NGƯT Vũ Văn Tiến: “Người thầy dù ở hoàn cảnh nào cũng phải là tấm gương cho HS"

12/09/2024 06:46
Hà Giang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo NGƯT Vũ Văn Tiến, để trở thành giáo viên dạy giỏi, thầy cô phải hội tụ nhiều yếu tố, trong đó yếu tố cơ bản nhất là kiến thức chuyên môn.

37 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục, thầy Vũ Văn Tiến - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Đại học Sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là một trong 136 thầy cô được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú” năm 2024.

Trước khi giữ vai trò Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Đại học Sư phạm, Tiến sĩ Vũ Văn Tiến từng có 20 năm trực tiếp giảng dạy và đạt nhiều thành tích: 5 năm đạt danh hiệu “Giáo viên giỏi cấp tỉnh”, 15 năm đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”… Ngoài ra, thầy còn là chủ biên và tham gia biên soạn sách, tập trung vào công tác nghiên cứu, có nhiều bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí trong nước và quốc tế.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Văn Tiến cho biết, đối với thầy, danh hiệu Nhà giáo ưu tú là niềm vinh dự lớn và là động lực để thầy tiếp tục cống hiến với nghề.

unnamed (9).jpg
Nhà giáo Ưu tú, Tiến sĩ Vũ Văn Tiến - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Đại học Sư phạm.(Ảnh: NVCC)

Coi học sinh là trung tâm, đặt quyền lợi của học sinh lên trên hết

Nhà giáo Ưu tú, Tiến sĩ Vũ Văn Tiến cho biết nghề giáo đến với thầy như một cái duyên. Thầy thi vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1983, dù thời điểm đó thi tuyển rất khó nhưng thầy Tiến đã đỗ ngay từ lần thi đầu tiên.

“Tôi học xong phổ thông hệ 10/10 năm 1983, giai đoạn ấy mỗi học sinh chỉ được đăng ký thi một trường đại học, cao đẳng. Chúng tôi là những học sinh ở nông thôn, không được tiếp xúc nhiều với các ngành nghề của xã hội, việc hướng nghiệp của các trường trung học phổ thông chưa được quan tâm, chú ý nên hầu hết học sinh năm cuối không biết chọn nghề thế nào.

Tôi cùng một vài người bạn thân chọn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Thi vào trường những năm ấy rất khó, điểm chuẩn cao nhưng may mắn tôi đỗ ngay năm đầu. Vào học tại trường bốn năm, đến tháng 6/1987, tôi tốt nghiệp và bắt đầu đi dạy học”, thầy Vũ Văn Tiến cho biết thêm.

Dù đã công tác trong ngành giáo dục 37 năm nhưng thầy Tiến vẫn luôn nhớ những năm tháng mới bước chân vào nghề. “Một trong những kỷ niệm mà tôi nhớ mãi là vào dịp 20/11 năm 1988 có một học sinh tìm đến nhà tôi từ rất sớm, em đến chúc mừng ngày 20/11 với mấy quả ổi hái từ vườn nhà. Em nói rất quý và tôn trọng tôi mặc dù em biết “thầy không nhớ tên em” vì em học kém, các thầy cô thường chỉ nhớ những bạn học giỏi. Đấy là bài học sâu sắc giúp tôi nhận ra mỗi học sinh là một thế giới riêng mà người thầy cần phải quan tâm, động viên và đối xử công bằng”, thầy Tiến nhớ lại.

Xuất phát từ suy nghĩ đó, dù ở cương vị một người giáo viên, hay vai trò của người hiệu trưởng, thầy Vũ Văn Tiến luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của học sinh. Thầy Tiến cho rằng một người hiệu trưởng không chỉ cần sự nghiêm khắc, mà còn cần cởi mở, thân thiện. Thầy cô nên là người bạn lớn của học trò khi cần.

unnamed (10).jpg
Trường Trung học phổ thông Chuyên Đại học Sư phạm tổ chức hoạt động cổ vũ học sinh tham gia chung kết chương trình Đường lên đỉnh Olympia. (Ảnh: NTCC)

Hiện tại, Tiến sĩ Vũ Văn Tiến vẫn thường xuyên tham gia công tác giảng dạy bởi thầy coi đây mới là “nghề chính”. “Nhìn ánh mắt ngây thơ, trong sáng của các em, mọi ưu tư đời thường đều tan biến hết. Có những thời điểm cần phải xử lý đồng thời nhiều việc, có cả việc cá nhân và việc tập thể; việc giảng dạy và công tác quản lý nhưng bản thân tôi luôn phải giữ cân bằng, hài hòa các nhiệm vụ này.

Với công tác giảng dạy phải lấy học sinh làm trung tâm, với công tác quản lý phải biết động viên kịp thời, phát huy tốt nhất khả năng của từng người, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với đồng nghiệp để mọi người tự giác, cùng san sẻ công việc chung của nhà trường”, thầy Tiến chia sẻ.

