Máy bay chiến đấu tàng hình F-35 do Mỹ chế tạo (ảnh minh họa) |
Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 18 tháng 7 có bài viết cho rằng, "Ba nguyên tắc chuyển giao trang bị phòng vệ" do Nhật Bản sửa đổi cuối cùng đã phát huy tác dụng.
Hãng Kyodo Nhật Bản ngày 17 tháng 7 cho biết, tại Hội nghị bảo đảm an ninh quốc gia, chính quyền Shinzo Abe Nhật Bản quyết định triển khai nghiên cứu chung với Anh về công nghệ tên lửa trang bị cho máy bay chiến đấu, đồng thời vũ khí xuất khẩu được phê chuẩn theo "Ba nguyên tắc mới" còn có linh kiện tên lửa Patriot-2 – xuất khẩu cho doanh nghiệp Mỹ.
Theo bài báo, đây là lô chương trình hợp tác công nghiệp quân sự với nước ngoài đầu tiên được phê chuẩn theo "Ba nguyên tắc chuyển giao trang bị phòng vệ", trong tương lai, Nhật Bản sẽ sử dụng loại tên lửa tiên tiến này trang bị cho máy bay chiến đấu F-35.
Bài báo cho biết, loại tên lửa mà Nhật Bản sẽ tham gia nghiên cứu chế tạo là tên lửa không đối không Meteor do nhiều nước châu Âu phát triển, đứng đầu là Anh. "Ba nguyên tắc chuyển giao trang bị phòng vệ" do chính quyền Shinzo Abe thông qua vào tháng 4 cho phép Nhật Bản và các nước có liên quan trong lĩnh vực bảo đảm an ninh cùng nghiên cứu và phát triển trang bị phòng vệ trong điều kiện nhất định.
Tên lửa không đối không Meteor (ảnh minh họa) |
Ngay từ tháng 7 năm 2013, chính phủ hai nước Nhật-Anh đã ký kết thỏa thuận khung cùng phát triển trang bị và ngăn chặn rò rỉ công nghệ ra bên ngoài, đồng thời đã bắt đầu cùng nghiên cứu trang phục phòng hóa.
Bài báo cho biết, chính phủ hai nước Nhật-Anh sớm nhất là vào tháng 9 năm 2014 sẽ tổ chức tham vấn Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng tại Anh, hiện đang tiến hành phối hợp, dự kiến khi đó sẽ đạt được nhất trí về cùng nghiên cứu công nghệ tên lửa.
Theo tờ "Tin tức hàng không" Nhật Bản, thông số lý thuyết của tên lửa Meteo rất tiên tiến, nó áp dụng cấu hình cánh tên lửa ở giữa, lực nâng thân đạn kiêm điều khiển cánh đuôi cộng với 2 cửa nạp xung áp, dài 3,6 m, đường kính 180 mm, nặng 185 kg, là một loại tên lửa không đối không tầm xa dẫn đường bằng radar chủ động, có các tính năng như chống gây nhiễu điện tử, tấn công nhiều mục tiêu..., có thể đánh chặn hiệu quả máy bay chiến đấu, máy bay không người lái, tên lửa hành trình thậm chí tên lửa đạn đạo các loại hiện có.
Điều được khen ngợi nhất của tên lửa Meteor là động cơ xung áp thể rắn, có thể làm cho tên lửa nhanh chóng tăng tốc đến trên 4 Mach, đánh chặn mục tiêu ngoài 100 km, tầm bắn hiệu quả dự kiến có thể đạt 185 km.
Máy bay chiến đấu JAS-39C của Không quân Thụy Điển bắn tên lửa không đối không Meteor. |
Tính năng của tên lửa Meteor đã vượt tên lửa không đối không AIM-120 cùng loại của Mỹ, Nhật Bản đương nhiên không muốn từ bỏ cơ hội sở hữu loại tên lửa tiên tiến này.
Hãng Kyodo tiết lộ, trong tương lai Nhật Bản sẽ nhập khẩu tên lửa này, trang bị cho máy bay chiến đấu tàng hình F-35 mua của Mỹ.
Tờ "Jane's Defense Weekly" Anh ngày 16 tháng 7 còn tiết lộ, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đã tham quan nhà máy sản xuất máy bay chiến đấu F-35 và cho biết, sau khi mua lô 42 máy bay chiến đấu F-35 đầu tiên, Nhật Bản có thể căn cứ vào giá cả, sẽ tăng số lượng mua sắm.
Tuy nhiên, báo Trung Quốc cho rằng, Anh chủ động hợp tác với Nhật Bản cùng nghiên cứu chế tạo là do việc nghiên cứu phát triển tên lửa Meteor rơi vào khó khăn.
