Sáng 13/6, sau phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Hoàng Tuấn Anh đã đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Phần lớn đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh xung quanh vấn đề ở một số địa phương còn diễn ra tình trạng đeo bám, chặt chém khách du lịch. Điều này đã ảnh hưởng tới hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Những tháng đầu năm 2013, lượng khách du lịch vào nước ta đã suy giảm. Vì vậy, các đại biểu Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng cho biết biện pháp để khắc phục tình trạng này và giải pháp để nâng cao chất lượng du lịch.
Bộ trưởng Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.(Ảnh Việt Dũng, Tuổi Trẻ) |
Trả lời vấn đề trên, Bộ trưởng VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã có chiến lược phát triển và quy hoạch du lịch. Trong những năm qua, du lịch Việt Nam đã phát triển nhanh chóng. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đầu tư vào phát triển du lịch. Nếu như năm 1995, ngành du lịch đóng góp vào GDP là 3,21% thì đến 2012, con số này đã lên tới gần 6%. Mặc dù trong 5 tháng đầu năm 2013, doanh thu của ngành du lịch giảm 1,94%, nhưng tổng doanh thu lại tăng lên 6% so với cùng kỳ năm 2012.
Theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, thời gian qua, tình trạng đeo bám, chặt chém khách du lịch cũng như giá cả sản phẩm, dịch vụ du lịch quá cao so với thực tế đã ảnh hưởng xấu tới ấn tượng của khách du lịch nước ngoài tới Việt Nam. Thực chất, tình trạng trên không phải bây giờ mới có mà gần đây, vấn đề này đã rộ lên, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Để khắc phục tình trạng trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân vừa chỉ đạo giải quyết những vấn đề ảnh hưởng lớn tới hình ảnh du lịch Việt Nam.
Bộ trưởng VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh cho biết, sắp tới, du lịch trong nước phải ưu tiên đến chất lượng, dịch vụ du lịch phải tập trung theo chiều sâu. Theo đó, tình trạng đeo bám, chặt chém khách du lịch phải được loại bỏ triệt để. Giá cả niêm yết sản phẩm, đồ ăn uống du lịch phải được niêm yết công khai. Đặc biệt, các địa phương sẽ phải tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân đối với các hoạt động du lịch.
Ngoài ra, Bộ VH-TT&DL sẽ yêu cầu các địa phương thành lập đường dây nóng, lực lượng bảo vệ, quản lý thị trường, môi trường để khi người dân phát hiện những vấn đề nào ảnh hưởng xấu tới du khách cũng như ngành du lịch thì có thể thông báo và nhanh chóng giải quyết kịp thời.
Nhiều đại biểu nêu vấn đề chặt chém, chèo kéo, đeo bám du khách xảy ra ở địa điểm du lịch trên cả nước và lặp đi lặp lại nhiều lần, chất lượng sản phẩm du lịch bất cập, thiếu đồng bộ, khó lôi kéo du khách trở lại, làm thế nào để hạn chế những bất cập đó?
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhìn nhận để phát triển du lịch, cần đi từ chiều rộng đến chiều sâu, cái chính là phải quan tâm đến chất lượng dịch vụ. Theo Bộ trưởng, tình trạng chặt chém tồn tại đến giờ có những nguyên nhân chính: phối hợp liên ngành chưa tốt; chưa kiểm tra sát sao những điểm du lịch có nguy cơ chặt chém; mức độ phạt còn nhẹ, sắp tới sẽ kiến nghị tăng mức xử phạt tình trạng chặt chém.
Cần có sự nhận thức và hành động của người dân và tiến tới thành lập Hiệp hội chống chặt chém vì "còn đầy tình trạng chặt chém thì làm sao thu hút du khách" - Bộ trưởng khắng định.
Lượng du khách không xứng tầm với số di tích
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) nêu vấn đề: "Du lịch Việt Nam trong thời gian qua cũng phát triển và có kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên du lịch nước ta chưa phát triển đúng tiềm năng vốn có. Việt Nam có tổng cộng 9 di tích được UNESCO công nhận, trong khi đó Thái Lan chỉ có 3, Singapore không có cái nào nhưng các nước trong khu vực lại thu hút một lượng lớn du khách đổ về, Việt Nam chưa làm được như vậy. Đâu là nguyên nhân và Bộ trưởng có cách khắc phục như thế nào?"
Về vấn đề này, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết: Thái Lan thu hút hơn 20 triệu lượt khách du lịch hàng năm, Singapore và Indonesia con số này cũng cao. Trong chiến lược phấn đấu đến năn 2020, Việt Nam sẽ thu hút từ 10 đến 10,5 triệu lượt người.
Với câu trả lời của Bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: như vậy đã rõ, đến năm 2020, khi mình phấn đấu lên cón số 10,5 triệu lượt khách du lịch/ năm thì các nước sẽ là 20, hay 30 triệu lượt.
Cấm biểu diễn từ 3-6 tháng đối với nghệ sĩ mặc phản cảm
Đại biểu Nguyễn Trung Thu (Long An) đặt vấn đề lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước, nhưng thời gian qua ít có những tác phẩm, sản phẩm đỉnh cao, một số nghệ sĩ chạy theo doanh thu. Làm sao để những sản phẩm đỉnh cao, có giá trị xuất hiện trở lại?
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết hiện nay cả nước có trên 5.000 nghệ sĩ, diễn viên và 158 nhà hát, đoàn biểu diễn từ trung ương đến địa phương. Việc thiếu tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao do những nguyên nhân sau: tiềm lực đội ngũ sáng tác, nghiên cứu, biểu diễn còn yếu; Chính sách đầu tư cho lực lượng này chưa cao và Bộ đã xây dựng 5 đề án liên quan đến chính sách, quảng bá, đặt hàng để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đại biểu Nguyễn Thị Hải đặt câu hỏi chất vấn (Ảnh Việt Dũng - Tuổi Trẻ) |
Đại biểu Phạm Thị Hải (Đồng Nai) băn khoăn về vấn đề băng đĩa lậu, phim sex xuất hiện nhiều trên thị trường nhưng chưa khắc phục triệt để, Bộ có khó khăn gì trong việc xử lý vấn đề này và giải pháp sắp tới là gì?
Bộ trưởng cho biết Bộ đã chỉ đạo các Sở văn hóa - Thể thao và du lịch làm việc quyết liệt, hàng năm thu hồi hằng trăm nghìn băng đĩa lậu, xử lý, xử phạt nghiêm túc, "ví dụ trong bộ phim "Bụi đời Chợ Lớn" có cảnh bạo lực, chúng tôi đã phối hợp rút giấy phép và không cho công chiếu phim này" - Bộ trưởng nói.
Hiện Bộ đã hoàn thiện văn bản hành chính để tăng mức xử phạt về những vấn đề liên quan. Ngoài ra các nghệ sĩ ăn mặc hở hang, phản cảm cũng sẽ bị đình chỉ, cấm biểu diễn từ 3-6 tháng đối với hành vi này.
Nhiều vấn đề về ASIAD 2019, suy thoái đạo đức lối sống của một bộ phận giới trẻ hiện nay cũng được các đại biều chất vấn, chiều nay Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh sẽ tiếp tục trả lời chất vấn Quốc hội,