Thời gian gần đây, tình trạng người thân của một số cán bộ, nhất là cán bộ cấp cao, lợi dụng tên tuổi, địa vị của cán bộ ấy để làm giàu bất chính, để thăng quan, tiến chức thiếu lành mạnh, vi phạm pháp luật... trở thành vấn đề nóng, khiến dư luận đặc biệt quan tâm.
Trong nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực của quan chức tha hóa, có bóng dáng, sự tham gia của người thân, người quen.
Do đó, muốn đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên thì việc kiểm soát không để người thân của cán bộ lợi dụng nhằm trục lợi được đặt ra như một yêu cầu bức thiết.
Dân gian xưa có câu: “Một người làm quan, cả họ được nhờ”. Câu nói này chứa đựng quan điểm tiêu cực. Điều này xem ra vẫn đúng trong hoàn cảnh hiện nay.
Hơn nữa, trong nền kinh tế thị trường thời hội nhập, các biểu hiện lợi dụng địa vị của người nhà làm lãnh đạo, quản lý càng phức tạp, đa dạng.
Tựu trung lại thì việc lợi dụng ấy thường nhắm đến hai mục tiêu chính yếu nhất là lợi ích kinh tế và danh vọng, địa vị chính trị.
Trong một số trường hợp, mối quan hệ giữa người nhà, người thân, người quen và cán bộ cũng có thể xem là một trong những biểu hiện đặc trưng của lợi ích nhóm; một mối quan hệ mà tiền bạc và quyền lực gắn chặt với nhau; quyền lực sinh ra tiền bạc và tiền bạc đầu tư vào để rồi lại có địa vị, quyền lực cao hơn, lớn hơn.
Bí thư huyện Hoàng Su Phì lý giải việc 16 người nhà làm cán bộ |
Chúng ta tự hỏi tại sao lại có những đoàn xe của doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp xây dựng được coi như đoàn “xe vua”, mặc sức vi phạm Luật Giao thông đường bộ, mà không bị xử lý?
Vì sao có những doanh nghiệp mới ra đời, năng lực chưa được khẳng định, chưa có thương hiệu mà bỗng chốc được nhận những dự án “khủng”, "bất khả chiến bại" trong đấu thầu; được nhận vốn vay của ngân hàng một cách ồ ạt để rồi lớn nhanh như thổi và sau đó cũng có thể lụi tàn trong chốc lát?
Tại sao có những doanh nghiệp, cá nhân dễ dàng xây biệt thự, xây khu đô thị, xây khu nghỉ dưỡng trên đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp màu mỡ, bất chấp sự phản đối quyết liệt của người dân địa phương?
Có vô lý không khi có doanh nghiệp Nhà nước tiến hành cổ phần hóa bỗng chốc bị tư nhân hóa, bị bán với giá rẻ mạt, trở thành tài sản riêng của gia đình chính lãnh đạo doanh nghiệp ấy?
Có phải ngẫu nhiên, vô tư không khi có những cá nhân không có năng lực hay công trạng gì đặc biệt bỗng thăng tiến "thần tốc"; rồi rất nhiều người trong cùng một gia đình được cất nhắc lên những vị trí quan trọng tại một cơ quan, địa phương nơi có người nhà đang làm lãnh đạo?
Người ta thường nhắc nhiều đến việc lợi dụng người nhà để giành lấy lợi ích kinh tế. Nhưng việc lợi dụng để đưa người nhà vào vị trí quản lý, nhằm kiểm soát, thao túng quyền lực chính trị còn nguy hiểm hơn nhiều.
Khi nhiều vị trí quản lý ở một cơ quan, địa phương, doanh nghiệp Nhà nước đều là người trong một gia đình nắm giữ thì vai trò lãnh đạo của Đảng, quyền lực của Nhà nước, của tập thể bỗng biến thành quyền lực của một gia đình.
Nếu những quyền lực gia đình ấy lại liên kết với những "thế lực đen" ngoài xã hội thì tác hại khôn lường.
Họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn, vượt qua cả khuôn khổ của luật pháp.
Những dự án lớn có thể sẽ rơi vào tay những doanh nghiệp tồi, rồi doanh nghiệp ấy lại đứng ra để phân việc cho các doanh nghiệp khác, chất lượng dự án thấp, chi phí bị đội lên cao.
