Có mặt tại xóm Kim Quang, xã Hương Quang, huyện Vũ Quang PV báo GDVN ghi nhận hơn 50 trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo đến tiểu học đang phải ở nhà chưa được đến trường, mặc dù năm mới đã vào học được gần 1 tháng.
Mặc dù năm học mới khai giảng đã được gần 1 tháng nhưng những đứa trẻ tại xã Hương Quang do nhập nhằng chuyện đền bù tiền di dời nên vẫn chưa được đi học |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thì nguyên nhân chính của việc hàng chục con em ở xã Hương Quang chưa thể đến trường xuất phát từ việc nhập nhằng trong chuyện đền bù tiền cho người dân di chuyển đến nơi ở mới để nhường đất cho Dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang.
Cho rằng tiền đền bù chưa thỏa đáng, hoặc nhiều hộ dân chưa nhận đủ tiền đền bù đã từ chối di chuyển đến nơi ở mới, vì thế con em họ buộc phải ở nhà.
Cho rằng tiền đền bù chưa thỏa đáng, hoặc nhiều hộ dân chưa nhận đủ tiền đền bù đã từ chối di chuyển đến nơi ở mới, vì thế con em họ buộc phải ở nhà.
Bà Phan Thị Lừng ( 66 tuổi) xóm Kim Quang, xã Hương Quang bức xúc: “Gia đình tôi được 640 triệu tiền đền bù, vừa rồi UBND huyện Vũ Quang gọi lên để nhận tiền đền bù. Nhưng khi chúng tôi lên nhận thì họ lại trừ của gia đình tôi 37 triệu tiền đất ở mới, nên gia đình chúng tôi không chấp nhận”.
Một số người dân ở đây cho biết: Họ rất lo lắng cho việc con em của họ đang trong độ tuổi đi học, nhưng lại không được đến trường. Nhưng việc chính quyền địa phương “nhập nhằng” trong chuyện đền bù đất và một số hộ dân chưa nhận được tiền đền bù nên họ chưa chuyển đến nơi ở mới.
Trường mới cách chỗ ở cũ tận 40km trong khi gia đình vẫn chưa chịu di dời đến nơi ở mới vì chính quyền địa phương đang nhập nhằng tiền đền bù nên cậu bé này đã đến tuổi đi học nhưng vẫn đang phải ở nhà |
Cầm trên tay tập hồ sơ đền bù đất chị Đoàn Thị Tình bức xúc: “Chúng tôi chưa chuyển đi là do chính quyền đền bù chưa thỏa đáng. Như gia đình tôi được đền bù hơn 300 triệu đồng nhưng họ trừ hơn 100 triệu đồng thì thử hỏi vào đấy chúng tôi sống sao được. Trong khi đó vào chỗ mới đất trồng trọt không có, không nghề nghiệp, với số tiền ít ỏi đó thì chúng tôi sống được bao lâu.
Còn việc con em chúng tôi chưa được đến trường chúng tôi làm cha, làm mẹ nên cũng rất lo lắng cho con cái. Nhưng trường học cũ đã bị đập phá, trường mới cách nhà hơn 40 km, việc chúng tôi đưa đón con đi học gặp rất nhiều khó khăn. Cả ngày đưa con đi học thì chúng tôi biết lấy gì để sống, chúng tôi phải đi làm nữa chứ”.
Ông Lê Thanh Tĩnh - Chủ tịch UBND xã Hương Quang cho biết: “Lúc đầu có 199 hộ đồng ý xuống khu tái định cư, sau đó thì có 14 hộ xin rút. Hiện tại thì mới chỉ có 14 hộ xuống sinh sống ổn định, 29 đang trong quá trình chuyển. Về việc hiện nay vẫn còn rất nhiều em chưa được đến trường, thì chúng tôi cũng đang tăng cường phối hợp với nhà trường, các cấp ngành để vận động, tuyên truyền. Chúng tôi cũng đã vận động rất nhiều, nhưng các hộ vẫn chưa cho con em họ đến trường. Hiện đã có một số hộ gửi con em họ đi nơi khác học”.
Chưa được đến trường nên những em bé tại đây hải ở nhà và chơi một mình với những trò rất nguy hiểm |
Được biết người dân ở đây không đồng tình với những mức đền bù của chính quyền địa phương mà họ còn cho rằng việc thu các khoản tiền khi người dân vào khu tái định cư mới bất hợp lý như: Tiền đất loại 1 được thu với giá 62 triệu, loại 2 là 50 triệu, loại 3 là 32 triệu. Tiền bìa đỏ là 50 triệu; tiền khoan giếng là 20 triệu và tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp họ không được chi trả.
Việc “ nhập nhằng” trong chuyện đền bù đất, và việc chính quyền thu một số khoản tiền lớn từ việc tiền đất, tiền bìa đỏ, tiền khoan giếng đúng hay sai câu trả lời xin gửi về chính quyền địa phương. Hàng chục đứa trẻ đang trong độ tuổi đến trường, đang phải nghĩ học ở nhà là cả một vấn đề lớn mà chính quyền địa phương nơi đây cần quan tâm hơn nữa.
Nguyễn Thanh - Xuân Hoà