Nhà giáo phàn nàn Bộ Giáo dục nhiều lần triển khai văn bản chậm chạp

18/02/2022 06:40
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục xếp cuối bảng về chỉ số cải cách hành chính phải chăng là do cách triển khai văn bản rườm rà, chậm chạp?

Ngày 11/2/2022, một bạn đọc là giảng viên đại học gửi email về Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh về sự chậm trễ của Bộ Giáo dục trong việc triển khai văn bản hành chính.

“Công văn triển khai đề xuất đề tài, chương trình khoa học cấp Bộ năm 2023, đến ngày 29/1/2022 đơn vị tôi mới nhận được email, mà ngày 28/2/2022 thì đã hết hạn nộp về Bộ Giáo dục, tức thực chất chỉ có 10 ngày triển khai (trừ thời gian nghỉ Tết Nguyên đán).

Những thông báo kiểu này Bộ Giáo dục không công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo, dù không phải là văn bản mật”, vị giảng viên bày tỏ sự không hài lòng.

Bạn đọc phản ánh sự chậm trễ của Bộ Giáo dục trong triển khai văn bản. (Ảnh: Ánh Dương)Bạn đọc phản ánh sự chậm trễ của Bộ Giáo dục trong triển khai văn bản. (Ảnh: Ánh Dương)

Có nhất thiết phải triển khai văn bản hành chính theo ngành dọc?

Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ lấy một số dẫn chứng về sự chậm trễ của Bộ Giáo dục trong việc triển khai văn bản theo hệ thống quản lý hành chính ngành dọc năm 2021 và 2022 những mong góp thêm một tiếng nói xây dựng cho ngành giáo dục.

Trước hết, nói “trong ngành dọc” tức là chỉ trong ngành chuyên môn đó, dù ở cấp nào. Ở đây, giáo dục là ngành dọc, các cấp từ trên xuống đó là Bộ Giáo dục, các sở giáo dục, các phòng giáo dục và đơn vị trường học. [1]

Còn nhớ, ngày 14/5/2021, Vụ Giáo dục Trung học có Thư công tác (đã được Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam xác minh do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành) gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo; các cơ sở giáo dục phổ thông trực thuộc về triển khai đánh giá bằng nhận xét theo Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT. [2]

Thư công tác cho biết (trích), "Thông tư 26 không quy định giáo viên ghi trực tiếp nội dung đánh giá bằng nhận xét vào Sổ theo dõi và đánh giá học sinh, Học bạ học sinh mà chỉ ghi điểm trung bình môn học và kết quả xếp loại nhận xét môn học (đối với các môn học đánh giá bằng nhận xét) vào vào Sổ theo dõi và đánh giá học sinh, Học bạ học sinh".

Theo tìm hiểu của cá nhân người viết, Thư công tác này không được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thư công tác cũng không được nhiều sở giáo dục các tỉnh thành trên cả nước triển khai xuống đơn vị nên giáo viên vẫn phải ghi nhận xét học sinh mệt mỏi.

Tiếp đến, ngày 25/1/2021, Vụ Giáo dục Trung học gửi Thư công tác cho các Sở Giáo dục và Đào tạo với nội dung (trích), "không yêu cầu giáo viên thay giáo án một cách hình thức, phụ lục IV 5512/BGDĐT-GDTrH chỉ là gợi ý để hoàn thiện hơn các hoạt động học trong giáo án theo các tiêu chí".

Tìm kiếm bằng từ khóa "thư công tác" trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các Sở Giáo dục địa phương, người viết không thể tìm được "thư công tác" đề ngày 25/1/2021 này.

Đây cũng là lí do khiến giáo viên cả nước phải soạn giáo án theo Phụ lục IV Công văn 5512 dài lê thê, rất mất thời gian, công sức mà hiệu quả thì chẳng thấy đâu.

Tiếp theo, ngày 26/1/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Công văn số 74/NGCBQLGD-CSNGCB gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo về việc lấy ý kiến giáo viên về một số nội dung liên quan đến tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. [3]

Đến ngày 9/2/2022, giáo viên Thành phố Hồ Chí Minh mới nhận được Công văn này và ngày 10/2/2022 thì hết hạn góp ý kiến.