Người thầy dù ở hoàn cảnh nào cũng phải là tấm gương sáng để học sinh noi theo

Theo Nhà giáo Ưu tú Vũ Văn Tiến, để trở thành một giáo viên dạy giỏi, thầy cô phải hội tụ nhiều yếu tố, trong đó yếu tố cơ bản nhất là có kiến thức chuyên môn vững vàng, xử lý tốt các tình huống sư phạm và điều quan trọng nhất là phải có tâm, thực sự yêu nghề, mến trẻ.

Không phải cứ thầy cô có chuyên môn tốt, chuẩn bị bài giảng kỹ càng thì sẽ thành công trong giảng dạy, trong giáo dục học sinh. Thực tế, với cùng một bài giảng, có thể dạy ở lớp này thì thành công, học sinh tiếp thu tốt nhưng sang lớp khác học sinh lại không hiểu bài, không hào hứng với bài giảng. Nghề dạy học là nghề “dạy người” và “dạy làm người”. Do vậy trước khi dạy kiến thức, thầy cô cần khiến cho học sinh hiểu và tin tưởng ở mình, giúp các em trả lời được câu hỏi “tại sao phải học”, “học để làm gì”, sau đó mới dạy kiến thức cho học trò. Khi học sinh đã tin tưởng, quý mến người thầy và hiểu được lý do của việc học thì việc truyền thụ kiến thức của người thầy sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Với đặc thù là trường chuyên chiêu sinh trên cả nước, nhiều năm qua, Trường Trung học phổ thông Chuyên Đại học Sư phạm đã đón nhiều học sinh đến từ mọi miền tổ quốc. Thầy Tiến hiểu rằng mỗi nơi có phong tục, tập quán khác nhau, từ đó tạo nên cá tính mỗi học sinh. Vì vậy, trong quá trình giảng dạy, thầy cô cần “thổi hồn” vào mỗi bài giảng. Thầy Tiến cho biết nhiều em có tố chất đặc biệt, do vậy bài giảng của thầy cô phải có tính cá biệt hóa, thường xuyên đổi mới để đáp ứng được nhiều đối tượng học sinh.

Dưới sự quản lý và lãnh đạo của Nhà giáo Ưu tú Vũ Văn Tiến, tháng 7 vừa qua, Trường Trung học phổ thông Chuyên Đại học Sư phạm đã có hai học sinh đạt huy chương Bạc và bằng khen trong kỳ thi Olympic Toán quốc tế. Trước đó, học sinh của trường cũng đạt hơn 80 huy chương tại các kỳ thi Olympic quốc tế.

unnamed (11).jpg
Nhà giáo Ưu tú Vũ Văn Tiến (thứ 3 từ trái sang) chụp ảnh cùng học sinh đội tuyển Hóa của trường trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2023-2024. (Ảnh: NTCC)

Chia sẻ về thành tích của học trò, thầy Tiến bày tỏ niềm tự hào: “Trường chúng tôi đang xây dựng nề nếp học tập nghiêm túc, giàu tình người; ngôi trường có tính “nhân văn sư phạm”. Tôi tin rằng môi trường giáo dục ấy sẽ giúp học sinh hình thành, phát triển nhân cách và chuẩn bị hành trang tốt nhất để bước vào cuộc sống với đòi hỏi ngày càng cao của xã hội hiện đại”.

Theo thầy Vũ Văn Tiến, càng công tác trong ngành giáo dục nhiều năm sẽ càng thấy dạy học là một công việc vô cùng khó. Nhiều năm giảng dạy và hiện tại là vị trí quản lý, thầy Tiến luôn trăn trở làm sao để nâng cao chất lượng giáo dục. Những năm qua, thầy Tiến khuyến khích các thầy cô ở trường đi bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi ở các trường trung học cơ sở.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Đại học Sư phạm cho rằng học sinh cần có thầy giỏi, có môi trường phù hợp để phát huy tối đa tư duy. Bên cạnh đó, thầy Tiến chú trọng việc trang bị Tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai cho học sinh. Theo thầy, trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay, ngoại ngữ sẽ là chìa khóa “vàng” mở ra nhiều cơ hội cho học sinh trong tương lai. Thầy Tiến coi thành công của học trò chính là niềm hạnh phúc lớn nhất của những người làm nghề dạy học.

Gắn bó với giáo dục và đạt nhiều thành tích đáng tự hào, thầy Tiến khẳng định điều đáng quý nhất của một nhà giáo là lòng yêu nghề, yêu người, yêu học trò. Hiện tại, nghề giáo viên đã có nhiều thuận lợi hơn trước đây. Tuy nhiên, các bạn trẻ lại có quá nhiều cơ hội nghề nghiệp.

“Tôi chỉ mong đối với các bạn trẻ đã chọn nghề giáo thì trước tiên hãy học cách chia sẻ, động viên, cảm thấy vui khi học trò tiến bộ dù sự tiến bộ ấy là rất nhỏ, biết băn khoăn, trăn trở khi học sinh chán nản. Người thầy trên bục giảng hay trong cuộc sống đời thường đều phải là tấm gương sáng, sống mẫu mực để học sinh noi theo”, Nhà giáo Ưu tú Vũ Văn Tiến nhắn gửi tới các bạn trẻ.

Hà Giang