Vụ trưởng Thành giải thích về thư công tác mẫu giáo án 5512, tôi càng hoang mang

06/06/2021 06:59
Hồng Nhung
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chỉ đạo Vụ Giáo dục trung học thực hiện đúng quy định của pháp luật, thay vì giải thích lòng vòng, thiếu chính danh và minh bạch.

Khi nhà trường nhận được quyết định thanh tra, kiểm tra công tác chuyên môn đều thông báo cho giáo viên nộp hồ sơ chuyên môn về cho nhà trường.

Hồ sơ chuyên môn của giáo viên hiện nay chỉ có 4 loại, gồm:

1) Kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học).

2) Kế hoạch bài dạy (giáo án).

3) Sổ theo dõi và đánh giá học sinh.

4) Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp).[1]

Trong đó, Kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học), Kế hoạch bài dạy (giáo án) được thực hiện theo Công văn 5512/BGDDT-GDTrH.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Nguyễn Xuân Thành, ảnh: moet.gov.vn.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Nguyễn Xuân Thành, ảnh: moet.gov.vn.

Ngoài phải nộp hồ sơ chuyên môn cho đoàn thanh tra cấp trên, giáo viên hàng tháng còn phải nộp hồ sơ chuyên môn cho Tổ để kiểm tra định kì, kiểm tra đột xuất.

Trước khi có Công văn 5512/BGDDT-GDTrH, hồ sơ giáo viên mỗi nơi mỗi kiểu, mạnh ai nấy làm, mẫu nào thấy hợp lý thì áp dụng.

Với Kế hoạch bài dạy (giáo án) giáo viên thỏa sức sáng tạo, không có khuôn mẫu, không có vòng ‘kim cô’ nào.

Vì thế, khi có Công văn 5512/BGDDT-GDTrH, giáo viên phải chuẩn bị Kế hoạch bài dạy (giáo án) theo Phụ lục IV.

Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo: giáo viên "xây dựng các Kế hoạch bài dạy để tổ chức dạy học (theo khung Kế hoạch bài dạy tại Phụ lục IV)"[2]

Khung kế hoạch bài dạy theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH được giáo viên ví von là “vòng kim cô”, “cầm tay chỉ việc”, “triệt tiêu sáng tạo”,... Chính vì vậy đã có rất nhiều ý kiến phản ứng trái chiều của dư luận.

Ngày 5/6/2021, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết “Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học giải thích mẫu giáo án 5512 và "thư công tác", bài viết đã thu hút được sự quan tâm của giáo viên trên cả nước.

Nhiều vấn đề từ trước tới nay giáo viên thắc mắc về Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH đã được ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo làm sáng tỏ.

Thứ nhất, Khung Kế hoạch bài dạy tại Phụ lục IV của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH là tài liệu tham khảo, không bắt buộc, không phải cầm tay chỉ việc để giáo viên làm theo.

Ông Thành cho biết: “Khung kế hoạch bài dạy không phải là mẫu giáo án mà là những hướng dẫn, gợi ý để giáo viên xác định mục tiêu, nội dung và sản phẩm hoạt động học, tổ chức cho học sinh thực hiện để "Ra câu hỏi/lệnh" đúng, "trúng" vấn đề theo nội dung dạy học và đối tượng học sinh”.[3]

Thứ hai, mục đích của kế hoạch bài dạy là để giáo viên thực hiện hiệu quả các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực nhằm đạt được mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; không nhằm mục đích thanh tra, kiểm tra.[3]

Như vậy, có thể hiểu giáo viên không còn bị thanh tra, kiểm tra Kế hoạch bài dạy (giáo án), sau khi Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH có hiệu lực?

Kế hoạch bài dạy là “kịch bản” lên lớp mang tính cá nhân hóa của giáo viên; không nhằm mục đích thanh tra, kiểm tra để đánh giá. Hay nói cách khác, giáo viên phải có Kế hoạch bài dạy trước khi lên lớp. Khi kiểm tra, thanh tra Kế hoạch bài dạy chỉ có, hoặc không có, không đánh giá, vì mang tính chất cá nhân hóa.

Đôi điều kiến nghị

Thứ nhất: Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH, Bộ Giáo dục và Đào tạo rõ ràng mang tính chỉ đạo: giáo viên "xây dựng các Kế hoạch bài dạy để tổ chức dạy học (theo khung Kế hoạch bài dạy tại Phụ lục IV)" rõ ràng mang tính chỉ đạo.

Để Phụ lục IV trong Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH không phải là mẫu giáo án mà là những hướng dẫn, gợi ý, cần phải sửa đổi Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH; hoặc có chỉ đạo của Vụ giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đến cơ sở giáo dục, vì trả lời trên báo chí không mang tính pháp lý.

Các cơ sở giáo dục sẽ áp dụng Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH chứ không áp dụng “Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học giải thích mẫu giáo án 5512 và "thư công tác"”, trong chỉ đạo chuyên môn và điều hành hoạt động giáo dục ở địa phương.

Thứ hai: Về "thư công tác" đề ngày 25/1/2021 của Vụ Giáo dục trung học liên quan đến mẫu giáo án 5512, Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành giải thích:

"Việc trao đổi giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo (Vụ Giáo dục Trung học) và các Sở Giáo dục và Đào tạo (Phòng Giáo dục Trung học) qua điện thoại, email được thực hiện thường xuyên trong quá trình triển khai các văn bản và hoạt động chuyên môn. Vì vậy, khi xuất hiện hiện tượng hiểu chưa đúng các văn bản như Công văn 5512 ở một vài nơi thì Vụ Giáo dục Trung học có thư công tác gửi qua email nội bộ để các đơn vị lưu ý thực hiện đúng theo văn bản đã hướng dẫn.

