Ông Chu Vĩnh Khang ngày còn đương chức. |
Tờ The Guardian ngày 29/7 đưa tin, việc Trung Quốc công bố chính thức điều tra "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng" đối với cựu ủy viên Thường vụ Bộ chính trị Chu Vĩnh Khang là động thái ấn tượng nhất trong chiến dịch chống tham nhũng mà ông Tập Cận Bình chủ trì.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố ông sẽ hạ gục tất cả các quan chức tham nhũng, từ cỡ "ruồi" cho tới "hổ". Trớ trêu thay, Chu Vĩnh Khang trở thành con hổ lớn nhất được lôi ra xử lý đúng ngày quốc tế bảo vệ loài hổ 29/7!
Tân Hoa Xã chỉ đưa tin ngắn gọn vị cựu ủy viên Thường vụ Bộ chính trị 71 tuổi này bị tình nghi "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng". Một bài xã luận đăng trên trang web của Nhân Dân nhật báo cảnh báo rằng, việc lật đổ Chu Vĩnh Khang không phải là kết thúc của chiến dịch "đả hổ đập ruồi".
"Trừ khi những kẻ tham nhũng trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao bị lật đổ, nếu không chúng ta không thể giữ được sự trong sạch của đảng, và chúng ta cũng không thể quản lý đất nước tốt hơn", bài xã luận trên Nhân Dân nhật báo nói.
Bài báo cho biết, Chu Vĩnh Khang là một con hổ lớn. "Nếu chúng ta lật đổ con hổ lớn này, những kẻ tham nhũng và những kẻ ảo tưởng trốn tránh được sự trừng phạt nên hiểu rằng, dù họ có ở vị trí cao đến đâu hay có bao nhiêu người chống lưng, họ cũng không thoát khỏi kỷ luật của đảng và pháp luật nhà nước", bài báo viết.
Tạp chí Tin tức Tài chính khá uy tín ở Trung Quốc cho biết Chu Bân, con trai Chu Vĩnh Khang đã bị bắt giữ tại Nghi Xương, Hồ Bắc do đã tham gia vào các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp.
Vụ điều tra Chu Vĩnh Khang đã phá vỡ luật bất thành văn lâu nay là không truy tố các ủy viên Thường vụ Bộ chính trị tại vị hay đã nghỉ hưu để "duy trì ổn định trong đảng".
Đầu tháng này các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã quyết định khai trừ đảng, điều tra cựu Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Từ Tài Hậu cũng với lý do "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng".
Ngô Cường, một học giả về các vấn đề chính trị từ đại học Thanh Hoa cho rằng, để những tin đồn về việc Chu Vĩnh Khang gặp rắc rối trong suốt 2 năm không có thông báo nào đến giờ mới chính thức tuyên bố điều tra cho thấy cuộc đấu tranh quyền lực đã diễn ra mạnh mẽ đến mức nào.
"Cuộc điều tra và lật đổ Chu Vĩnh Khang trên thực tế là một cuộc đảo chính nhẹ nhàng của ông Tập Cận Bình, thách thức hệ thống lãnh đạo tập thể cũ", ông Cường nhận định.
Sau nhiều tháng đồn đoán trên các phương tiện truyền thông, Tân Hoa Xã cũng dần "tiết lộ trắng trợn" các tình tiết liên quan đến Chu Vĩnh Khang với một số bản tin về mối quan hệ của ông với các cá nhân khác, đặc biệt là Chu Bân, con trai ông Khang mặc dù không dùng đúng tên họ.
Các nhà phân tích dự đoán, Chu Vĩnh Khang sẽ bị khai trừ khỏi đảng trong thời gian tới và thậm chí ông có thể bị giao cho hệ thống tư pháp hình sự và đối mặt với án phạt tù.
"Sau một vài tháng, tôi chắc chắn sẽ có một loạt thông báo truy tố tập trung vào tham nhũng và bỏ qua các tình tiết về chính trị. Câu hỏi đặt ra là Chu Vĩnh Khang sẽ hợp tác như thế nào với cơ quan điều tra", Jean Pierre Cabestan từ đại học Baptist Hồng Kông bình luận.