Trên cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mục Văn bản chỉ đạo điều hành lĩnh vực của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, tôi không thể tìm thấy Công văn số 74/NGCBQLGD-CSNGCB.

Ngày 9/2/2022 nhận công văn Bộ Giáo dục xin góp ý, 10/2/2022 hết hạn, quả thực tôi và nhiều đồng nghiệp có cảm giác như "bệnh hình thức", phân vân không biết việc lấy ý kiến này là thực lòng hay cho có?

Tương tự, ngày 28/01/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Công văn số 368/BGDĐT-KHCNMT về việc xây dựng kế hoạch thực hiện đề tài, chương trình khoa học và công nghệ cấp Bộ năm 2023.

Ngày 9/2/2022, Công văn này mới được đăng tải trên trang web của Đại học Thái Nguyên (tnu.edu.vn) thông báo tuyển chọn đề xuất đề tài, chương trình khoa học và công nghệ cấp Bộ. [4]

Bộ Giáo dục yêu cầu nhà trường lựa chọn đề xuất đề tài với hàng loạt nội dung như (trích):

- Các đề tài thực hiện các chương trình đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như Chương trình phát triển Vật lý, Chương trình 562 (Hóa học, Khoa học Sự sống, Khoa học Trái Đất và Khoa học Biển)...

- Các đề tài cấp bộ thông thường, nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên, xã hội, nhân văn và giáo dục.

- Các đề tài định hướng ứng dụng hoặc có sản phẩm ứng dụng chuyển giao, có khả năng thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu...

Trong khi đó, thời gian Bộ Giáo dục nhận hồ sơ góp ý chỉ đến ngày 18/02/2022 khiến giảng viên trở tay không kịp.

Tìm kiếm Công văn số 368/BGDĐT-KHCNMT trên Cổng thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 16/2/2022 ghi nhận 0 kết quả. (Ảnh: Ánh Dương)

Tìm kiếm Công văn số 368/BGDĐT-KHCNMT trên Cổng thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 16/2/2022 ghi nhận 0 kết quả. (Ảnh: Ánh Dương)

Ngày 16/2/2022, tôi tìm kiếm Công văn số 368/BGDĐT-KHCNMT trên Công thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì cho ra 0 kết quả. Như thế, bạn đọc là giảng viên đại học phản ánh về sự chậm trễ của Bộ Giáo dục trong việc triển khai Công văn số 368 là hoàn toàn có cơ sở.

Lẽ ra, trước khi Bộ Giáo dục triển khai công văn xuống các Sở Giáo dục địa phương thì Bộ Giáo dục nên đăng tải công văn lên công văn lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo để giáo viên, giảng viên tiếp cận được một cách nhanh nhất.

Nhưng rất tiếc, Bộ Giáo dục triển khai văn bản theo hệ thống quản lý hành chính ngành dọc khiến công văn khi đến cơ sở thì rất chậm trễ, gây thiệt thòi về quyền lợi chính đáng cho viên chức.

Phải chăng đây là một trong những minh chứng cho việc Bộ Giáo dục Đào tạo xếp cuối bảng về chỉ số cải cách hành chính năm 2020, thấp nhất trong số 17 bộ, cơ quan ngang bộ? [5]

Tài liệu tham khảo:

[1] //www.luat.tuvantinhoc.com/index.php/04/2012/phan-biet-nganh-doc-va-nganh-ngang/

[2] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/vu-giao-duc-trung-hoc-huong-dan-bang-van-ban-khong-so-khong-chu-ky-con-dau-post217910.gd

[3] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/9-2-nhan-cong-van-bo-giao-duc-xin-gop-y-10-2-het-han-toi-thay-benh-hinh-thuc-post224308.gd

[4] //www.tnu.edu.vn/thong-bao-tuyen-chon-de-xuat-de-tai-chuong-trinh-khcn-cap-bo-thuc-hien-tu-nam-2023-dn39434.html

[5] //vnexpress.net/bo-giao-duc-dao-tao-xep-cuoi-bang-ve-chi-so-cai-cach-hanh-chinh-4299266.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên