô cũng từng gặp những “tai nạn” xót xa. Để thực hiện thành công các “thương vụ” buộc cô liên tục phải đi tiếp khách, tiệc tùng, ăn uống, vô tình “đẩy” Hà Anh vào thế biết uống rượu. Vào ngày ra mắt nhà chồng tương lai, tác phong ngồi vào bàn ăn được lập trình của nghề lại thành thói quen, cô 100% hết ly rượu vang trước sự “thán phục” của phía nhà chồng. Hành động vô thức này đã khiến cô gặp không ít khó khăn để lấy lại cái nhìn đúng đắn và thiện cảm từ phía gia đình anh.

Không ít PG trong các tiệc tùng chiêu đãi gặp các đại gia, sẵn sàng bồi dưỡng tới vài triệu đồng cho thái độ có chuẩn mực. Những câu chuyện về việc lời mời tình một đêm, trở thành nhân tình hay được “thuê bao” thời hạn dài bằng cách bo hậu hĩnh và tặng những món quà đắt giá, kể cả đồ hiệu và xe hơi. Nghề nào cũng có mặt trái, còn đứng vững được hay không và biết điểm dừng thì là ở mỗi PG nói riêng chứ không ai ép buộc được mình. Thực chất, với PG, nếu năng động và tôi luyện, biết sắp xếp công việc thì thù lao do mình lao động đúng nghĩa có được cũng đủ để hỗ trợ chi tiêu trong cuộc sống, trừ phi, bạn sống tự buông thả và đánh mất chính mình…

Rèn một tinh thần thép…

Đủ tiêu chuẩn vào nghề, những cô gái năng động và xinh đẹp tiếp tục thử thách mình với nghề bằng việc luyện cho mình một tinh thần thép.

PG Thu Phương tươi trẻ trong chương trình quảng bá sản phẩm
PG Thu Phương tươi trẻ trong chương trình quảng bá sản phẩm

Thời điểm trải qua nghề PG đến độ “chín” mà Hải Minh đã đạt đứng đến vị trí quản lý PG ở nhiều sự kiện. Trong một bữa tiệc tổng kết cuối cuối năm của các đại gia tại Hà Nội, Hải Minh trực tiếp thực hiện công việc và điều hành đội của mình. Thời điểm cao trào giữa doanh nhân, PG và tiệc tùng thì các vị phu nhân từ đâu ập vào, họ tỏ rõ thái độ của những suy nghĩ tiêu cực. Quan sát thấy sự có mặt của gần 10 PG xinh đẹp, trẻ trung đang hiện diện, sau những cái liếc nhìn cho đến tiếng gằn giọng và các quí bà muốn được “nói chuyện riêng” với đội trưởng các PG. Hải Minh đương nhiên kiềm chế, thuyết phục và làm “nguội” các bà rồi sau đó cô khéo léo tìm lý do “rút quân”. Minh động viên cả đội tàn việc sớm nhưng đương nhiên không mấy hân hoan, cũng may không xảy ra lộn xộn và bất cứ lời tiếng nào.

PG Thu Trang, nhân viên tư vấn du học nhưng vẫn tham gia hoạt động nghề, vốn có hình thức khá ổn và khuôn mặt đẹp nên cô luôn đắt show quảng cáo, có cả những show diễn mang tính chất “nhạy cảm”. Trang vẫn chưa thể quên lần là PG quảng bá sản phẩm cho một doanh nghiệp chuyên về âm thanh. “Em và một bạn nữa phải mặc váy siêu ngắn, cầm micro đứng trên bục nhún nhảy theo điệu nhạc. Trước bao con mắt dõi theo, chiếc váy dây đứt một bên quai, hở hẳn nửa ngực… khiến mọi người ồ lên. Em xấu hổ quá định bỏ chương trình luôn, mà cứ nghĩ đến đồng đội, nghĩ đến công sức cả buổi làm việc cần lĩnh 300.000 đồng… nên nghiến răng tự nhủ phải cố".

Nhiều show quảng bá rơi vào thời tiết đông rét buốt, PGs vẫn phải vững tinh thần “nghiến răng” mặc đồng phục sexy một chút, đôi chân cứng cáp để đứng liên tục trong nhiều giờ đồng hồ mà miệng vẫn nói chào, tươi cười, nhắc tên sản phẩm liên tục khi có người lắng nghe. Đôi khi cần “chai da mặt” khi gặp khách hàng khó tính, gắt gỏng, tỏ vẻ khó chịu, có người bất lịch sự, ném ngay tờ rơi trước mặt thì PG cũng đành "ngậm bồ hòn" chịu đựng.

Các công ty chuyên cung cấp cũng cho biết, vào những ngày lễ lớn, trung bình mỗi công ty có thể điều động từ 30-50 PG/ngày cho các sự kiện. Nhu cầu ngày càng cao nhưng không phải cô gái nào cũng đạt PG chuẩn và không phải ai cũng theo được nghề này. PG thực sự là một nghề mà ở đó không thực sự nhàn nhã như nhiều người nghĩ, cũng cần có cái nhìn tôn trọng hơn dành cho những cô gái xinh đẹp và tài năng này. Dù thế nào, họ vẫn chạy tốt công việc của mình và ngày càng cho thấy sự tích cực trước trách nhiệm và hiệu quả công việc mà họ mang lại, một cách âm thầm và vinh quang nhất.

Theo Zing