So với tên lửa cùng loại của Mỹ và Nga, độ chính xác bắn trúng của tên lửa Meteor rõ ràng không đủ, vì vậy Anh rất quan tâm tới công nghệ nhận dạng mục tiêu do Nhật Bản sở hữu. Dựa vào công nghệ điện tử tiên tiến, Nhật Bản có điểm độc đáo trong lĩnh vực đầu dẫn radar chủ động có độ nhạy cảm cao.
Chuyên gia quân sự Nhật Bản Ishikawa Inamoto cho rằng, hai nước Nhật-Anh đều đã quyết định nhập khẩu máy bay chiến đấu F-35, đây là cơ sở quan trọng để hai nước cùng nghiên cứu chế tạo tên lửa mới, nhưng kích thước ngoại hình của tên lửa Meteor quá lớn, không thể mang theo ở khoang đạn bên trong máy bay F-35.
Tên lửa không đối không Meteor (ảnh minh họa) |
Trong tương lai, Nhật Bản và Anh cũng có thể lấy Meteor làm bản công nghệ gốc, độc lập nghiên cứu phát triển một loại tên lửa không đối không mới thích hợp với khoang đạn của F-35.
Bất kể là cùng nghiên cứu chế tạo tên lửa Meteor với Anh hay cung cấp linh kiện tên lửa Patriot-2 (do công nghiệp nặng Mitsubishi chế tạo) cho hãng Raytheon, đều là nhóm chương trình đầu tiên được thông qua căn cứ vào "Ba nguyên tắc mới", điều này đã thu hút sự quan tâm phổ biến của truyền thông Nhật Bản.
Báo Trung Quốc chủ động tuyên truyền xấu cho rằng, tên lửa Meteor thuộc vũ khí có khả năng sát thương rất mạnh, đi ngược lại quan điểm của "Ba nguyên tắc chuyển giao trang bị phòng vệ". Việc chuyển giao công nghệ của Nhật Bản còn phục vụ cho “tranh chấp quốc tế”.
Bài báo còn dẫn hãng Kyodo cho rằng, bên ngoài lo ngại hành động này giống như dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể, tức là làm mất đi tư tưởng "quốc gia hòa bình" của Nhật Bản.
Tên lửa không đối không Meteor trang bị cho máy bay chiến đấu JAS-39 của Không quân Thụy Điển |
Theo tuyên truyền của báo Trung Quốc, trước khi ông Shinzo Abe lên cầm quyền, người dân nước này rất “kiêng kị” với vũ khí, Lực lượng Phòng vệ, ít nhìn thấy những bản tin lớn về Lực lượng Phòng vệ trên truyền hình hoặc báo chí.
Nhưng sau khi ông Shinzo Abe lên cầm quyền, những bản tin trực tiếp về Lực lượng Phòng vệ của truyền hình Nhật Bản đã tăng lên rõ rệt, những nhân vật quan trọng của Chính phủ cũng không còn kiêng kị xuất hiện trước ống kính có liên quan đến vũ khí.
Khi đưa tin về triển lãm quốc phòng ở Paris Pháp ngày 19 tháng 6, không chỉ có hình ảnh của Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản ủng hộ doanh nghiệp Nhật Bản tham gia triển lãm tại hiện trường, ông này thậm chí còn cầm súng máy trong tư thế ngắm bắn. Bản tin này đã được các đài truyền hình khác liên tục phát sóng.
Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản đích thân đến hiện trường cho thấy, Nhật Bản muốn phối hợp giữa chính phủ và doanh nghiệp tuyên truyền cho sản phẩm quân sự của Nhật Bản, thúc đẩy xuất khẩu các trang bị như máy bay vận tải, xe bọc thép.
Tờ “Nihon Keizai Shimbun” Nhật Bản thì cho rằng, do Nhật Bản nới lỏng hạn chế xuất khẩu vũ khí, công nghiệp nặng Kawasaki còn lần đầu tiên xuất hiện ở triển lãm hàng không Farnborough Anh – triển lãm hàng không lớn nhất thế giới.
Tên lửa phòng không Patriot do Mỹ chế tạo |
Tháng 6, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã công bố chiến lược mới sản xuất quốc phòng và nền tảng công nghệ trong 10 năm tới, nhằm thông qua thúc đẩy hợp tác phát triển quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế của công nghiệp quốc phòng Nhật Bản.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản còn lấy Trung Quốc làm đối thủ, lấy phát triển máy bay không người lái dùng để cảnh giới và giám sát biển làm nội dung trọng điểm trong công tác tương lai. Để thúc đẩy ứng dụng công nghệ tiên tiến dân sự cho quân sự, Chính phủ Nhật Bản sẽ cung cấp viện trợ tài chính cho các cơ quan nghiên cứu của các trường đại học và doanh nghiệp.