Chuyện lạ năm 2017: Nhà có chân |
Những vị trí quản lý quan trọng rơi vào tay những người yếu kém. Hiệu quả và tính lành mạnh của từng bộ máy ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương và lớn hơn là của nền kinh tế, của quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trong xã hội sẽ xuất hiện nhiều điều bất công, chướng tai gai mắt mà dường như không có cách nào để xử lý.
Đằng sau tất cả những hiện tượng đó thường có bóng dáng, có sự chống lưng, có sự đạo diễn của một vài vị quan chức nào đó.
Những vị quan chức ấy tạo điều kiện cho người nhà, người thân làm ăn, thăng quan tiến chức để tạo bè cánh, tạo nền tảng kinh tế, chính trị vững chắc hơn cho mình và cho gia đình mình.
Cũng có những trường hợp vị lãnh đạo, cán bộ quản lý bản chất không phải là người tham lam, nhưng do sự xúi giục, thúc ép của người thân nên phạm phải sai lầm, để rồi trượt dần vào suy thoái đạo đức, lối sống.
Rồi có khi lãnh đạo, cán bộ quản lý cũng không biết người thân, người quen của mình lén mượn danh mình để làm điều sai trái, tiêu cực, vi phạm pháp luật, nhận hối lộ, dọa nạt doanh nghiệp, đơn vị cơ sở để trục lợi.
Cũng bởi được coi là người thân, người quen với các quan chức rất có lợi nên xung quanh các quan chức thường có rất đông anh em, thân hữu, bạn bè.
Nhiều “người dưng” cũng cố gắng lân la, làm quen, năng đến nhà, năng xuất hiện tại những sự kiện đông người của gia đình, thậm chí còn mong được nhận là anh em kết nghĩa, con nuôi, cháu nuôi... của quan chức, để “vua biết mặt, chúa biết tên”, hòng kiếm cơ hội.
Rồi các doanh nghiệp cũng rất thích được nhận người thân, người nhà của lãnh đạo để lấy đó như một “giấy thông hành”, một “thứ bảo hiểm”, một “thẻ bài miễn tội”.
Chính vì xung quanh một vị lãnh đạo có thể có rất nhiều người thân, người nhà, người quen nên nguy cơ tiêu cực, tham nhũng sẽ tăng lên rất nhiều lần nếu như những người này đều dựa thế để làm càn, trở thành những “cậu trời”, những “bà chúa”.
Những chuyện chạy chức, chạy dự án có thể sẽ không đề cập thẳng với vị quan chức nữa mà sẽ vòng qua chỗ người thân, người quen.
Có nhiều trường hợp lợi dụng quan hệ người thân để lừa đảo vay tín dụng. Như vậy, là đã có thêm nhiều “cửa” để phát sinh tiêu cực.
Thanh Hóa: Gần chục người họ hàng "làm quan" ở một xã |
Càng dựa thế thì những “cậu trời”, “bà chúa” ấy sẽ càng hống hách, càng gây ra sự phẫn nộ và gây nguy cơ làm suy giảm niềm tin trong nhân dân vào cán bộ, thậm chí là vào cả hệ thống chính trị.
Những hiện tượng lợi dụng chức vụ của người thân để càn quấy ấy sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Nhận thức được sự nguy hiểm của thực trạng nói trên, Đảng và Nhà nước đã đề ra những biện pháp quyết liệt để ngăn chặn.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng đã chỉ rõ một trong những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là:
“Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi”.
Cán bộ cấp càng cao thì nguy cơ bị người thân, người quen lợi dụng để trục lợi càng nhiều.
Vì vậy, tháng 8/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị, ký ban hành Quy định số 89-QĐ/TW về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp; Quy định số 90-QĐ/TW về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Trong cả hai quy định nêu trên đều có nội dung: “Không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi”.
Tháng 6/2017, Văn phòng Chính phủ cũng phát đi Thông báo số 5760/VPCP-NC truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng, đơn vị trực thuộc đề cao cảnh giác, không để các đối tượng tự nhận là người nhà, người thân của các đồng chí lãnh đạo để lợi dụng thực hiện các hành vi không đúng quy định của pháp luật.
