Trung Quốc có thể trở thành "Chúa tể Voldemort" của Đông Á nếu từ chối nói chuyện với các nước láng giềng hoặc tuân thủ các quy định luật pháp quốc tế, một nhà ngoại giao cấp cao của Nhật Bản cảnh báo.
Đại sứ Nhật Bản tại Anh Keiichi Hayashi. |
Keiichi Hayashi, Đại sứ Nhật Bản tại Anh, đã cáo buộc Trung Quốc cố gắng lặp đi lặp lại nỗ lực "thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép" và tuyên bố rằng một sự cố gần đây liên quan đến một tàu khu trục của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông "có thể được coi là một hành động chiến tranh".
Trong một bài viết đăng tải trên tờ Daily Telegraph của Anh hôm 5/1, ông Hayashi đã đưa ra những lời phê bình nghiêm khắc trước những lời cáo buộc của Đại sứ Trung Quốc tại London Lưu Hiểu Minh, người tuần trước tuyên bố rằng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đặt ra "mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình toàn cầu" bằng cách "tôn vinh" những người đã gây ra cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai.
Trong bài viết, ông Hayashi cho biết, Nhật Bản đã bày tỏ sự "hối hận sâu sắc và lời xin lỗi chân thành" đối với "sự đau khổ to lớn của người dân trên nhiều quốc gia" do Nhật Bản gây ra trong quá khứ. Nhưng ông khẳng định, Nhật Bản ngày nay đã nỗ lực rất nhiều cho hòa bình trên thế giới và đã "được thực hiện kiềm chế tối đa" khi đối mặt với các mối đe dọa từ Trung Quốc.
Khi một tàu khu trục của Trung Quốc "ngắm bắn" một tàu khu trục của Nhật Bản trên vùng biển tranh chấp hồi năm ngoái, "tàu Nhật Bản đã cơ động né tránh hơn là hành động gây nguy hiểm cho thêm tình hình", ông nói thêm.
Đại sứ Trung Quốc tại London Lưu Hiểu Minh. |
Trong một bài viết hồi tuần trước cũng đăng tải trên tờ Daily Telegraph, Lưu Hiểu Minh đã ví Nhật Bản hiện đại với Chúa tể Voldemort, nhân vật phản diện trong những câu chuyện Harry Potter, và kêu gọi nước Anh hỗ trợ Trung Quốc chống lại "kẻ thù chung" trong Thế chiến 2 của mình.
Tuy nhiên, ông Hayashi đã đáp trả động thái trên bằng cách so sánh Trung Quốc với "Chúa tể bóng đêm" - kẻ sẽ châm ngòi cho một cuộc xung đột sâu sắc không mong muốn.
"Có hai con đường mở ra cho Trung Quốc," ông Hayashi viết. "Một là tìm kiếm đối thoại và tuân thủ các quy định của pháp luật. Hai là để đóng vai trò của Voldemort trong khu vực bằng cách mở một cuộc chạy đua vũ trang và leo thang căng thẳng".
Ông Hayashi cũng chỉ trích tham vọng quân sự của Bắc Kinh: "Thật là mỉa mai khi cho rằng một quốc gia đã tăng chi tiêu quân sự của mình hơn 10% một năm trong 20 năm qua lại gọi một người hàng xóm là "quân phiệt... Trung Quốc đang tìm cách tuyên truyền cho sự mất lòng tin đối với Nhật Bản trong số những người bạn của họ bằng những lời buộc tội vô căn cứ."
Trọng tâm của các tranh cãi liên quan tới chuyến thăm đền Yasukuni của Thủ tướng Shinzo Abe ngày 26/12. |
Những xung đột ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Nhật Bản, mà trọng tâm là tranh chấp lãnh hải đối với quần đảo Senkaku, đang ngày càng vượt ra xa biên giới khu vực. Nó đã gây ra lo ngại về một cuộc xung đột quân sự lớn ở châu Á mà có thể lôi kéo sự tham gia của Mỹ.
Trong tuyên bố hồi tuần trước, Đại sứ Trung Quốc cảnh báo rằng "cộng đồng quốc tế nên ở tình trạng báo động cao". Đáp lại, ông Hayashi cho rằng "mọi người đều biết rằng mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc đang căng thẳng, nhưng Nhật Bản không phải là bên chủ động gây ra điều đó".
Ông Hayashi cũng phản bác những lời chỉ trích của Bắc Kinh về chuyến thăm ngôi đền chiến tranh gây tranh cãi của Thủ tướng Shinzo Abe.
Đại sứ Trung Quốc trước đó đã "đặt ra câu hỏi nghiêm túc về thái độ của Nhật Bản đối với chủ nghĩa quân phiệt, xâm lược và cai trị thực dân". Tuy nhiên, ông Hayashi cho biết, Nhật Bản ngày nay tự hào về sức mạnh của nền dân chủ, tôn trọng nhân quyền và cam kết về hòa bình, đóng góp cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và không bỏ tù những người chỉ trích chính quyền./.
Nguyễn Hường