Hành trình tìm đường giải phóng dân tộc
Giữa lúc cách mạng đang chìm trong cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước, ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước.
Lúc ấy, Người lấy tên là Văn Ba - làm nhân viên phụ bếp tàu buôn Amiran Latutsơ Tơrêvin. Quyết định ấy của Người là cả một quá trình nung nấu ý chí quyết tâm tìm ra phương thức tốt nhất giải phóng dân tộc, giải phóng áp bức mà thực dân – phong kiến đang áp bức nhân dân Việt Nam.
Ngày đó, nhiều người đặt ra câu hỏi: Ai cứu nước mình thoát khỏi ách đô hộ? Mỗi người một quan điểm, nào là Nhật, Mỹ, Anh… nhưng Nguyễn Tất Thành thì khởi đầu bằng cách đến tận những đất nước ấy, xem cuộc sống của họ như thế nào để tìm ra cách tốt nhất giúp đồng bào mình.
Những năm tháng sống ở nước ngoài, Người đã đi qua nhiều nước văn minh như Mỹ, Pháp, Anh, Châu Phi… và cũng đi qua cả nhiều nước thuộc địa. Với lòng yêu nước, yêu tự do, với nhãn quan của một người lao động, Nguyễn Tất Thành đã nhận thấy một điều rằng ở bất cứ nơi nào cùng có những cảnh áp bức, bóc lột, bất công. Người tổng kết, trên thế giới này chỉ có hai loại người đó là kẻ áp bức và người bị áp bức.
Đây là nhận thức được coi là nền tảng để Người lựa chọn chủ nghĩa Mác – Lênin, vạch ra con đường đấu tranh chống áp bức bất công triệt để nhất.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người chiến sĩ cộng sản kiên trung của dân tộc Việt Nam. ảnh: Tư liệu. |
Trên con đường bôn ba khắp năm châu, bốn biển, Người vừa lao động, vừa quan sát, nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm các cuộc cách mạng tư sản điển hình (Pháp, Mỹ) và tham gia hoạt động trong Đảng Xã hội Pháp, sau đó trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp; rút ra nhiều bài học quan trọng cho cách mạng Việt Nam sau này.
Tháng 7 năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đọc tác phẩm của Lênin: sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa đăng trên báo L’Humanité. Tác phẩm của Lênin đã giải đáp cho Nguyễn Ái Quốc con đường giành độc lập dân tộc và tự do cho đồng bào. Ngay sau đó Người viết thư bằng tiếng Pháp gửi Quốc tế cộng sản cho biết luận cương này đã ảnh hưởng to lớn và sâu sắc đến sự hình thành thế giới quan của Người. Từ đây Người dứt khoát đi theo Quốc tế Cộng sản.
Đây là bước ngoặt từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa cộng sản, từ một chiến sĩ giải phóng dân tộc trở thành một chiến sĩ cộng sản quốc tế của Người. Nguyễn Ái Quốc cũng là người Việt Nam đầu tiên tiếp thu sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tìm ra con đường đúng đắn giải phóng dân tộc Việt Nam.
Trở thành chiến sĩ cộng sản, Nguyễn Ái Quốc tham gia hoạt động trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, tích cực vận động phong trào cách mạng thuộc địa, nghiên cứu và truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin về Việt Nam qua các báo Người cùng khổ, Nhân đạo, Đời sống công nhân và sau này là tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp (1925) của Người.
Tháng 12/1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu (Trung Quốc) trực tiếp chỉ đạo việc chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tại đây, Người tham gia sáng lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông, sáng lập và trực tiếp huấn luyện Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, sáng lập và viết bài cho báo Thanh niên, xuất bản tác phẩm Đường kách mệnh (1927)... vừa tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin vào trong nước, vừa tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cốt cán, tiếp tục chuẩn bị về mặt tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Đảng.
Các tài liệu tuyên truyền của Nguyễn Ái Quốc đã khai sáng cho những người Việt Nam yêu nước đi theo con đường cách mạng vô sản, dấy lên cao trào đấu tranh mạnh mẽ trên khắp cả nước.
Phong trào đấu tranh của nhiều tầng lớp nhân dân phát triển mạnh mẽ, dẫn tới sự ra đời của ba chức cộng sản:
Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập ở Bắc Kỳ vào ngày 17/6/1929.
An Nam Cộng sản Đảng được thành lập ở Nam Kỳ vào mùa thu năm 1929
Đông Dương Cộng sản Liên đoàn được thành lập ở Trung Kỳ vào ngày 1/1/1930.
Sự ra đời của ba tổ chức cộng sản là xu thế tất yếu của phong trào đấu tranh cách mạng ở Việt Nam. Tuy nhiên, sự tồn tại đồng thời của ba tổ chức này với sự hoạt động biệt lập làm dấy lên nguy cơ dẫn đến chia rẽ lớn.
Trước tình hình này, Nguyễn Ái Quốc - người chiến sĩ cách mạng lỗi lạc của dân tộc Việt Nam, cũng là người duy nhất có đủ năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu đó của lịch sử: Thống nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản duy nhất ở Việt Nam.
Từ ngày 6/1 đến 7/2/1930, Hội nghị hợp nhất ba tổ chức Cộng sản họp tại Cửu Long (Hương cảng, Trung Quốc) dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị nhất trí thành lập Đảng thống nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng, Điều lệ tóm tắt của các hội quần chúng.