Trong xử lý công việc, thực hiện đúng quy định, không được để các mối quan hệ, yếu tố bên ngoài chi phối, ảnh hưởng đến hoạt động công vụ.
Trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu khả nghi, yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định.
Trong các cuộc họp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhắc nhở lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương, khi bổ nhiệm các vị trí quản lý, tuyển dụng nhân sự vào hệ thống hành chính thì phải “tìm người tài chứ không phải tìm người nhà”.
Sẽ sớm công bố về khối tài sản, đất đai liên quan đến ông Phạm Sỹ Quý |
Việc lựa chọn người tài cho bộ máy hành chính Nhà nước phải công bằng.
Ai có tài năng đã được khẳng định trong công việc thì lựa chọn, chứ không thể bất chấp, chỉ vì là người nhà lãnh đạo mà được chọn, sẽ làm thoái hóa bộ máy, làm mất chí hướng phấn đấu của những người có năng lực, suy giảm niềm tin của xã hội.
Trong quá khứ hay ngay hiện nay, chúng ta đã biết tới tấm gương của nhiều đồng chí lãnh đạo liêm chính, mặc dù có vị trí rất cao, quyền lực lớn nhưng không bổ nhiệm, cất nhắc người nhà một cách tùy tiện.
Người nhà của các đồng chí ấy cũng phải lao động, phải phấn đấu vươn lên giống như những cá nhân khác trong bộ máy hành chính, trong xã hội. Đó là những tấm gương để tạo dựng niềm tin.
Nhiều ý kiến cho rằng, để hạn chế việc người thân, người quen lợi dụng địa vị của cán bộ lãnh đạo để làm giàu bất chính, cần phải có quy định của pháp luật kiểm soát chặt chẽ.
Tháng 6 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định 85-QĐ/TW về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Trong đó, kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản, biến động tài sản hằng năm thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của cán bộ, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên.
Việc kiểm tra, giám sát kê khai tài sản sẽ dựa vào 3 căn cứ: Khi có kế hoạch, yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; khi có kiến nghị, phản ánh, tố cáo có căn cứ về việc kê khai tài sản không trung thực; khi cán bộ có dấu hiệu vi phạm quy định của Đảng và Nhà nước về kê khai tài sản.
Nội dung kiểm tra, giám sát gồm việc thực hiện các quy định về kê khai tài sản, biến động tài sản hằng năm thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của cán bộ thuộc đối tượng kiểm tra, giám sát.
Thế nào là cán bộ cầm chừng, công tư lẫn lộn? |
Ở các cấp quản lý thấp hơn, ngoài việc yêu cầu cán bộ kê khai tài sản hằng năm theo quy định cũng nên có các quy định về việc kê khai tài sản của bản thân và của vợ, chồng, con.
Tất nhiên, chúng ta đều hiểu rằng, việc tự kê khai có chính xác hay không còn phụ thuộc vào tính trung thực của cá nhân.
Tuy nhiên, việc bắt buộc kê khai cũng là một rào cản nhất định về tâm lý, là một căn cứ để khi cần xác minh có thể lấy bản tự khai ấy để xác định tính trung thực-yêu cầu tối quan trọng của một cán bộ.
Một điều rất quan trọng là phải dùng công tác cán bộ để điều chỉnh, làm lành mạnh hóa bộ máy hành chính.
Dân gian có câu: “Làm quan xa, cấy ruộng kề”, nghĩa là người xưa đã truyền kinh nghiệm rằng cần hạn chế, không nên để người địa phương làm cán bộ, quản lý ngay tại địa phương để tránh chuyện người thân, người quen lợi dụng quyền lực, địa vị ấy để lộng hành.
Chúng ta không vì một số trường hợp mà suy rộng ra cho tất cả. Nhưng một loạt sự vụ liên quan đến người nhà cán bộ được phát hiện trong thời gian qua là hồi chuông cảnh tỉnh.
Nếu đội ngũ cán bộ không gương mẫu, không tự răn mình, không nghiêm khắc giáo dục, không ngăn chặn người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để làm điều sai trái thì uy tín của chính cán bộ đó sẽ bị ảnh hưởng, không những vậy còn gây tổn hại đến uy tín, hình ảnh của Đảng và Nhà nước.