Sau khi Báo Giáo dục Việt Nam đăng tải loạt bài "Thư của du học sinh Nhật - người Việt và những đứa con chưa ngoan", độc giả có bút danh Thư Phong đã gửi một bài viết chia sẻ những cảm nghĩ về vấn đề này.
Báo Giáo dục Việt Nam xin trân trọng giới thiệu bài viết tới độc giả!
"Những ngày qua dư luận lại xôn xao vì một bức thư của một “du học sinh Nhật” viết về những thói xấu của người Việt Nam ta. Cũng là người Việt Nam, tôi biết rằng, có thể chính mình cùng hàng triệu người Việt khác đang cùng nằm trong tầm ngắm của bức thư ấy. Với tinh thần cầu thị, tôi vui mừng đón nhận nó để chuyển tới một số người Việt một thông điệp rằng đừng phật lòng khi bị một ai đó phê phán về mặt trái của mình.
Trước tiên, tôi không quan tâm đến xuất xứ của bức thư này, và cũng không bình luận về thái độ của người viết nó. Nhưng tôi thừa nhận bức thư này mang nhiều ý nghĩa, đặc biệt đối với những người quan tâm đến những vấn đề chung của đất nước.
Vâng! Thưa các bạn. Tục ngữ có câu “nhân vô thập toàn” nghĩa là, đã là con người thì không có ai hoàn mĩ cả, cũng có thể hiểu ở mức độ rộng hơn là trong một xã hội luôn luôn tồn tại hai mặt đen trắng đối nhau từ đó mới sinh ra các định chế để dần dần đưa xã hội vào một trật tự nhất định. Câu nói này chủ đích là hướng chúng ta tới một nhận thức thực tế trong cuộc sống, tạo động lực để vươn lên.
Vì vậy, một con người thật sự muốn cầu thị thì phải nhìn nhận một cách khách quan về chính mình, một xã hội thật sự muốn tiến bộ thì không chấp nhận che đậy những tật xấu.
Những năm qua, đất nước không ngừng phát triển, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt và điều đó cũng tỉ lệ thuận với chỉ số hạnh phúc xã hội.
Nhưng thành công đó lại kèm theo rất nhiều mặt tiêu cực xã hội. Lẽ ra, đất nước càng phát triển thì tinh thần tương thân tương ái và ý thức cộng đồng phải càng được bồi đắp thêm, đáp ứng đúng như ý nguyện của cha ông ta khi cầm súng đứng lên chống ngoại xâm, thì ngược lại nó lại đang phai nhạt dần để thay bằng một thứ chủ nghĩa cá nhân hẹp hòi, vị kỷ.
Và cho dù chưa phải là tất cả nhưng đã thành hình hài của một xu hướng đang ngấm sâu vào trong lòng xã hội.
Ngày này người ta quan niệm rằng… là một việc nào đó hễ không có lợi cho bản thân thì không làm, còn những việc gì thuộc trách nhiệm chung của cộng đồng thì có tổ chức lo.
Họ sẵn sàng bỏ qua những quy chuẩn luân lý đạo đức cơ bản vì lợi ích trước mắt của bản thân.
Họ sẵn sàng vờ như không biết khi tính mạng người khác đang trong cơn nguy kịch nếu như không liên quan gì đến họ…
Con cháu ngược đãi ông bà, cha mẹ, anh chị em xô xát với nhau vì đất đai và quyền thừa kế.
Không phải ngẫu nhiên mà gần đây các phương tiện truyền thông liên tục phải chạy các tựa đầy tính cảm thán như: Cứu người gặp nạn: vì sao vô cảm?; Vô cảm xem người bị tai nạn!; Gây tai nạn rồi bỏ trốn - sự vô cảm đáng sợ… Trong đó có những đoạn tác giả tường thuật “…người dân hai bên đường ùa vào xem còn nạn nhân là anh NVN vẫn nằm tại hiện trường…” hay “…người dân qua đường không ai đưa anh này đi cấp cứu. Phải gần một tiếng sau, khi dân phòng tới hiện trường, nạn nhân mới được đưa tới bệnh viện..”…
Thật mỉa mai cho truyền thống “thương người như thể thương thân”, “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ” mà cha ông ta đã dày công vun đắp.
Có một sự thật mà người ta thường viện dẫn để biện minh cho hành động vô cảm của mình là nhiều người làm ơn nhưng đã mang oán về mình. Trong những trường hợp tương tự khi họ tìm cách giúp đỡ người bị nạn thì chính bản thân họ lại bị vu là người gây nạn.
Từ đó trong xã hội hình thành một tâm lý là không tự gây phiền phức cho mình. Đây chính là thứ tâm lý cào bằng hẹp hòi nếu không muốn nói là tàn nhẫn.
Nó tàn nhẫn ở chỗ họ đã biến cái sự việc hãn hữu thành cái định kiến cố hữu và xem nó như một công thức chung áp dụng cho tất cả các trường hợp. Họ cố kìm hãm, bóp nghẹt sự suy xét, đấu tranh vốn có trong tâm lý con người khi đứng trước những biến cố đời sống. Tâm lý đó hiển nhiên sẽ đi cùng với hành động lạnh lùng khi cư xử.
Và vô cảm với người bị nạn là điều ta thường thấy ngoài xã hội. Trong nhiều lĩnh vực khác cũng có hiện tượng tâm lý tương tự.
Lại nói đến ý thức cộng đồng. Từ xa xưa do tính đặc thù của điều kiện tự nhiên thường xuyên hứng chịu thiên tai, cộng với nghề nông nghiệp lúa nước đặc biệt là sự tụ cư làng xóm đã tạo nên tính cộng đồng bền chặt ở người Việt. Người ta thường nói “tối lửa tắt đèn có nhau”. Từ đó sinh ra ý thức cộng đồng rõ ràng.
Ngày nay, ý thức đó ngày càng bị mai một. Ta dễ dàng nhận thấy điều đó qua những sinh hoạt hằng ngày mang tính cộng đồng của người Việt từ việc giữ vệ sinh chung nơi công cộng như công viên, chợ búa, sân ga bến cảng… đến ý thức lưu thông trên đường… đều rất hạn chế. Người ta sẵn sàng xả rác ra đường, lái xe vượt tốc độ, gây tiếng ồn trong bệnh viện, đến sau vào trước…vì nhiều lý do nhưng trên hết là vì thiếu lòng tự trọng.
Đúng như lời mỉa mai của cổ nhân: “Toét mắt là tại hướng đình/Cả làng toét mắt riêng mình em đâu”.
Chúng ta hãy mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật để thấy được điểm mạnh, yếu của mình những mong một tương lai tươi sáng hơn".