NGND Hồ Sĩ Đàm: Thời buổi này đừng bắt học sinh đi đan vỉ đập ruồi

07/11/2013 08:42
Xuân Trung (thực hiện)
(GDVN) - “Kì vọng thì tôi kì vọng nhiều, mặc dù có nhiều trăn trở với nhiều khó khăn. Đổi mới phải bắt đầu từ đổi mới tư duy hệ thống, chỉ có điều nhiều năm qua nhiều việc chúng ta nói để nói chứ không phải nói để làm, hi vọng lần này nói để làm”.
Trung ương vừa ban hành Nghị quyết về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo, trong đó có nhiều nội dung liên quan tới đổi mới, chương trình và SGK không nằm ngoài nội dung đó. Chúng tôi đã có dịp trò chuyện với NGND Hồ Sĩ Đàm – một người đã từng nhiều năm tham gia biên soạn chương trình và SGK phổ thông về nội dung này.Hãy kì vọng vào tích hợp và phân hóaPV: Đã từng tham gia sâu trong xây dựng chương trình và SGK hiện hành, khi đọc bản tóm tắt định hướng đổi mới chương trình – SGK lần này thầy còn băn khoăn điều gì?
NGND. Hồ Sĩ Đàm:
Hiện tại tôi không  phải là thành viên ban soạn thảo nhưng với tư cách đã từng tham gia các đợt trước xây dựng chương trình và biên soạn SGK hiện hành nên có  ít nhiều am hiểu có thể trao đổi được. Những định hướng  và nội dung  trong dự thảo chưa chính thức, đang trong quá trình thảo luận hoàn thiện. Bộ GD&ĐT chủ động đưa các hoạt động chuẩn bị ngay từ bây giờ để đến khi kế hoạch chính thức được phê duyệt mới kịp thực hiện đúng tiến độ. Vì vậy chưa thể đưa ra đánh giá vào thời điểm này được.
NGND. Hồ Sĩ Đàm ủng hộ quan điểm nên để xã hội tham gia viết SGK. Ảnh Xuân Trung
NGND. Hồ Sĩ Đàm ủng hộ quan điểm nên để xã hội tham gia viết SGK. Ảnh Xuân Trung
Nhưng có điều có thể nói ngay được, lần này Bộ GD&ĐT đã đầu tư tương đối lớn để xây dựng dự thảo các nội dung của Đề án, có bài bản, có cơ sở, có hệ thống và lôgic hơn. Lần trước chương trình chưa được phê duyệt đã tiến hành biên soạn SGK. Đó là một bất cập lớn mà lần này đã khắc phục  được. Các vấn đề cốt lõi của nền giáo dục đã được hoạch định để đổi mới căn bản, về mục tiêu, chương trình, SGK, giáo viên, phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá... PV: Trong nội dung đổi mới hiện đại hóa chương trình và SGK sau 2015 có đề cập tới việc SGK sẽ phải có định hướng tích hợp cấp dưới và phân hóa mạnh cấp trên? Thầy hình dung hiệu quả của mục tiêu này như thế nào?
NGND. Hồ Sĩ Đàm:
Ban soạn thảo đã đề xuất định hướng đúng để đổi mới giáo dục phổ thông: Dạy học tích hợp và theo phân hóa. Định hướng này là tất yếu, đa phần các nước trên thế giới đều có chung cách tiếp cận như vậy.
Trước kia chúng ta tiếp cận theo nội dung, đại thể trên cơ sở xác định dạy những kiến thức khoa học hàn lâm gì cho học trò để xây dựng chương trình SGK, nói cách khác là lấy yếu tố văn hóa phổ thông để làm nội dung dạy học là chính, có quan tâm tới kĩ năng, phẩm chất nhưng mờ nhạt. Còn cách tiếp cận bây giờ là theo năng lực. Nói nôm na, xác định trước học sinh cần đạt được phẩm chất, năng lực, kỹ năng gì, để lựa chọn cần cung cấp kiến thức gì để đạt được các mục tiêu năng lực đó, chứ không xuất phát điểm từ nội dung ngành khoa học để đưa ra nội dung chương trình và SGK tương ứng. Tích hợp ở bậc tiểu học chúng ta đã, đang thực hiện. Việc học sử, học địa, đạo đức thường được tích hợp trong một môn học. Thế giới họ có những môn rất hay như “cuộc sống quanh ta”, tích hợp địa lí, lịch sử khoa học và học mà chơi, chơi mà học, rất hứng thú, không phải học kiến thức khoa học hàn lâm thuần túy. Tích hợp có cái hay, đó là giảm tải bớt trùng lặp, hứng thú hơn, thực tế hơn, dễ  tiếp thu hơn. Ta cần học sinh học để giải quyết được vấn đề trong cuộc sống. Làm thế nào cho học sinh sống được trong một xã hội hiện đại, xã hội thông tin, tri thức. Cần dạy cho học sinh biết sử dụng máy tính, biết khai thác các dịch vụ Internet chứ thời buổi này mà dạy học sinh đan vỉ đập ruồi thì vô lí quá!PV: Vậy còn tính phân hóa thì sao thưa thầy?
