Kể từ năm học 2020-2021 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều về Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT nên đã có một số thay đổi so với trước đây.
Theo hướng dẫn của Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT thì từ nay môn Ngoại ngữ đã có vị thế ngang hàng với môn Ngữ văn và môn Toán trong việc xếp loại, công nhận danh hiệu học tập cho học sinh.
Tuy nhiên, kỳ thi tuyển sinh 10 ở năm học 2021-2022 vừa qua và kể cả kỳ thi tuyển sinh 10 cho năm học 2022-2023 tới đây của nhiều địa phương vẫn tính điểm hệ số 2 đối với môn Văn và Toán, còn môn Ngoại ngữ thì tính điểm hệ số 1 như trước đây.
Nên chăng, các địa phương cần thay đổi theo hướng dẫn của Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT để tính điểm hệ số 1 cho tất cả các môn thi cho phù hợp với thực tế và nếu tính điểm hệ số 2 thì chỉ nên áp dụng cho khối trường trung học phổ thông chuyên mà thôi.
Thông tư 26 đã xếp môn Ngoại ngữ với môn Toán và Ngữ văn có vị thế giống nhau nhưng tuyển sinh 10 vẫn tính điểm Ngoại ngữ hệ số 1 (Ảnh minh họa: Báo An Giang) |
Vị thế môn Ngoại ngữ đã được xếp ngang hàng với môn Toán và Văn
Nếu như trước đây, khi mà đánh giá, xếp loại học sinh theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT thì chỉ có môn Ngữ văn và Toán được đứng riêng ở một vị trí đặc biệt.
Bởi, tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 ở Điều 13 của Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT hướng dẫn tiêu chuẩn xếp loại học kỳ và xếp loại cả năm học như sau:
“1. Loại giỏi, nếu có đủ các tiêu chuẩn:
a) Điểm trung bình các môn học từ 8,0 trở lên, trong đó điểm trung bình của 1 trong 2 môn Toán, Ngữ văn từ 8,0 trở lên; riêng đối với học sinh lớp chuyên của trường THPT chuyên phải thêm điều kiện điểm trung bình môn chuyên từ 8,0 trở lên;
b) Không có môn học nào điểm trung bình dưới 6,5;
c) Các môn học đánh giá bằng nhận xét đạt loại Đ.
2. Loại khá, nếu có đủ các tiêu chuẩn sau đây:
a) Điểm trung bình các môn học từ 6,5 trở lên, trong đó điểm trung bình của 1 trong 2 môn Toán, Ngữ văn từ 6,5 trở lên; riêng đối với học sinh lớp chuyên của trường THPT chuyên phải thêm điều kiện điểm trung bình môn chuyên từ 6,5 trở lên;
b) Không có môn học nào điểm trung bình dưới 5,0;
c) Các môn học đánh giá bằng nhận xét đạt loại Đ.
3. Loại trung bình, nếu có đủ các tiêu chuẩn sau đây:
a) Điểm trung bình các môn học từ 5,0 trở lên, trong đó điểm trung bình của 1 trong 2 môn Toán, Ngữ văn từ 5,0 trở lên; riêng đối với học sinh lớp chuyên của trường THPT chuyên phải thêm điều kiện điểm trung bình môn chuyên từ 5,0 trở lên;
b) Không có môn học nào điểm trung bình dưới 3,5;
c) Các môn học đánh giá bằng nhận xét đạt loại Đ”.
Tuy nhiên, khi Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 11/10/2020 thì tại khoản 6, Điều 2 đã hướng dẫn: “Thay thế cụm từ "của 1 trong 2 môn Toán, Ngữ văn" tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 của Điều 13 bằng cụm từ "của 1 trong 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ”.
Như vậy, môn Ngoại ngữ đã được đã có “vị thế” ngang hàng như môn Ngữ văn và Toán trong việc xếp loại học tập của học sinh.
Việc bổ sung môn Ngoại ngữ ở Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT giúp cho học sinh có nhiều thuận lợi trong việc xếp loại học tập ở cuối học kỳ, cuối năm học và thực tế môn Ngoại ngữ cũng là một môn học có nhiều tiết/ tuần (3 tiết).
Thế nhưng, kỳ thi tuyển sinh 10 ở năm học vừa qua và kể cả cho năm học tới đây ở một số tỉnh thì số phận môn Ngoại ngữ vẫn phải nằm ở “chiếu dưới” khi vẫn được quy định tính điểm hệ số 1 còn môn Văn và Toán thì tính điểm hệ số 2.
Cách tính điểm hệ số 2 đối với môn Ngữ văn và Toán trong kỳ thi tuyển sinh 10 là không cần thiết
Những năm qua, đã có địa phương không còn tính điểm hệ số 2 đối với môn Văn và Toán nhưng đa phần các tỉnh vẫn áp dụng hình thức tính điểm hệ số 2 đối với 2 môn học này.
Thực ra, việc tính điểm hệ số 2 môn Văn và Toán đối với những trường trung học phổ thông không chuyên trong những năm qua đã thể hiện sự bất cập và không thực sự cần thiết. Có nhiều em có lợi những cũng sẽ có nhiều em thua thiệt với cách tính điểm như thế này.
Em nào học tốt môn Toán và Văn thì tính điểm hệ số 2 rất lợi nhưng những em đuối 2 môn này hơn mà môn Ngoại ngữ học tốt thì lại thua thiệt vì môn thi này chỉ điểm tính hệ số 1.
Vì vậy, cái lợi duy nhất là khi tính điểm hệ số 2 thì tổng điểm 3 môn thi được nâng lên cao hơn vì nếu địa phương thi 3 môn thì đã có 2 môn nhân hệ số 2.
Nhìn vào điểm thí sinh trúng tuyển từ 20-25 điểm nhưng nếu chia ra mỗi môn cũng chỉ có điểm bình quân là 4-5 điểm mà thôi.
Nay, Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT đã có hiệu lực hơn 2 năm rồi, chúng tôi cho rằng những địa phương đang áp dụng nhân điểm hệ số 2 đối với môn Văn và Toán đối với các trường trung học phổ thông không chuyên là không còn phù hợp nữa.
Nếu tính điểm hệ số 1 tất cả các môn thi, cho dù tổng điểm có thấp hơn đáng kể nhưng nó sẽ tạo công bằng và tránh việc học lệch của học trò.
Được bao nhiêu điểm, tính điểm bấy nhiêu bởi suy cho cùng thì kỳ thi tuyển sinh 10 ở tất cả các địa phương dù điểm thấp hay cao cũng sẽ lấy từ trên xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu.
Số lượng tuyển của từng trường đã được các địa phương phê duyệt từ khi học sinh mới bước vào học kỳ II của lớp 9 thì điểm cao hay thấp cũng chẳng ảnh hưởng gì đến số lượng tuyển sinh đầu cấp.
Hơn nữa, nếu tính điểm hệ số 1 tất cả các môn sẽ cho thấy chất lượng thực các trường Trung học cơ sở và đó cũng là cách công khai chất lượng đào tạo, tuyển sinh của các nhà trường một cách chân thực nhất.
Vì thế, chúng tôi cho rằng nếu phải tính hệ số 2 trong kỳ thi tuyển sinh 10 thì chỉ nên áp dụng đối với các môn chuyên ở trường trung học phổ thông chuyên, còn những trường không chuyên thì nên tính điểm thi hệ số 1 đối với tất cả các môn thi là công bằng và phù hợp nhất.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.