Trường ĐH bắt đầu được tự chủ
Nhiều trường ĐH cho biết các quy định trên sẽ tạo ra sự thay đổi rất lớn bằng việc Bộ đã bắt đầu giao quyền tự chủ cho các trường ĐH, đồng thời buộc các trường phải tự chịu trách nhiệm, đảm bảo chất lượng đào tạo đầu ra.
“Với quy định mới này, Bộ GD&ĐT buộc các trường phải tự hạn chế số lượng tuyển sinh dựa trên điều kiện cơ sở vật chất, số lượng giảng viên, điều này sẽ không dẫn đến tình trạng tăng chỉ tiêu đột biến như mọi năm” - TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, nhận xét.
Nếu trước nay, các trường được gộp giảng viên thỉnh giảng khi tính số lượng giảng viên thì trong quy định mới, Bộ GD&ĐT chỉ cho phép xác định chỉ tiêu tuyển sinh trên số lượng giảng viên cơ hữu. Về cơ sở vật chất, các trường chỉ được xác định chỉ tiêu dựa trên mặt bằng hiện hữu đã có.
Theo các chuyên gia giáo dục, đây là điểm khác biệt rất lớn, thể hiện mong muốn của Bộ GD&ĐT và xã hội là các trường cần phải có giảng viên, cơ sở vật chất của riêng mình. Những mô hình trường tạm bợ, được chăng hay chớ sẽ không tạo tiền đề đảm bảo chất lượng, không tạo ra bộ mặt đẹp cho giáo dục ĐH.
Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM năm 2011. Đây là trường có diện tích xây dựng/sinh viên chỉ đạt 1,2 m2, chưa đủ theo quy định. Ảnh: QUỐC DŨNG
Cần có lộ trình?
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu thực hiện ngay từ năm 2012, hàng loạt trường sẽ phải ngừng tuyển sinh. Bởi không chỉ trường mới thành lập mà cả một số trường công lập lâu đời cũng không đảm bảo tiêu chuẩn diện tích 2 m2/sinh viên như quy định của thông tư. Thậm chí nhiều trường chủ yếu thuê mướn mặt bằng hoặc nếu có cũng rất ít so với số lượng hàng ngàn sinh viên đang theo học.
Theo TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT, nếu áp dụng nghiêm túc từ năm 2012 ít nhất 10 trường sẽ phải dừng hoặc nhiều hơn. Còn nếu đến năm 2013 thì các trường có một năm chuẩn bị, sẽ nhẹ hơn. Nhưng dù sao cũng có trường phải ngừng tuyển sinh vì xây trường không dễ, giải phóng mặt bằng chưa xong, đất đai không có.
Lo thì lo nhưng các trường vẫn đang hy vọng Bộ GD&ĐT nới lỏng các quy định này. TS Nguyễn Đăng Liêm, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định, nói: “Khó khăn về cơ sở vật chất là nỗi khổ của nhiều trường nhưng không đến nỗi phải ngừng tuyển sinh. Tôi nghĩ Nhà nước luôn có “chính sách vào giờ cuối”. Nếu quy định trên được vận dụng linh hoạt, mềm một chút thì chỉ tiêu các trường sẽ đạt 80% năm trước; còn nếu vận dụng cứng quá thì chỉ tiêu còn chừng 50%”.
TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng cho biết: “Các trường không đủ cơ sở vật chất, không đủ giảng viên đương nhiên sẽ bị phạt. Nhưng các quy định của Bộ phải có lộ trình thực hiện thì mới có tầm chiến lược”. Trong khi đó, TS Lê Trường Tùng cho rằng: “Theo tôi, áp dụng lộ trình cũng được hoặc áp dụng ngay xem như giải pháp mạnh để các trường tạm ngưng tuyển sinh một vài năm để tập trung đầu tư cơ sở vật chất cũng tốt”.
Bộ GD&ĐT đang triển khai thanh tra, kiểm tra các trường được thành lập từ năm 1998 đến 2010. Quan điểm của Bộ là không tăng chỉ tiêu tuyển sinh đối với cơ sở giáo dục ĐH nếu các điều kiện bảo đảm chất lượng của trường không tốt hơn năm trước; giảm chỉ tiêu tuyển sinh đối với những trường đã được thành lập trước năm 2010 mà chưa xây dựng cơ sở riêng tại địa điểm theo hồ sơ đăng ký thành lập; đình chỉ hoạt động đào tạo và xem xét giải thể nếu trường vẫn không xây dựng được cơ sở tại địa điểm đăng ký sau ba năm (kể từ năm 2010).
Ông BÙI VĂN GA, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT
Nhiều trường khó đạt tiêu chí
Theo quy định mới, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường ĐH phải tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh chính quy hằng năm theo hai tiêu chí.
Tiêu chí 1, số sinh viên chính quy/giảng viên nhóm trường y - dược không quá 15; nhóm trường nghệ thuật - thể dục thể thao không quá 10; các trường khác không quá 25.
Tiêu chí 2, diện tích sàn xây dựng/sinh viên không được ít hơn 2 m2. Tuy nhiên, rất nhiều trường đang còn cách xa các ngưỡng tối thiểu trong quy định trên.