NGND. Hồ Sĩ Đàm:
Thực ra phân hóa phải có ngay từ lớp các lớp tiểu học chứ không phải đợi tới lớp 11-12 mới phân hóa. Chẳng hạn khi tổ chức các câu lạc bộ hát, vẽ, ngoại ngữ, tin học ở tiểu học cho các học sinh yêu thích. Có năng khiếu, sở trường nào thì tham gia câu lạc bộ đó.
Như vậy đó cũng là dạy học phân hóa, bồi dưỡng năng khiếu cá nhân. Phân hóa là để phát triển được trí tuệ, để học sinh phát triển sở trường, tài năng cá nhân Cần tạo môi trường thân thiện, làm sao để trẻ con đến học nhằm thỏa mãn khát vọng của nó, không đi học là không chịu được. Phân hóa như vậy là dể phát triển năng khiếu, bồi dưỡng nhân tài còn phân hóa ở bậc THPT còn mang ý nghĩa định hướng nghề nghiệp. Học sinh sau khi học xong phần cơ bản chung các em tự quyết định lấy, có thể vào đại học hoặc cao đẳng, hoặc học nghề hoặc ra lập nghiệp... Dựa trên định hướng tương lai của mình, ngoài một số ít môn bắt buộc chung các em có thể lựa chọn các môn học thích hợp cho bản thân.Dạy tích hợp không tác dụng khi đề bám nội dungPV: Đổi mới chương trình và SGK lầy này tập trung đánh giá học trò theo năng lực, theo thầy bắt đầu từ khâu nào? NGND. Hồ Sĩ Đàm: Hiện nay khi chúng ta coi trọng truyền đạt kiến thức, đánh giá nặng về kiểm tra kiến thức hàn lâm. Sau này dạy học theo năng lực nên thi và đánh giá phải khác. Việc coi trọng đổi mới thi và đánh giá và coi đó là khâu đột phá  là chủ trương rất đúng. Đánh giá bây giờ phải đánh giá toàn diện hơn, dựa vào năng lực để đánh giá, vì khi đánh giá theo nội dung kiến thức khoa học học thuộc lòng  được là nặng nề không hiệu quả, đánh giá tới đây phải khác. Dạy tích hợp mà ra đề theo nội dung thì học sinh lại học theo nội dung và như vậy tích hợp không có tác dụng. Có thể chẳng hạn đưa ra một vấn đề dạng một bài tập lớn, để giải quyết  vấn đề đó phải vận dụng tổng hợp nhiều kiến thức của nhiều môn học khác nhau. Đề thi kiểm tra có thể nên theo hướng đó. Hiện thời ta thi gì học nấy, còn cái chúng ta muốn là học gì thi nấy. Cách thi, kiểm tra có ảnh hưởng lớn đến cách học.PV: Nhiều quan điểm lên tiếng nên có nhiều bộ SGK cho các vùng miền, thầy chia sẻ suy nghĩ này như thế nào?NGND. Hồ Sĩ Đàm: Một chương trình, thậm chí có nhiều chương trình, nhiều bộ SGK là tất yếu, mục tiêu giáo dục là chung, nhưng để thực hiện mục tiêu thì có thể có những chương trình khác nhau. Cũng nên hiểu nhiều chương trình và nhiều SGK ở mức độ như thế nào.
