Nhân hệ số 2 môn Ngữ văn và Toán có đi ngược quy định Thông tư 26/2020?

27/06/2023 06:45
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Duy trì việc nhân hệ số 2 môn Toán, Ngữ văn vào 10 ở nhiều địa phương có thực sự phù hợp với quy định hiện hành.

Hiện nay, nhiều địa phương đã công bố điểm thi vào lớp 10. Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm liên quan đến kỳ thi, đó là cách tính điểm chuẩn trúng tuyển vào trường.

Nhiều địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An... đã không còn nhân hệ số 2 với Toán, Văn nhưng vẫn còn khá nhiều địa phương vẫn giữ cách tính nhân hệ số 2 môn Toán, Ngữ văn, còn Ngoại ngữ hệ số 1. Rõ ràng, điểm thi của 3 môn nhưng thực chất điểm chuẩn tới 5 môn.

Ảnh minh hoạ: giaoduc.net.vn

Ảnh minh hoạ: giaoduc.net.vn

Mới đây, tỉnh Phú Yên đã công bố điểm chuẩn vào các trường trung học phổ thông. Dù đã được nhân hệ số 2 môn Toán và Ngữ văn nhưng vẫn có nhiều trường lấy điểm chuẩn thấp đến bất ngờ.

Ngoài Trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ có điểm chuẩn cao nhất là 27,75 điểm thì 10 trường trung học còn lại điểm chuẩn của 3 môn thi (sau khi đã nhân hệ số) đều dưới 19 điểm.

Trong đó, thấp nhất là Trung học phổ thông Phan Bội Châu chỉ lấy 9,25 điểm. Như vậy, thí sinh chỉ cần đạt trung bình 1,85 điểm mỗi môn là trúng tuyển vào trường này.[1]

Nhân hệ số 2 môn Toán, Ngữ văn có đi ngược quy định của Thông tư 26/2020?

Khoản 6, Điều 2, Thông tư 26/2020, sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn rất rõ ràng:

“Thay thế cụm từ "của 1 trong 2 môn Toán, Ngữ văn" tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 của Điều 13 bằng cụm từ: "của 1 trong 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ".

Vì thế, môn Ngoại ngữ đã có vị trí ngang bằng các môn Ngữ văn và Toán trong việc xếp loại học tập cũng như công nhận danh hiệu cho học sinh. Đã là ngang bằng, sẽ không có bất kỳ sự phân biệt nào.

Vậy nhưng khi tính điểm chuẩn trúng tuyển vào bậc trung học, nhiều địa phương vẫn thực hiện theo kiểu tính cũ của nhiều năm trước đây (Toán, Ngữ văn hệ số 2 còn Ngoại ngữ vẫn chỉ tính hệ số 1). Việc môn Toán và Ngữ văn nhân 2, môn Ngoại ngữ vẫn tính là hệ số 1 có đi ngược hướng dẫn của Thông tư 26/2020?

Nhân đôi hệ số điểm có làm giấu đi chất lượng thật?

Trò chuyện với thầy giáo H. hiệu trưởng một trường trung học phổ thông thuộc một tỉnh phía Nam, về việc địa phương vẫn duy trì nhân đôi 2 môn Toán, Ngữ văn, thầy H. cho biết:

“Trước đây, điểm chuẩn lấy vào một số trường trung học phổ thông rất thấp. Sau khi đã nhân hệ số mà điểm chuẩn chỉ ở mức 6, 7 điểm thôi. Nếu không nhân hệ số, nhìn điểm chuẩn chỉ 3, 4 điểm thì khó coi thật”.

Cô giáo N.L.M. giáo viên một trường trung học cũng cho rằng: “Duy trì việc nhân hệ số 2 môn Toán, Ngữ văn cũng là cách che bớt chất lượng thật. Người không biết nhìn vào điểm chuẩn (sau khi đã nhân hệ số) cũng thấy dễ coi. Còn cứ để nguyên điểm thi, nếu mà thấp quá thì nhìn vào cũng thấy kỳ lắm”.

Kỳ thi vào 10 luôn được đánh giá là kỳ thi chất lượng và khách quan bậc nhất. Bởi đây, là cuộc thi có sự cạnh tranh khốc liệt. Với tâm lý “tớ đỗ, bạn có thể rớt” nên gần như không có em nào hỗ trợ cho em nào.

Đề thi được ra bởi những thầy cô giáo khác, có sự bảo mật cao, nghiêm ngặt. Hoàn toàn không có chuyện nhá đề, mớm đề. Vì thế, điểm học sinh đạt được là điểm thật của các em.

Thực tế, nhiều địa phương, nhân hệ số 2 môn mà điểm chuẩn chỉ đạt khoảng 9 điểm. Nếu 3 môn chỉ tính hệ số 1, thì chưa tới 2 điểm mỗi môn. Trong khi đó, điểm 2 thuộc vào khung điểm kém. Nếu tổng điểm 3 môn sau khi đã nhân hệ số được 18 điểm (mức điểm chuẩn phổ biến ở nhiều trường học hiện nay). Nhìn thì có vẻ cao, nhưng nếu không nhân hệ số 2 thì mỗi môn học sinh thi chỉ đạt khoảng 3.60 điểm/môn (vẫn rơi vào khung điểm yếu).

Có nên tiếp tục duy trì việc nhân hệ số 2 môn?

Việc nhiều địa phương vẫn duy trì nhân hệ số điểm thi 2 môn Toán, Ngữ văn sẽ làm cho nhiều học sinh học lệch. Trọng môn học này mà coi thường môn học kia. Trong thực tế, đã có không ít học sinh dành rất nhiều thời gian cho việc học thuộc các đề văn mẫu với hy vọng điểm sẽ nhân đôi và cơ hội đỗ vào trường sẽ cao hơn.

Việc nhân hệ số 2 môn Toán, Ngữ văn, dễ cho học sinh, phụ huynh và những người quan tâm đến giáo dục, ảo tưởng về điểm số. Điều này, sẽ vô cùng nguy hại. Có người sẽ cho rằng “Điểm như thế là cao, là ổn” mà không chịu học hành nghiêm túc hơn.

Việc nhân hệ số 2 môn thi góp phần che bớt điểm số nhiều nơi quá thấp, nó là nguy cơ tiềm tàng làm tăng bệnh thành tích. Nó cũng dễ dẫn đến “vui cả làng” mà không có những kế hoạch, những biện pháp khắc phục một cách kịp thời để nâng chất lượng giáo dục.

Theo người viết, đã đến lúc bỏ việc nhân hệ số 2 môn thi vào 10. Cũng chỉ nên tổ chức tuyển sinh đối với những trường có sự cạnh tranh cao. Những trường mà điểm chuẩn quá thấp, chưa thi đã biết mình sẽ đỗ thì chỉ cần xét học bạ là đủ.

Tài liệu tham khảo:

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/4-tinh-thanh-cong-bo-diem-chuan-vao-lop-10-co-noi-chua-den-2-diemmon-20230615232350317.htm

Phan Tuyết