"Người trong cuộc" chia sẻ 6 thuận lợi khi trường cao đẳng y tế trực thuộc UBND

19/03/2023 06:41
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, trường cao đẳng y tế trình văn bản xin ý kiến trực tiếp nên rút ngắn một nửa thời gian hoàn thành thủ tục. 

Công tác tổ chức nhân sự, chương trình đào tạo, phân bổ tài chính rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục... là những thuận lợi khi trường cao đẳng y tế trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh.

Bàn về vấn đề này, trao đổi với Tạp chí điện từ Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ, Bác sĩ Bùi Lê Vĩ Chinh – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Bình Định cho biết, trước đây, Trường Cao đẳng Y tế Bình Định đào tạo hệ trung cấp và thuộc quản lý của Sở Y tế tỉnh Bình Định. Năm 2007, trường nâng cấp lên cao đẳng và chuyển sang Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định quản lý.

Một tiết học của sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Bình Định. (Ảnh: website nhà trường).

Một tiết học của sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Bình Định. (Ảnh: website nhà trường).

Theo thầy Chinh, do trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, nhà trường có nhiều thuận lợi như:

Thứ nhất, các văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh xin ý kiến được rút ngắn ít nhất một nửa thời gian do không cần thông qua Sở Y tế như trước.

"Trước đây, trường phải thông qua Sở Y tế nên thời gian văn bản của trường “đến tay” Ủy ban nhân dân tỉnh tốn khoảng 20 ngày mới nhận được phản hồi. Trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, nhà trường trình văn bản trực tiếp lên cơ quan xin ý kiến nên chỉ mất 10 ngày”, thầy Chinh chia sẻ.

Thứ hai, rút ngắn quy trình bổ nhiệm, tổ chức nhân sự.

Theo Tiến sĩ Bùi Lê Vĩ Chinh, trước kia, khi trực thuộc Sở Y tế, trường muốn bổ nhiệm, tuyển dụng nhân sự,… đều phải thông qua Sở Y tế trước rồi mới đến Ủy ban nhân dân tỉnh. Từ năm 2007 đến nay, trường được trực tiếp tham mưu đề xuất với Ủy ban nhân tỉnh xin ý kiến chỉ đạo về công tác nhân sự, bổ nhiệm cán bộ.

Thứ ba, thuận tiện trong công tác đào tạo.

Theo thầy Chinh, các văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh được gửi về trường thay vì gửi về Sở Y tế. Ngoài ra, trường được làm việc trực tiếp với các cơ quan chuyên môn nên có nhiều thuận lợi.

“Trường xây dựng xong chương trình đào tạo sẽ gửi về Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để thẩm định mà không cần trình qua các đơn vị trực thuộc chờ xin ý kiến (việc chờ xin ý kiến cũng mất 1-2 tháng). Trong quá trình xem xét, nếu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến liên quan đến ngành Y tế thì sẽ trình văn bản qua Bộ Y tế để xin ý kiến thống nhất ban hành chủ trương, đảm bảo gọn gàng, chặt chẽ trong chỉ đạo hoạt động trường”, thầy Chinh nói.

Thứ tư, nhà trường được làm chủ đầu tư.

Đơn cử, trước đây trường muốn đầu tư, sửa chữa công trình cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị,... để phù hợp với việc đào tạo thì phải làm tờ trình lên Sở Y tế. Còn hiện tại, trường chỉ cần làm thủ tục trình lên Ủy ban nhân dân tỉnh nên thuận lợi hơn rất nhiều.

"Kinh phí hàng năm phân bổ sẽ được Ủy ban nhân dân tỉnh chuyển thẳng về trường để thực hiện các nhiệm vụ mà không cần chuyển qua Sở Y tế. Điều này tạo thuận lợi hơn vì đôi khi việc phân bổ kinh phí từ Sở Y tế về trường bị chậm”, thầy Chinh cho biết.

Thứ năm, dễ dàng phối hợp với các đơn vị, phòng, ban có liên quan trong điều hành chuyên môn.

“Trước đây, Sở Y tế chỉ đạo như thế nào thì nhà trường phải thực hiện như thế, không được quyền thay đổi. Hiện tại, chỉ cần Ủy ban nhân dân đồng ý kế hoạch, trường sẽ phối hợp cùng các sở, ban, ngành liên quan, trong đó có Sở Y tế để triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Khi đó, Sở Y tế chỉ có vai trò là đơn vị phối hợp cùng với nhà trường thực hiện công tác đào tạo”, thầy Chinh cho biết.

Thứ sáu, cải thiện chế độ cho cán bộ, giảng viên.

Theo thầy Chinh, Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý cũng tạo thuận lợi về chế độ cho cán bộ, giảng viên. Cụ thể, lãnh đạo nhà trường hưởng phụ cấp chức vụ tương đương với lãnh đạo các sở, ban, ngành; giảng viên nhận phụ cấp tương đương các phòng, ban chuyên môn của sở, ban, ngành. Nhờ đó, tạo động lực để cán bộ, giảng viên thực hiện công tác tốt.

Bên cạnh những thuận lợi, trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh cũng khiến trường cao đẳng y tế cũng có thách thức nhất định.

Theo thầy Chinh, trước đây, trường chỉ đưa ra ý kiến đề xuất với Sở Y tế, sau đó Sở Y tế tổng hợp để trình Ủy ban nhân dân tỉnh. Từ khi trực thuộc Ủy ban nhân dân, trường phải chủ động thực hiện các nhiệm vụ và phải trình văn bản xin ý kiến của Ủy ban nhân dân tỉnh đảm bảo thuyết phục thì mới được phê duyệt.

“Tự thực hiện tất cả các khâu trình Ủy ban nhân dân tỉnh vất vả hơn nhưng đổi lại nhà trường được chủ động. Song, nếu văn bản trình lên không đủ sức thuyết phục thì Ủy ban nhân dân tỉnh không ban hành chủ trương, chỉ đạo nhà trường triển khai nhiệm vụ”, thầy Chinh cho biết.

Bàn về chuyên môn, theo thầy Chinh, trường cao đẳng đào tạo y tế khi chuyển sang Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khó khăn trong việc phải điều chỉnh phương thức học theo hướng 70% thực hành, 30% kiến thức lý thuyết sao cho đúng với tính chất đào tạo nghề.

“Tuy nhiên, học phí phục vụ cho mục tiêu gia tăng việc thực hành cho người học hiện không tương xứng, gây khó khăn cho các trường cao đẳng đào tạo y”, thầy Chinh chia sẻ.

Ngoài ra, theo thầy Chinh, hiện, tỷ lệ tuyển sinh của trường còn thấp, cụ thể, năm 2022, trường tuyển sinh chỉ đạt 39,8% chỉ tiêu (trước đây, trường đạt 100%, có năm đạt 105% tỷ lệ tuyển sinh).

“Hiện chỉ có một phương án là phải tuyển được sinh viên để thực hiện tự chủ, chi trả tiền lương cho cán bộ, giảng viên.

Trước đây, Phòng Đào tạo phụ trách tuyển sinh nhưng tới đây, trường sẽ thành lập phòng tuyển sinh riêng để tập trung thực hiện tốt công tác tuyển sinh”, thầy Chinh chia sẻ thêm.

Ngọc Mai