Chuẩn bị cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám
Từ 1931 đến 1938 là khoảng thời gian dài Nguyễn Ái Quốc phải chịu nhiều đau thương, nhiều lần bị chính quyền thực dân bắt giam.
Ngày 20/6/1940 sau khi nghe tin Pari bị phát xít Đức xâm chiếm, Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập cuộc họp và phân tích: “Việc Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”.
Ngày 22/9/1940, Người nhận định: “Đồng minh sẽ thắng. Nhật Pháp ở Đông Dương chóng chày sẽ bắn nhau. Việt Nam sẽ giành được độc lập. Chiến tranh du kích do Việt Minh lãnh đạo dần dần phát triển với những vũ khí thô sơ, gươm, giáo, mác và một số ít khẩu súng cướp được của giặc”.
Ngày 29/1/1941, Nguyễn Ái Quốc lên đường về nước tại cột mốc số 108 trên biên giới Việt – Trung (địa phận huyện Hà Quảng – Cao Bằng). Ngay sau khi về nước, Người chủ trì Hội nghị lần thứ VIII của Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương họp từ ngày 10 đến 19/5/1941. Hội nghị khẳng định: “Nhiệm vụ trước mắt chủ yếu của cách mạng Việt Nam là giải phóng dân tộc”.
Theo sáng kiến của Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị đã quyết định thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi mang tên Việt Nam độc lập đồng minh gọi tắt là Việt Minh. Mặt trận Việt Minh “nhằm liên kết hết thảy các giới đồng bào yêu nước không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn”.
Chương trình Việt Minh do Người chủ trì soạn thảo gồm 6 phần: Chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục đối với tầng lớp nhân dân, ngoại giao. Chương trình này có thể được coi là cơ sở đề soạn thảo bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta (1946).
Ngày 13/8/1942, với tên mới là Hồ Chí Minh, Người đã sang Trung Quốc để liên lạc với lực lượng cách mạng của người Việt Nam và lực lượng đồng minh. Trong chuyến đi này, Người đã bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam. Cuối tháng 8 và đầu tháng 9 năm 1943 sau khi đã vượt qua nhiều khó khăn, rắc rối do phía Quốc dân Đảng Trung Quốc gây ra, Người đã trở về nước.
Cuối tháng 9 Người đã kịp thời chỉ thì trì hoãn cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương của liên tỉnh Cao – Bắc – Lạng tránh những tổn thất khi chúng ta chưa chuẩn bị đầy đủ. Đây là một quyết định sáng suốt của Người, tránh cho cuộc đấu tranh vấp phải những thất bại đáng tiếc.
Người luôn dành sự quan tâm lớn cho thế hệ trẻ. ảnh tư liệu. |
Đầu tháng 12/1944, Người chỉ thị cho đồng chí Võ Nguyên Giáp đảm nhiệm việc thành lập lực lượng vũ trang tập trung. Trong chỉ thị thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân Người khẳng định: “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”.
Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam sau này đã có những bước chuẩn bị quan trọng về lực lượng vũ trang cho cuộc tổng khởi nghĩa.
Từ ngày 6 đến 10/8/1945 khi biết thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền đã đến, Hồ Chí Minh triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng tại Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang), diễn ra vào ngày 13/8.
Hội nghị nhận định cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập dân tộc đã tới, quyết định mục đích của cuộc chiến đấu là giành quyền độc lập hoàn toàn cho đất nước, thành lập chính quyền nhân dân, thi hành mười chính sách của Việt Minh. Thống nhất các lực lượng vũ trang thành giải phóng quân Việt Nam.
Ngày 16 và 17 tháng 8 năm 1945, Người dự Đại hội quốc dân tại Tân Trào, người được bầu làm chủ tịch Uỷ ban giải phóng dân tộc Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời).
Cách mang tháng Tám thành công, ngày 2/9 tại Quảng trường Ba Đình – Người đọc Tuyên ngôn độc lập, chính thức tuyên bố với toàn thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Đối với cách mạng tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, người con ưu tú của dân tộc đóng vai trò to lớn, đó là tìm đường cứu nước, mở ra lối đi đúng đắn, sáng suốt và phù hợp với thực tiến hoàn cảnh nước ta.
Người dày công chăm lo, vun đắp cho cách mạng, chuẩn bị mọi mặt cả về tư tưởng đến tổ chức, từ mối đoàn kết toàn dân đến đoàn kết quốc tế, chuẩn bị từ lực lượng chính trị đến lực lượng võ trang, đến căn cứ địa; chuẩn bị cho cả tương lai của đất nước.
Trong suốt cả cuộc đời, Người dành tất cả thời gian cho sự nghiệp giải phóng và phát triển dân tộc, để lại cho các thế hệ cháu con một di sản đồ xộ, đó là một đất nước độc lập, toàn vẹn, là ý chí cách mạng chói ngời.
Trong Điếu văn tiễn đưa Người, Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc, có đoạn: "Hồ Chủ tịch kính yêu của chúng ta không còn nữa. Tổn thất này vô cùng lớn lao. Đau thương này thật là vô hạn ! Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch - Người anh hùng dân tộc vĩ đại. Và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta...".