Nhà sử học Dương Trung Quốc: Sao không đề xuất thu đối tượng xe công?

05/04/2012 11:07
Hải Phong (Tổng hợp)
(GDVN) - Nhà sử học Dương Trung Quốc: Sao không đề xuất thu đối tượng xe công? Dân chúng đâu phải trẻ con... là những tin bài nóng về vấn đề thu phí giao thông.
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Sao không đề xuất thu đối tượng xe công?

Báo Tuổi trẻ đăng tải ý kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc (Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) xung quanh đề xuất thu phí của Bộ GTVT. Ông cho rằng Bộ GTVT đang có sự nhầm lẫn giữa các khái niệm “thuế” và “phí”.

Ông nhận định: Khái niệm phí đã được nêu trong pháp lệnh phí và lệ phí rất rõ ràng rằng phí là tiền mà cá nhân, tổ chức phải trả khi sử dụng dịch vụ của tổ chức, cá nhân khác.... Nghĩa là tôi sử dụng dịch vụ nào, tôi trả tiền cho dịch vụ ấy và nó có định lượng, nghĩa là tôi đi xe nhiều thì trả nhiều, đi ít thì trả ít.

Chẳng hạn, tôi có mấy chiếc xe hơi và đây là quyền tài sản của tôi, nhưng mỗi ngày ra đường tôi chỉ đi một xe, anh không thể thu phí cả mấy chiếc xe đó được. Càng không thể gọi nộp phí là yêu nước. Phí là một thứ tiền phải trả khi sử dụng dịch vụ, có gì mà gọi là yêu nước. Gọi nộp thuế là yêu nước mới đúng.

Tôi mua một chiếc xe, sau khi nộp các loại thuế đã gấp hơn hai lần một chiếc xe tương tự ở Mỹ, như vậy tôi đã đóng góp các khoản thuế để xây dựng đất nước rồi. Nếu mục tiêu là để hạn chế phương tiện cá nhân, việc đánh thuế cao là thực hiện mục tiêu này rồi. Bây giờ không thể gọi cái khoản thu hạn chế phương tiện như vậy là phí được.

Nhà sử học Dương Trung Quốc. Ảnh: VnEconomy
Nhà sử học Dương Trung Quốc. Ảnh: VnEconomy

Một điều nữa, anh đưa ra mức phí ngất ngưởng như vậy, trong khi mặt bằng thu nhập xã hội thế nào? Anh gọi tên phí là hạn chế phương tiện cá nhân thế sao anh không đề xuất thu đối tượng xe công? Nếu anh khẳng định cần phải hạn chế xe cá nhân để giảm ùn tắc, đồng thời anh dám khẳng định phương tiện công cộng đáp ứng được nhu cầu, anh vẫn phải đánh thuế vào xe công để khuyến khích các quan chức nhà nước phát huy tính tiên phong, gương mẫu đi lại bằng phương tiện công cộng chứ?

Tôi cho rằng tình hình cấp bách nhưng phải thận trọng khi đưa ra giải pháp, đừng nghĩ cái khoản thu của 600.000 người có xe mà anh gọi là giàu hơn người nghèo là ít tác động đến xã hội, đó là chưa nói đến việc anh thu cả người có xe máy.
Dân chúng đâu phải trẻ con
Thông tin trên Dân Việt, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng từng phát biểu tạm dừng việc thu phí hạn chế xe cá nhân, nhưng tại cuộc họp thường kỳ của Bộ GTVT ngày 3/4, ông lại nói sẽ làm quyết liệt và việc đưa ra các mức phí là có cơ sở.

Ông cũng phát tín hiệu cho biết là sẽ áp dụng, nhưng chưa biết thời điểm nào. Ông đang làm dân chúng phập phồng lo lắng cái ngày đầy ám ảnh ấy sẽ đến. Dân không chấp hành cũng không được, dù trong lòng không thuận.

Trả lời báo chí về việc đề xuất thu các loại phí giao thông, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nói: “Tuy nhiên, mức phí đề xuất cũng chưa hoàn toàn khách quan và công bằng, nhưng 600.000 người có xe ô tô sẽ hoàn toàn tự hào, hạnh phúc vì tham gia đóng góp cho đất nước. Đóng góp phí giao thông cũng thể hiện sự yêu nước”. Bộ trưởng Thăng khéo hiểu lòng người là vậy.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhưng dân chúng đâu phải ngô nghê đến mức không hiểu thế nào là yêu nước. Nhân dân biết cách yêu nước tự ngàn đời để có nước nhà hôm nay. Nhân dân biết hành động nào là yêu nước, nộp thuế là nghĩa vụ, nhưng cũng biết không thể đóng những loại phí vô lý cho những quyết định và chính sách chưa hợp lý.
Trong trường hợp này, dân không phải trốn tránh trách nhiệm công dân, mà không đồng thuận trước đề xuất bất hợp lý của Bộ GTVT. Nhân dân đã đóng đủ thứ thuế, khi mua phương tiện cá nhân cũng đã đóng thuế. Người làm ra nhiều tiền cũng đóng thuế theo thu nhập cao của họ.
Nếu như đưa ra khẩu hiệu dân đóng phí thể hiện lòng yêu nước thì cũng cần phải có những khẩu hiệu tương tự, ví dụ: Không tham nhũng là yêu nước, không rút ruột công trình là yêu nước, không chậm tiến độ công trình là yêu nước...
Tăng phí giao thông - lợi bất cập hại

