Nguy cơ thiếu hụt nhân lực STEM trình độ cao (kỳ 1): Các trường ĐH "trải lòng"

20/05/2023 06:41
Phương Nga
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có nhiều hệ lụy khi nguồn nhân lực STEM chất lượng cao bị sụt giảm, vì vậy cấp thiết cần có chiến lược quốc gia rõ ràng về phát triển nguồn lực STEM.

Từ năm 2017, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy giáo dục STEM.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó chỉ rõ tầm quan trọng của giáo dục STEM.

Đến năm 2022, Thủ tướng đã ký Quyết định số 569/QĐ TTg ngày 11/5/2022 ban hành Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, trong đó có nhắc tới thuật ngữ STEM.

Tuy nhiên, các ngành nghề thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) tại nhiều cơ sở giáo dục đại học hiện nay còn "kén" sinh viên theo học và ít người học lên thạc sĩ, tiến sĩ.

Giáo dục STEM chưa được quan tâm định hướng nghề nghiệp trong các trường phổ thông

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Như Khoa – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) cho biết:

“Nhận định vấn đề "kén" sinh viên theo học các ngành STEM có phần đúng. Vì theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2022 có thể thấy tỷ lệ thí sinh trúng tuyển các ngành STEM tương đối thấp. Và, từ thực tế đào tạo cho thấy, tỷ lệ sinh viên giỏi vào học ngành STEM thấp hơn đáng kể so với nhiều ngành khác”.

Sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên trong một giờ học ngành STEM. Ảnh: NT

Sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên trong một giờ học ngành STEM. Ảnh: NT

Đặc biệt, theo đánh giá của Phó Giáo sư Ngô Như Khoa, khó khăn chủ yếu là học sinh phổ thông chưa có đam mê, động lực theo đuổi ngành nghề STEM vì xu hướng nhận thức của xã hội hiện nay cứ ngành nghề nào dễ học, việc làm nhẹ nhàng thì sẽ thu hút đa số người học.

Lý giải thêm về vấn đề này, thầy Khoa nhấn mạnh về việc thiếu tính dẫn dắt, định hướng của giáo dục phổ thông, của truyền thông, và đặc biệt của thị trường lao động, tất cả đều chưa dành sự quan tâm cho các ngành nghề STEM tương xứng với vai trò quan trọng của nó.

Cùng chung quan điểm trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Lâm - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) bày tỏ băn khoăn khi định hướng nghề nghiệp ở trường phổ thông có tác động lớn đến việc lựa chọn ngành nghề khi học đại học.

Thầy Lâm cho biết, thực tế qua các năm học gần đây cho thấy, số lượng học sinh lựa chọn tổ hợp các môn Khoa học tự nhiên để thi tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ khoảng 32-34%, tức là thấp hơn rất nhiều so với khối ngành Khoa học xã hội (khoảng 55%). Trong khi, bên cạnh các ngành STEM thì Y, dược, kinh tế… cũng tuyển sinh dựa vào kết quả của tổ hợp các môn Khoa học tự nhiên.

Nắm bắt được xu hướng phát triển trong tương lai, lãnh đạo 2 cơ sở giáo dục đại học khẳng định, đầu tư vào ngành STEM đem lại nhiều lợi ích trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thầy Khoa cho biết: “Nếu nhân lực lao động 4.0 không tiếp cận STEM thì chỉ tham gia vào các công đoạn lắp ráp có giá trị thấp. Còn nếu có kỹ năng STEM sẽ giải quyết được các vấn đề khó hơn, cần sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề liên quan đến chuyên ngành như nghiên cứu phát triển sản phẩm, khi đó giá trị lao động sẽ cao hơn”.

Từ đó có thể thấy việc có nguồn nhân lực STEM chất lượng cao có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thời đại công nghệ 4.0. Bởi, lực lượng này không chỉ đóng vai trò đáp ứng, giải quyết các yêu cầu mới của thị trường lao động mà còn khai thác được cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0 để đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy kinh tế, đồng thời giải quyết các vấn đề xã hội.

