Nhiều sinh viên ra trường không thiết tha thi viên chức vào làm ở Nhà nước

01/11/2022 06:16
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Chiều 31/10, trong phiên thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (2016-2021), ĐBQH cho rằng cần làm rõ trách nhiệm.

Cần làm rõ trách nhiệm gây thất thoát, lãng phí

Tham gia thảo luận tại hội trường, Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho rằng, cần chỉ rõ thêm trách nhiệm của tập thể, cá nhân gây lãng phí.

Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho rằng, cần chỉ rõ thêm trách nhiệm của tập thể, cá nhân gây lãng phí. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho rằng, cần chỉ rõ thêm trách nhiệm của tập thể, cá nhân gây lãng phí. Ảnh: quochoi.vn.

Cụ thể, Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An bày tỏ tán thành cao với báo cáo của Đoàn giám sát, báo cáo bổ sung của Chính phủ và rất nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã phát biểu trước đó.

Vị đại biểu tỉnh Đồng Nai cho rằng, Báo cáo giám sát đã làm rõ nhiều nội dung thông qua những số liệu cụ thể liên quan đến hàng trăm dự án, hecta đất, hàng chục ngàn tỷ đồng bị lãng phí…

Theo đại biểu, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do yếu tố chủ quan là chính, trách nhiệm quản lý, điều hành và trách nhiệm con người đã được chỉ rõ trong Báo cáo của Đoàn giám sát.

Tuy nhiên, Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, nội dung Báo cáo vẫn nên nêu rõ hơn nữa trách nhiệm của chủ thể, của tổ chức, cá nhân nào để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí để tăng thêm chất lượng của Báo cáo giám sát.

Cũng cho ý kiến về nội dung này, Đại biểu Quốc hội Lê Hữu Trí - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa khẳng định kết quả giám sát chuyên đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 cho thấy tình hình lãng phí, thất thoát các nguồn lực của đất nước về tài chính, ngân sách, tài sản công, đất đai, tài nguyên khoáng sản, thời gian lao động về nguồn lực rất lớn và nghiêm trọng.

Vị đại biểu nêu con số trong báo cáo về thất thoát, lãng phí trong sử dụng vốn ngân sách nhà nước, quản lý đất đai tại các lâm trường, các dự án chậm tiến độ, dự án phải điều chỉnh quyết định đầu tư, dự án dang dở, gây thất thoát, lãng phí. Bên cạnh đó, quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp, nhất là trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục chưa được tiết kiệm, chưa có hiệu quả, còn thất thoát, lãng phí…

Đại biểu Quốc hội Lê Hữu Trí - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh, thất thoát, lãng phí nêu trong báo cáo giám sát cũng chưa phản ánh đầy đủ bức tranh về thực trạng lãng phí, thất thoát trong xã hội. .Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Quốc hội Lê Hữu Trí - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh, thất thoát, lãng phí nêu trong báo cáo giám sát cũng chưa phản ánh đầy đủ bức tranh về thực trạng lãng phí, thất thoát trong xã hội. .Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Lê Hữu Trí nhấn mạnh, thất thoát, lãng phí nêu trong báo cáo giám sát cũng chưa phản ánh đầy đủ bức tranh về thực trạng lãng phí, thất thoát trong xã hội của đất nước ta hiện nay.

Từ đó, vị đại biểu đề nghị cần có sự đánh giá nghiêm túc về các giải pháp khắc phục hiệu quả từ công tác giáo dục, nâng cao ý thức đến công tác xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật.

“Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát đã chỉ ra rất cụ thể, các mặt còn tồn tại, gây thất thoát, lãng phí cũng chỉ rõ nguyên nhân của các tồn tại đó. Điều đó cho thấy Quốc hội đã chọn trúng và đúng vấn đề giám sát.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng đặt ra tiếp theo là ai sẽ chịu trách nhiệm về những thiệt hại, tổn thất, lãng phí đó; giải pháp để xử lý tiếp theo các tồn tại đó như thế nào?” - ông đề cập.

Đại biểu Lê Hữu Trí mong muốn Quốc hội, Chính phủ quyết liệt chỉ đạo làm rõ các vi phạm, thất thoát, lãng phí, trong đó cần thiết phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và các phương án khắc phục, xử lý đối với trên 3.000 dự án sử dụng vốn nhà nước có thất thoát, lãng phí; trên 79.000 hecta đất nông, lâm nghiệp đã quyết định thu hồi nhưng có phương án sử dụng…

Đồng thời, tập trung xử lý các dự án không hiệu quả, chậm tiến độ, vi phạm trong quản lý, sử dụng đất, các dự án BT, BOT đang triển khai dở dang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; các dự án đã hoàn thành nhưng không đưa vào sử dụng, không phát huy hiệu quả, chất lượng không bảo đảm.

Đại biểu Hồ Thị Minh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cũng nêu quan điểm, cần chỉ rõ trách nhiệm khắc phục tồn tại, hạn chế thuộc về ai trước tình trạng còn rất nhiều dự án không đáp ứng yêu cầu; hàng loạt các lô đất vàng vẫn đang còn có những bất cập trong quản lý và sử dụng.

