Nikkei Asian Review ngày 4/5 nhận định, Nhật Bản đang chạy đua với Trung Quốc trong việc cạnh tranh ảnh hưởng với chính phủ mới ở Myanmar cũng như các nước Đông Nam Á. Lo ngại những tiến bộ của Trung Quốc trong khu vực, Tokyo hy vọng có thể củng cố quan hệ hợp tác với Đông Nam Á thông qua cung cấp hỗ trợ nhiều hơn với vai trò đối tác thay vì nước bảo trợ.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida, ảnh: Kyodo. |
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida hôm Thứ Ba đã hội đàm với người đồng cấp Myanmar, bà Aung San Suu Kyi. Ông Kishida không đề cập đến việc xóa nợ 4,7 tỉ USD trong khoản nợ quá hạn của Myanmar. Ông cũng không đề nghị Myanmar hợp tác phát triển đặc khu kinh tế Dawei mà Nhật Bản và Thái Lan đang triển khai.
Thay vì tập trung tìm kiếm sự tin tưởng của chính phủ mới ở Naypyitaw, Ngoại trưởng Kishida chỉ ra rằng Tokyo sẽ tôn trọng mong muốn của Myanmar. Nhật sẽ cung cấp bất cứ hỗ trợ nào cho Myanmar nếu thấy cần thiết, và cam kết sẽ hỗ trợ quốc gia này từ lĩnh vực nhà nước đến tư nhân.
Chiến lược này được đưa ra để đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc. "Chúng tôi không thể chạy theo Trung Quốc về quy mô và tốc độ. Chúng tôi cần một cách tiếp cận khác", một nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho biết.
Dưới thời cựu Tổng thống Thein Sein, Myanmar phát triển quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ và châu Âu, trong khi ảnh hưởng của Trung Quốc đã giảm đi nhiều so với chính quyền quân phiệt trước đó. Tuy nhiên Bắc Kinh đang tìm kiếm trở lại vai trò và ảnh hưởng tại Myanmar sau khi chính phủ mới lên nắm quyền.
Cạnh tranh ảnh hưởng giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã vượt ra ngoài khuôn khổ Myanmar. Ngoại trưởng Fumio Kishida sẽ tiếp tục thăm Lào và Việt Nam, hai quốc gia vừa có bộ máy lãnh đạo mới.
Ông sẽ tham dự các buổi thảo luận về các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng xuyên biên giới trong ASEAN khi đang ở Lào và Việt Nam. Ngoại trưởng Kishida sẽ đưa ra các đề xuất hỗ trợ của Nhật Bản.
Trước đó Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có chuyến công du Brunei, Campuchia và Lào vào cuối tháng Tư. Năm nay Lào đang giữ ghế Chủ tịch luân phiên ASEAN và sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh khối vào tháng Chín, cả Tokyo và Bắc Kinh đều hy vọng có thể định hình các cuộc thảo luận tại diễn đàn này.
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm ngoái ở Malaysia đã chứng kiến những cuộc tranh luận gay gắt về hoạt động leo thang quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông. Mặc dù ông Kishida cũng vừa gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và các quan chức khác tại Bắc Kinh, nhưng Biển Đông vẫn là nguồn cơn ma sát giữa hai nước.