Theo đó, việc phát triển phương pháp giáo dục STEM là điều kiện tiên quyết để đào tạo được nguồn nhân lực STEM chất lượng cao.

Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng đã ứng dụng công nghệ cao vào sản phẩm. Ảnh: NT

Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng đã ứng dụng công nghệ cao vào sản phẩm. Ảnh: NT

Cần có chiến lược quốc gia về phát triển nguồn lực STEM chất lượng cao

Hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học đào tạo khối ngành STEM đang nỗ lực nhằm đảm bảo nguồn cung nhân lực chất lượng cao tuy nhiên, việc ít sinh viên sau khi tốt nghiệp lựa chọn học sau đại học khối ngành này đang là vấn đề nan giải.

Theo quan điểm của Phó Giáo sư Nguyễn Đình Lâm, sở dĩ ít sinh viên theo học sau đại học ngành STEM tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng do nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của thị trường lao động miền Trung khá hẹp.

Trên thực tế, miền Trung không có nhiều doanh nghiệp nghiên cứu mà chủ yếu là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nên yêu cầu về nguồn nhân lực STEM chất lượng cao không nhiều.

Thầy Lâm cho biết thêm, với yêu cầu hiện tại, kỹ sư sau khi tốt nghiệp đại học hoàn toàn đáp ứng được khối lượng của các doanh nghiệp đề ra. Đây cũng là lý do khiến ít sinh viên theo học lên trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.

Bàn về vấn đề này, thầy Ngô Như Khoa chỉ ra nguyên nhân đến từ việc kỹ sư thường tìm được việc làm phù hợp ngay khi ra trường, do đó có tư tưởng kết thúc sớm việc học để đi làm vì mục tiêu kinh tế.

Ngoài ra, việc đào tạo sau đại học các ngành STEM đòi hỏi phải có phòng thí nghiệm cùng trang thiết bị chuyên ngành có giá trị cao, trong khi đó không phải nhiều cơ sở giáo dục đại học trong nước hiện nay đáp ứng được nhu cầu này.

Từ đó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) chỉ rõ 3 hệ lụy khôn lường khi nguồn nhân lực STEM chất lượng cao bị sụt giảm:

Một là, bẫy thu nhập thấp do không tham dự được các công đoạn yêu cầu kỹ năng STEM trong chuỗi sản xuất 4.0;

Hai là, không làm chủ được các ngành công nghiệp chủ chốt dẫn đến các nguy cơ như mất tự chủ, bị chiếm lĩnh thị trường bởi các quốc gia khác, mất việc làm và mất an ninh quốc gia;

Ba là, khó để thực hiện được các mục tiêu như công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đổi mới sáng tạo…như Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đề ra.

Theo đó, Phó Giáo sư Ngô Như Khoa kiến nghị vấn đề cấp thiết nhất là cần có chiến lược quốc gia rõ ràng về phát triển nguồn lực STEM, thể hiện được các yếu tố:

Có quy hoạch (tối thiểu 10-20 năm) về quy mô các ngành mũi nhọn và các ngành, nghề phụ trợ. Quy hoạch này được thống nhất với chiến lược phát triển kinh tế xã hội quốc gia, vùng, miền, địa phương;

Có chiến lược truyền thông định hướng nghề nghiệp STEM rộng khắp, hiệu quả;

Có chiến lược phát triển giáo dục STEM, định hướng ngành nghề STEM ngay từ trung học cơ sở, trung học phổ thông đúng cách;

Có chiến lược đầu tư cho giáo dục STEM đúng mức dựa trên quy hoạch mạng lưới hệ thống giáo dục, đào tạo phù hợp với tiềm năng các trường và nhu cầu nhân lực các lĩnh vực theo vùng, miền, địa phương…

“Tất cả những điều đó nhằm tạo ra động lực theo đuổi học tập, làm việc trong lĩnh vực STEM ngay từ học sinh phổ thông”, thầy Khoa khẳng định.

Phương Nga