NGND. Hồ Sĩ Đàm cho biết, dạy tích hợp mà ra đề theo nội dung thì học sinh lại học theo nội dung và như vậy tích hợp không có tác dụng. Ảnh Xuân Trung
NGND. Hồ Sĩ Đàm cho biết, dạy tích hợp mà ra đề theo nội dung thì học sinh lại học theo nội dung và như vậy tích hợp không có tác dụng. Ảnh Xuân Trung
Chương trình thì địa phương có thể có riêng, ở một số nước nhà trường cũng có thể có chương trình riêng, nhưng riêng ở mức độ nào là vấn đề? Tiêu chí và cách kiểm định chất lượng các chương trình đó là cần thiết, rất quan trọng để đảm bảo chuẩn chung cần đạt. Nếu không chắc chắn hậu quả sẽ khôn lường.Có thể cả xã hội tham gia làm SGKPV: Như thầy nói ủng hộ quan điểm có nhiều bộ SGK, nhưng xét toàn diện sẽ rất khó khăn trong triển khai?NGND. Hồ Sĩ Đàm: Quả là sẽ có nhiều khó khăn khi triển khai. Thứ nhất, lực lượng chuyên gia để tham gia xây dựng chương trình và SGK, kể cả số lượng và chất lượng còn thiếu và yếu. Bộ GD&ĐT không có cơ chế thích hợp thì khó, thẩm định một bộ SGK lĩnh vực khoa học tự nhiên đã khó nhưng lĩnh vực khoa học xã hội còn khó gấp bội. Tôi nghĩ cái nhiều hay ít bộ SGK không quan trọng lắm mà quan trọng hơn là phải có được bộ SGK đạt chuẩn và có chất lượng cao. Không độc quyền nhưng phải có cơ chế, dứt khoát phải có thẩm định, cấp phép lưu hành SGK một cách chặt chẽ. Nhà nước không đủ tiền để đầu tư vào nhiều bộ SGK mà phải dựa vào xã hội hóa , tư nhân, các công ty, tập đoàn, các cơ sở.... Thẩm định phải rất nghiêm ngặt để cấp giấy phép phát hành cho các SGK đạt chuẩn được phép lựa chọn sử dụng trong trường học.PV: Có nhiều bộ SGK nhưng có nên để cả xã hội tham gia viết sách không thưa thầy? NGND. Hồ Sĩ Đàm: Thoải mái, nếu như không đòi hỏi bộ phải cấp tiền và phải qua thẩm định nghiêm ngặt. Tư nhân có thể  tham gia không có vấn đề.  SGK quan trọng nhưng chất lượng giáo viên có vai trò quyết định. SGK tốt nhưng  giáo viên không biết dạy tốt thì học sinh không học tốt được. Trong điều kiện thiếu nhiều giáo viên giỏi thì môi trường học trên mạng chính là giải pháp khắc phục rất hiệu quả và đó cũng là một xu thế tất yếu . Đầu tư thấp nhưng lợi nhuận cao. Thông qua mạng có thể có nhiều SGK tốt để cả xã hội lựa chọn.PV: Thầy có kì vọng gì ở đổi mới chương trình và SGK lần này?NGND. Hồ Sĩ Đàm: Đây là việc lớn và mới bắt đầu nên ta tránh đánh giá vội vàng khen hay chê bây giờ là chưa phải lúc. Tôi nghĩ mọi khen - chê phải đều đứng trên trách nhiệm của một công dân, sự nghiệp giáo dục là của toàn dân nên quan trọng là ta có thể làm gì, đóng góp được gì để giúp cho dự án đó thành công . Đề án đổi mới phải thành công, không còn con đường nào khác.  Kì vọng thì tôi kì vọng nhiều, mặc dù có nhiều trăn trở với nhiều khó khăn. Đổi mới phải bắt đầu từ đổi mới tư duy hệ thống, chỉ có điều nhiều năm qua  nhiều việc chúng ta nói để nói chứ không phải nói để làm, hi vọng lần này nói để làm. Việc quan trọng là phải tập hợp, lựa chọn được những người vừa có tâm vừa có tầm tham gia thực hiện đề án. Quy trình biên soạn SGK, phản biện độc lập phải lôgic chặt chẽ. Điều kiện quan trọng nữa là kinh phí  cho dự án phải đáp ứng đủ./.Xin chân thành cảm ơn thầy. Clip: NGND. Hồ Sĩ Đàm nói về việc có nên cho cả xã hội tham gia làm SGK.
Xuân Trung (thực hiện)