Trao đổi với báo Đất Việt, Đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm đưa ra quan điểm: Mặc dù Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng Bộ đang thực hiện rất nhiều biện pháp để giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông chứ không chỉ có thu phí, tuy nhiên, trong nhiều biện pháp phải chọn giải pháp hữu hiệu nhất để làm. Nhưng biện pháp chưa thấy rõ hiệu quả, căn cứ còn mập mờ mà vẫn đưa ra thì không được. Nếu cần sang năm thu thì lúc đó sẽ làm. Có thể khi đó sản xuất kinh doanh khá hơn hoặc chi phí doanh nghiệp cải thiện hơn thì chính sách đưa ra sẽ thuận lòng dân hơn, dễ thực hiện hơn.

Đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm
Đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm

Đánh giá về ảnh hưởng của đề xuất thu phí, ông cho rằng, những người phải đóng phí này sẽ giảm thu nhập. Điều đó là thấy rõ. Mặc dù không bị đảo lộn, nhưng chắc chắn đời sống người dân sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, điều đáng nói là hiệu quả của đề xuất, người dân đóng phí rồi thì phải đi. Như thế không giảm ùn tắc được mà người ta sẽ phải tính cách bù lại số tiền đã phải đóng: người bán rau, bán thịt ở chợ tăng giá, các đơn vị kinh doanh phải tăng giá bù vào phí phải nộp, đặc biệt các doanh nghiệp vận tải có lý do để tăng giá vận chuyển, giá vé... Như vậy là “lợi bất cập hại”.
Độc giả xôn xao vì đề xuất thu phí giao thông

Mới đây, trong buổi trao đổi với báo giới vào chiều 3/4, Bộ trưởng Thăng tái khẳng định việc thu phí là cần thiết và hoàn toàn hợp lý. Bộ trưởng cũng cho rằng, với chính sách thu phí này, 600.000 người đang sử dụng ô tô sẽ ủng hộ và tự hào vì được đóng góp. Tuy nhiên, phần đông ý kiến người dân lại tỏ ra chưa đồng tình. Diễn đàn thu phí giao thông của báo điện tử Vietnamnet đã tổng hợp những ý kiến đa chiều của độc giả về vấn đề này.
Độc giả Duy Thanh nhận định “Hiện vẫn chưa có điều tra xã hội học để đánh giá, sao Bộ trưởng đã nói người sử dụng ô tô đồng tình? Trong khi lúc thì Bộ trưởng nói thực ra không ai muốn nộp phí cả, ai lại muốn bỏ ra khoản tiền mà lẽ ra không phải nộp… nhưng rồi lại kết luận là 600.000 người sẽ ủng hộ và tự hào vì được đóng góp cho đất nước”.

Xung quanh việc Bộ GTVT thay đổi mức thu phí lưu hành phương tiện và phí nội đô từ mức dự kiến 20-50 triệu đồng/xe/năm xuống còn 10-15 triệu/xe/năm, độc giả Mai Thanh bày tỏ: “Bộ GTVT dường như đang đi chợ với dân để mặc cả? Để đưa ra một đề án cần phải nghiên cứu kỹ, đâu có thể cao hứng mà nói rồi lại sửa, lại thay đổi”.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng. Ảnh: Internet
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng. Ảnh: Internet

Dù phần đông người dân tỏ ra không đồng thuận với đề xuất thu phí của Bộ GTVT vào thời điểm hiện tại, song nhiều ý kiến vẫn cho rằng việc thu phí là cần thiết, nhưng phải có lộ trình, minh bạch và phải sử dụng đúng mục đích.

Độc giả Trung Sâm chia sẻ “Tôi hoàn toàn ủng hộ việc Bộ trưởng đã và sắp triển khai. Nhưng cần có lộ trình và tính toán cụ thể. Cần xem lại một số loại thuế, phí, người dân thu nhập còn thấp mà phải chịu nhiều loại phí trên đầu phương tiện thì thật vô lý”.

“Nên thu qua phí xăng dầu, người nào đi nhiều thì phải đóng nhiều”, độc giả Vinh Phúc đề xuất.

Độc giả Nguyễn Đình Thắng cũng cho rằng “Việc triển khai thu phí hạn chế xe cá nhân là chủ trương đúng, nhưng nên xem lại mức thu”.
Hải Phong (Tổng hợp)