Tới đây sửa đổi Luật Đất đai có khắc phục được tình trạng này không? Các Bộ, ngành có phối hợp để phân tích thấu đáo và giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở lĩnh vực quản lý đất đai hay không?

Đại biểu Hồ Thị Minh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị phát biểu tại hội trường. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Hồ Thị Minh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị phát biểu tại hội trường. Ảnh: quochoi.vn.

Với việc đầu tư xây dựng, sử dụng quản lý các trụ sở cơ quan nhà nước, đại biểu cho rằng, có một số công trình tuy vẫn sử dụng tốt nhưng cơ quan, địa phương vẫn bỏ hoang hoặc đập bỏ để xây mới, hoặc có những trường hợp không cộng tác trong việc chuyển giao cho chính quyền địa phương.

Đại biểu Hồ Thị Minh đề nghị Chính phủ, Bộ, ngành cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để nhìn nhận rõ những bất cập, chồng chéo, qua đó sửa đổi để đảm bảo việc sử dụng hợp lý trụ sở, chuyển giao theo đúng quy định phải thực hiện thường xuyên, liên tục, chứ không phải chỉ làm tốt sau những kỳ giám sát.

Đại biểu đề nghị Chính phủ cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, chỉ đạo các Bộ, ngành rà soát để thấy trách nhiệm của mình trong từng ngành, lĩnh vực, để những báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong những năm sau không còn nhắc lại những tồn tại, hạn chế đã nhiều lần nhắc đến, góp phần thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm không chỉ ở khu vực công, mà cả ở khu vực tư.

Đâu đó cho rằng, muốn thi công chức, viên chức phải có tiền, có quan hệ?!

Tham gia phát biểu về Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp bày tỏ quan tâm đến lãng phí trong quản lý nguồn nhân lực, bao gồm vấn đề tuyển dụng, sử dụng quản lý nhân lực và tinh giản biên chế trong khu vực công.

Đại biểu cho rằng, hiện nay, nhân lực trong khu vực công có dấu hiệu già hóa, môi trường nhà nước, chưa thực sự hấp dẫn đối với người trẻ, chưa xây dựng được môi trường lý tưởng cung cấp nhiều cơ hội phát triển. Công tác tinh giản biên chế còn chưa thật sự đạt được hiệu lực thực tế. Chủ trương tinh giản là đúng, tuy nhiên hiện nay, việc tinh giản được thực hiện theo các chỉ tiêu cơ học, không đảm bảo được chất lượng thực chất.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp bày tỏ quan tâm đến lãng phí trong quản lý nguồn nhân lực. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp bày tỏ quan tâm đến lãng phí trong quản lý nguồn nhân lực. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị cần đưa vào Nghị quyết của Quốc hội nội dung liên quan đến quản lý nguồn nhân lực nói chung, trong đó đặc biệt là các chính sách thu hút sử dụng nhân tài trong bộ máy nhà nước nói chung, theo đúng tinh thần nhân tài là nguyên khí quốc gia. Cụ thể, đại biểu cho rằng cần tạo môi trường, cơ chế để tôn vinh, sử dụng đúng người tài. Trong cải cách tiền lương cần tính tới những nguồn để tiếp tục bồi dưỡng, tạo động lực cho người tài tham gia cống hiến cho Tổ quốc.

Góp ý trong phiên thảo luận, Đại biểu Chu Thị Hồng Thái - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn đề cập về lãng phí trong sử dụng nguồn nhân lực; việc giữ chân “người tài” vào khu vực công...

Cụ thể, nữ đại biểu cho biết: “Tại Báo cáo giám sát số 330 có nêu hạn chế, yếu kém về tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, trình độ quản lý, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và cách thức tổ chức thực hiện mang tính chủ quan dẫn đến việc quản lý, sử dụng nguồn lực quốc gia không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí nguồn nhân lực toàn xã hội với giá trị rất lớn, nghiêm trọng, thậm chí có lãng phí về cơ hội, nguồn lực tổng hợp không không thể đo đếm, xác định được.

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn. .Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn. .Ảnh: quochoi.vn.

Trên thực tế, với những vụ án vi phạm pháp luật gần đây liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức vi phạm các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng đã gây thất thoát, lãng phí tài sản công từ Trung ương đến cơ sở ở một số các tỉnh, thành trong cả nước.

Trong Báo cáo đã đánh giá về sự tồn tại, hạn chế và nguyên nhân hầu hết đều xuất phát từ con người do người đứng đầu, người tham mưu chưa chú trọng, chưa quyết liệt, chưa thực hiện đúng các quy định pháp luật của Nhà nước đã gây lãng phí, thất thoát, sử dụng nguồn lực từ ngân sách đầu tư xây dựng đến đất đai, tài nguyên khoáng sản.

Ngay tại kỳ họp này, trong 2 ngày thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội, có nhiều đại biểu phân tích rất sâu sắc về nguồn nhân lực và sử dụng lao động trong khu công.

Tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc hiện nay có ý kiến cho rằng, số lao động trong khu vực công hay khu vực tư thì cũng đều cống hiến sức lực tham gia phát triển kinh tế - xã hội”.

Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, Đại biểu Chu Thị Hồng Thái cho rằng, khu vực công là nơi xây dựng chính sách, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, là nơi điều hành và quản trị đất nước, sử dụng mọi nguồn lực để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Vì thế, phải có đội ngũ cán bộ giỏi, có năng lực và đạo đức nghề nghiệp phục vụ Nhân dân, hỗ trợ những đối tượng yếu thế trong xã hội để đảm bảo rằng mọi tầng lớp nhân dân đều được tiếp cận các dịch vụ, tiếp cận với điều kiện phát triển kinh tế xã hội công bằng như nhau. Do vậy, việc giữ chân người tài ở khu vực công hết sức cần thiết.

“Những năm gần đây, nhiều sinh viên mới ra trường cũng không thiết tha tham gia các cuộc thi tuyển công chức, viên chức vào làm việc trong các cơ quan Nhà nước.

Đâu đó cho rằng, muốn thi công chức, viên chức phải có tiền, có quan hệ cũng làm giảm sức hút nguồn nhân lực, nhất là người tài giỏi vào khu vực công. Điều đó cũng phần nào làm giảm chất lượng thực hiện công vụ.

Từ những phân tích trên, có thể thấy rằng, lãng phí trong công tác quản lý, sử dụng lao động trong khu vực công đang có nhiều vấn đề cần được nghiên cứu và tìm cách giải quyết” - vị đại biểu tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh.

Tinh giản biên chế cơ học, chưa nâng cao chất lượng, hiệu quả

Phát biểu tại phiên họp, Đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn cho rằng, qua hoạt động giám sát cho thấy công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 được triển khai và đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực và sử dụng hợp lý các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Theo vị đại biểu, đối với lĩnh vực sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế trong giai đoạn vừa qua, công tác này đã và đang triển khai theo tinh thần của các Nghị quyết của Đảng đã đạt được những kết quả tích cực.

Đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn. .Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn. .Ảnh: quochoi.vn.

Tuy nhiên, từ tình hình thực tiễn của địa phương cho thấy, công tác này vẫn còn có những hạn chế, khó khăn nhất định như việc tinh giản tinh chế chủ yếu là giảm cơ học về số lượng, chưa thực sự gắn với việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ công chức, viên chức.

Bên cạnh đó, việc sắp xếp tổ chức bộ máy đối với phòng chuyên môn cấp huyện về công tác dân tộc chưa được triển khai thực hiện. Ngoài ra, danh mục sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu thuộc ngành, lĩnh vực cũng chưa được Chính phủ ban hành.

Do vậy, Đại biểu Lưu Bá Mạc kiến nghị thêm với Chính phủ và các cơ quan hữu quan sớm triển khai hướng dẫn sơ kết về việc thực hiện thí điểm theo Kết luận số 34 năm 2018 của Bộ Chính trị để làm căn cứ đề xuất từng bước nhân ra diện rộng đối với những mô hình phù hợp, hiệu quả để từ đó các địa phương có cơ sở triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy về công tác dân tộc đối với phòng chuyên môn ở cấp huyện.

Sớm ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu thuộc ngành, lĩnh vực để từ đó có cơ sở rà soát, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định số 120 2020 của Chính phủ.

Xem xét, nghiên cứu điều chỉnh lộ trình, phương án cắt giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 một cách phù hợp, linh hoạt và hiệu quả hơn, trong đó cần gắn với tình hình thực tiễn của từng địa phương trong từng năm và đảm bảo mục tiêu đủ số lượng để làm việc và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…

Tăng cường công tác hậu giám sát

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cũng đề nghị Quốc hội tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu gương mẫu trên các lĩnh vực, phát huy hiệu quả đã đạt được trong thời gian qua, kiên quyết chống lãng phí, có tiết kiệm, có chủ đích nhằm mang lại có hiệu quả và hiệu quả cao nhất.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng nhấn mạnh thêm tăng cường công tác hậu giám sát, tiếp tục các nội dung liên quan đến việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong kế hoạch hằng năm hoặc định kỳ, nhất là những vấn đề tồn tại mà Đoàn giám sát đã nêu ra trong báo cáo, trọng tâm là các dự án trọng điểm quốc gia, các dự án chậm tiến độ, đất đai còn để hoang hóa, tài nguyên khoáng sản, đấu thầu, chỉ định thầu, mua sắm tài sản công, công sở sử dụng chưa đúng mục đích vào cổ phần hóa.

Chính phủ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những cơ quan, đơn vị, cá nhân, người đứng đầu trên các lĩnh vực đã được Đoàn giám sát chỉ ra những hạn chế mà chưa khắc phục. Đồng thời, nêu gương, biểu dương khen thưởng những nơi thực hiện tốt, đẩy nhanh kết luận thanh tra sau khi phát hiện những nơi có dấu hiệu sai phạm để ngăn chặn kịp thời hoặc thu hồi, xử lý tài sản thất thoát và khắc phục hậu quả.

Mộc Trà