Liên quan đến sự cố sụt lở đoạn đường Lê Văn Lương kéo dài (đoạn Hà Đông - Dương Nội) xảy ra vào ngày 19/8, hiện tại các bên liên quan có trách nhiệm trong sự việc này là Công ty CP Sông Đà Thăng Long và Công ty CP tập đoàn Nam Cường vẫn chưa thống nhất được trách nhiệm và chưa đưa ra được phương án cụ thể để khắc phục sự cố.
Để có cái nhìn khách quan hơn trong vụ việc này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng.- Thưa PGS, sáng qua, sau khi bị nứt làm đôi đường Lê Văn Lương kéo dài của Hà Nội đã hình thành một hố tử thần to. Theo ông nguyên nhân do đâu?
Theo tôi việc nứt mặt đường Lê Văn Lương kéo dài dẫn đến hình thành “hố tử thần” chắc chắn là do nền đường yếu, tạo khoảng trống, độ rỗng bên trong nên khi nước chảy qua nên tạo thành hố tử thần.
Ngoài ra, cũng không ngoại trừ việc hình thành hố tử thần là do các hố công trình xung quanh, khi đào hố công trình gây nên hiện tượng sụt lún nền đường. Tuy nhiên, quan trọng nhất là do nền đường rỗng tạo ra nhưng để sự việc xảy ra nhanh phải có sự kết hợp.
Ban đầu có thể hố bên cạnh đào làm cho lở nền đất ở hông, sau đó do bị khoét sâu nên bị vỡ ra. Khi bị vỡ, lở ra, cộng với mưa xói tạo ra độ rỗng càng lớn. Mặt khác, do ở khu vực phía dưới lại có hệ thống cống. Các cống này cũng trào nước ra đến một lúc nào đó thì các mắt nối bê tông sẽ tách nhau ra, nước bên trong chảy ra, kết hợp cùng với nước mưa làm nhão, nước xói làm chảy và rỗng nền đường gây ra sụt lún.
Hố tử thần lộ ngay cạnh công trình nhà cao tầng. Ảnh: Ngọc Lân |
- Theo PGS thì nguyên nhân gây nứt nền đường, tạo thành “hố tử thần” là do nền đường rỗng. Vậy PGS giải thích sao về vết nứt cắt đôi đường Lê Văn Lương kéo dài lúc ban đầu sự việc xảy ra?
Do đường rỗng nên khi có hố đào bên cạnh, nó khiến đường bị lở hông. Còn vết nứt ngang đường là do hố đào gây ra, sau đó nước ở phía dưới mới gây lở đất thành ở phía hông và nền đường, gây vỡ nền đường.
Đầu tiên là hỏng nền đường sau đó dẫn đến hỏng những thứ khác. Bản thân nền đường rỗng, cộng thêm một số ô tô chạy qua thì sẽ gây nứt đường.
- Thưa PGS, nhận định về nguyên nhân gây hỏng đường, Sở Giao thông vận tải cho rằng, do Công ty Sông Đà Thăng Long rút cọc công trình gây nứt đường. PGS nói sao về điều này?.
Việc đó là sau khi bờ đường bị lở nên do bên cạnh đào sâu nó cũng sẽ dẫn dến việc lở thành lề đường. Khi lở như vậy sẽ tạo độ rỗng, gây yếu đường, cộng với mưa gió thấm vào, tải trọng trên đè xuống. Sau đó thì kết hợp với cống bị phá nước, vỡ dẫn đến bị xói nền đường nhanh hơn làm cho việc phá hoại nền đường càng nhanh.
Việc mặt đường rỗng là nguyên nhân cơ bản nhưng cái sau cũng có tác động làm cho việc sụt lún, phá đường nhanh hơn. Mưa bão, gió nước, cống bị vỡ… cũng đều dẫn đến xói nền.
- Đường Lê Văn Lương mới thông xe đã bị hư hỏng như vậy. Theo ý kiến của PGS có nên kiểm tra lại toàn bộ tuyến đường?
Việc này theo tôi là chưa cần thiết vì lâu nay xe chạy vẫn chưa có biểu hiện gì cả. Còn việc tại sao nứt đó, hình thành “hố tử thần” tại điểm đó thì nó có sự tác động của các công trình xung quanh làm hỏng nền đường.
Mặt đường Lê Văn Lương bị cắt làm đôi sau hiện tượng nứt và tạo thành "hố tử thần". Ảnh: Ngọc Lân |
- Vậy phải làm thế nào để biết được do hố công trình hay đường rỗng?.
Nếu các vị trí xung quanh không nứt mà đúng vị trí đào hố thì do việc thi công tác động thêm vào. Việc đào hố công trình nông thì không sao nhưng nếu đào hố sâu thì sẽ gây lở nền vì không có gì chống đỡ.
- Thưa PGS, tại cuộc họp chiều qua, phản bác lại quan điểm của Sở Giao thông cho rằng, do Sông Đà rút cọc công trình làm nứt đường, đại diện Sông Đà Thăng Long cho rằng họ chưa rút cọc cừ mà là do áp lực nước gây ra. Quan điểm của ông về việc này thế nào?.
Việc này cần phải kiểm tra xem công trình có bao nhiêu cừ, hố rộng bao nhiêu, có bao nhiêu góc cừ…nhưng theo tôi để đưa ra kết luận chính xác cuối cùng phải thành lập hội đồng chuyên gia để phân tích, đánh giá.
- Theo PGS, nguyên tắc để hình thành một hố tử thần trên đường phải có những điều kiện gì?
Để tạo thành một “hố tử thần” trên đường thường do nền dưới bị xói lở, bị tạo các khoảng trống trong nền đường. Có thể do nước xói, có thể mưa ngấm lâu ngấm từ mặt đường xuống. Ban đầu gây nứt đường sau nước thấm xuống chảy nhỏ, cuốn trôi đất cát, đá chèn thì sẽ tạo ra khoảng rỗng dưới nền đường, gây nên sụt lún.
Khi đã sụt lún rồi, nước thấm xuống nhiều sẽ gây rỗng nền. Hơn nữa, bản thân tải trọng của nền đường đã lớn cộng với ô tô đi qua gây rung động gây ra hố tử thần.
Về nguyên tắc là như vậy. Sở Giao thông vận tải thì kết luận như vậy nhưng muốn chính xác thì phải có đoàn kiểm tra xác định nguyên nhân rõ ràng để quy kết trách nhiệm và tránh những việc tương tự xảy ra sau này. Trước mắt nên tìm cách khắc phục ngay, càng sớm càng tốt vì đây là tuyến đường giao thông huyết mạch.
- Xin cảm ơn PGS về cuộc trao đổi!.
Xuân Tùng/ Theo VnMedia