Nhật Bản phải học cách thích nghi với Hải giám, Ngư chính Trung Quốc

08/10/2012 19:00
Hồng Thủy (Nguồn Nhân Dân nhật báo)
(GDVN) - Nhật Bản “phải học cách thích nghi” với sự hiện diện của các tàu Hải giám, Ngư chính trên biển Hoa Đông gần Senkaku
Tờ Nhân Dân nhật báo Trung Quốc xuất bản ngày 8/10 có bài phân tích cao giọng khẳng định, Nhật Bản “phải học cách thích nghi” với sự hiện diện của các tàu Hải giám, Ngư chính trên biển Hoa Đông gần Senkaku, càng thích nghi sớm càng có lợi cho việc đàm phán giải quyết tranh chấp lãnh thổ và quan hệ song phương.

Bất chấp mọi nỗ nực ngăn cản của Cảnh sát biển Nhật Bản, có những lúc tàu Hải giám Trung Quốc tiến sát vào nhóm đảo Senkaku trong phạm vi 12 hải lý
Bất chấp mọi nỗ nực ngăn cản của Cảnh sát biển Nhật Bản, có những lúc tàu Hải giám Trung Quốc tiến sát vào nhóm đảo Senkaku trong phạm vi 12 hải lý

Mở đầu cho bài phân tích Nhân Dân nhật báo nhận định, Trung Quốc là quốc gia tạo động lực quan trọng cho sự phát triển, tăng trưởng của nền kinh tế thế giới. Cũng theo tờ báo này, Bắc Kinh chính là chủ thể cống hiến và thực hành quan điểm xây dựng thế giới hòa bình, bền vững, cộng đồng hài hòa, phồn vinh.

Trong thời gian tết Trung thu, quốc khánh Trung Quốc, lực lượng tàu Ngư chính kéo ra nhóm đảo Senkaku và tổ chức chào cờ, quay phim chụp ảnh nhằm tuyên truyền về tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với nhóm đảo này đang do phía Nhật Bản kiểm soát.

Phía Nhật Bản đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ những động thái gần đây của Trung Quốc trên biển Hoa Đông, đặc biệt là hoạt động của các tàu Hải giám và Ngư chính. Đã nhiều lần Cảnh sát biển Nhật Bản phải đương đầu với các lực lượng này và ngăn cản họ đổ bộ lên nhóm đảo Senkaku.

Tờ Nhân Dân nhật báo cho rằng, hoạt động của lực lượng Hải giám và Ngư chính trên biển Hoa Đông những ngày vừa qua là hoạt động bình thường, phù hợp với luật pháp Trung Quốc và quốc tế nên những phản ứng của phía Nhật Bản “không có ý nghĩa gì” đối với họ.

Tàu Cảnh sát biển Nhật Bản rượt đuổi tàu Hải giám Trung Quốc trên biển Hoa Đông
Tàu Cảnh sát biển Nhật Bản rượt đuổi tàu Hải giám Trung Quốc trên biển Hoa Đông

Bài phân tích cho hay, “có một số ai đó” cố tình gắn vấn đề Senkaku trên biển Hoa Đông với vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông làm một khi họ cho rằng Trung Quốc đang ngày càng cứng rắn, lấn lướt hơn trên các vùng biển tranh chấp. Và rồi chính Nhân Dân nhật báo tự trả lời, nếu như "chủ quyền" không giữ nổi, thì tốc độ phát triển kinh tế cao suốt 10 năm qua còn có ý nghĩa gì nữa?

Nhân Dân nhật báo cao giọng, đối với Nhật Bản – một quốc gia từng xâm lược Trung Quốc, việc có đủ dũng khí đối mặt với một Trung Quốc trỗi dậy hay không không chỉ là một quá trình tự điều chỉnh tâm lý mà còn là một thử thách đối với Nhật Bản trong việc xác định chính xác quan điểm lịch sử quan và quan điểm phát triển.
Hồng Thủy (Nguồn Nhân Dân nhật báo)