Nội dung thư công tác không có chỉ đạo gì mới, chỉ có giá trị trao đổi nội bộ để thực hiện đúng theo nội dung văn bản đã ban hành.

Để tránh hiểu là văn bản chỉ đạo như vừa qua, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm trong thời gian tới các nội dung trao đổi qua email sẽ được soạn thảo trực tiếp trong email (không tạo thành file đính kèm) để bảo đảm đúng tính chất trao đổi công việc chuyên môn bình thường."

Đọc trả lời của Vụ trưởng, quả thực người viết cảm thấy hoang mang và quan ngại. Sở dĩ Vụ có "thư công tác" ngày 25/1/2021 là vì:

"Một số giáo viên phản ánh trên báo chí về tình trạng "áp lực" do phải xây dựng lại kế hoạch giáo dục của nhà trường và Kế hoạch bài dạy (giáo án) ngay trong học kỳ II năm học 2020-2021 theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH."

"Thư công tác" ngày 25/1/2021 của Vụ Giáo dục trung học gây nhiều tranh cãi, ảnh tư liệu.

"Thư công tác" ngày 25/1/2021 của Vụ Giáo dục trung học gây nhiều tranh cãi, ảnh tư liệu.

Đáng lẽ khi giáo viên phản ánh trên báo chí thì ít nhất Vụ nên trả lời công khai, đàng hoàng trên báo chí như Vụ trưởng vừa trả lời, đằng này vụ gửi "thư công tác" theo đường nội bộ đã khó cho giáo viên tiếp cận.

Sau khi bị phản ứng về "thư công tác", Vụ trưởng lại tính chỉ "trao đổi qua email" để khỏi 'mang tính chỉ đạo"? Vậy giáo viên áp lực vì mẫu giáo án 5512, phải làm sao? "Thư công tác" của Vụ, giáo viên chỉ biết được qua "chia sẻ trôi nổi trên facebook", không rõ thực hư, nay Vụ lại rút vào "hoạt động bí mật qua đường email", giáo viên biết đâu mà lần?

Xin nhắc lại bình luận của bạn đọc "CB quản lý" về việc này:

Chỉ đạo theo kiểu "nói mà không thừa nhận", nhưng các Sở đều phải làm theo dù biết không có giá trị pháp lý, rất bực mình. Lỡ có chuyện gì thì phủi tay, còn ở dưới không làm thì "đã có thư công tác tại sao không làm".

Hơn nữa về nội dung, "thư công tác" ngày 25/1/2021 nói giáo viên phải soạn giáo án theo mẫu 5512 "ngay trong học kỳ II năm học 2020-2021 là không đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GDĐT", phải chăng "sau học kỳ II năm học 2020-2021" mới cần áp dụng theo mẫu phụ lục IV Công văn 5512?

Vụ trưởng có lẽ không lạ gì yêu cầu đối với văn bản hành chính của cơ quan nhà nước về ngôn ngữ, về văn phong, về cách trình bày phải thực sự rõ ràng, súc tích, dễ hiểu, không đa nghĩa hay hiểu thế nào cũng được.

Khoản 3 Điều 18 Nghị định 30/2020/NĐ-CP quy định:

Văn bản đã phát hành nhưng có sai sót về nội dung phải được sửa đổi, thay thế bằng văn bản có hình thức tương đương. Văn bản đã phát hành nhưng có sai sót về thể thức, kỹ thuật trình bày, thủ tục ban hành phải được đính chính bằng công văn của cơ quan, tổ chức ban hành văn bản.

Công văn 5512 rõ ràng yêu cầu giáo viên soạn giáo án theo mẫu tại Phụ lục IV, nhưng Vụ trưởng giải thích là không bắt buộc, nhưng không chịu ra văn bản đính chính rõ ràng/thu hồi Công văn 5512 để sửa đổi, thay thế bằng văn bản có hình thức tương đương, giáo viên, cơ sở phải làm thế nào đây, thưa Vụ trưởng?

Vì vậy, người viết kính đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chỉ đạo Vụ Giáo dục trung học thực hiện đúng quy định của pháp luật, thay vì giải thích lòng vòng và sử dụng những biện pháp trao đổi thiếu tính chính danh, công khai, minh bạch như thư công tác hay email nội bộ về các vấn đề liên quan đến hàng trăm ngàn giáo viên đã có chỉ đạo công khai từ Bộ.

Thứ ba: Việc thanh tra, kiểm tra ở nhà trường còn đặt nặng vào kiểm tra kế hoạch bài dạy, kế hoạch bài dạy có đúng mẫu không, có đánh máy đúng chính tả không, có đủ các nội dung theo 5512 không... gây áp lực cho giáo viên.

Vì thế, cần có hướng dẫn chi tiết khi thanh tra, kiểm tra hồ sơ giáo viên.

Là giáo viên, là bạn đọc thân thiết của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, tôi xin cảm ơn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam và ông Nguyễn Xuân Thành.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-32-2020-tt-bgddt-dieu-le-truong-thcs-va-thpt-190977-d1.html

[2]https://download.vn/download/cong-van-5512-bgddt-gdtrh-48012

[3] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/vu-truong-vu-giao-duc-trung-hoc-giai-thich-mau-giao-an-5512-va-thu-cong-tac-post218343.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Hồng Nhung