Theo Nghị định số 73/2024/NĐ-CP Quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, từ ngày 01/7/2024, cán bộ, công chức, viên chức được tăng lương cơ sở lên 2.340.000 đồng/tháng, đồng thời được bổ sung quỹ tiền thưởng 10% tổng quỹ lương (không bao gồm các khoản phụ cấp).
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu thực hiện theo đúng quy định này, năm nay ngoài tiền thưởng đột xuất và thường xuyên, giáo viên sẽ có thêm khoản tiền thưởng cuối năm.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông A Lưới (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, sau khi nhận được văn bản chỉ đạo từ Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế về việc khen thưởng giáo viên theo Nghị định số 73/2024/NĐ-CP, các trường trung học phổ thông trên địa bàn đã bắt đầu triển khai thực hiện theo hướng dẫn.
Cô Nguyễn Thị Thu Hằng thông tin thêm: “Ngay khi có quyết định và hướng dẫn từ Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế, nhà trường đã nhanh chóng thành lập ban xây dựng quy chế tiền thưởng đối với viên chức và người lao động theo Nghị định số 73/2024/NĐ-CP.
Thành phần của ban xây dựng quy chế tiền thưởng bao gồm đầy đủ các đại diện quan trọng như ban giám hiệu, chủ tịch công đoàn, trưởng ban thanh tra nhân dân, các tổ trưởng chuyên môn và kế toán nhà trường. Việc xây dựng quy chế được thực hiện trên cơ sở bám sát hướng dẫn của Nghị định số 73/2024/NĐ-CP, đồng thời họp hội đồng thi đua, khen thưởng để lấy ý kiến và thông qua dự thảo quy chế khen thưởng cho đơn vị.
Đến thời điểm hiện tại, khi các quy chế đã được thống nhất, đội ngũ giáo viên của nhà trường vô cùng phấn khởi. Việc áp dụng chế độ tiền thưởng theo Nghị định số 73/2024/NĐ-CP là nguồn động viên quý giá, khích lệ các thầy cô tiếp tục nỗ lực giảng dạy với tinh thần hăng say và làm việc hiệu quả hơn trong công tác giáo dục”.
Theo cô Hằng chia sẻ, những năm trước, mức thưởng cho giáo viên tại trường dao động trong khoảng 5.000.000 - 6.000.000 đồng, tùy thuộc vào tình hình tài chính nhà trường và xếp loại thi đua cuối năm của mỗi thầy cô. Nguồn kinh phí thưởng chủ yếu đến từ ngân sách nhà nước cấp và khoản tiết kiệm chi tiêu nội bộ.
“Nhà trường đã xây dựng kế hoạch tài chính, quy chế chi tiêu nội bộ và thực hiện tiết kiệm chi tiêu ngay từ đầu năm, nhưng không đặt ra mức tối thiểu cụ thể cho khoản thưởng Tết.
Thay vào đó, tùy thuộc vào nguồn tiết kiệm chi cuối năm, hội đồng nhà trường sẽ họp để quyết định mức hỗ trợ cụ thể cho giáo viên. Cách làm này đảm bảo sự linh hoạt trong chi tiêu, quản lý tài chính, đồng thời giúp duy trì hiệu quả các hoạt động giáo dục và hỗ trợ cho học sinh một cách tốt nhất.
Trong suốt năm học, phần lớn ngân sách của nhà trường được ưu tiên sử dụng để phục vụ các hoạt động chuyên môn, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho học sinh tham gia các cuộc thi, chương trình bồi dưỡng học sinh giỏi. Mục tiêu xuyên suốt là đặt lợi ích của học sinh lên hàng đầu, xem sự phát triển toàn diện của các em là trọng tâm trong mọi kế hoạch chi tiêu.
Đến cuối năm, nếu công tác tiết kiệm chi được thực hiện hiệu quả, nhà trường sẽ dành ra một khoản để thưởng Tết cho giáo viên. Năm nay, theo Nghị định số 73/2024/NĐ-CP, khoản tiền thưởng cuối năm của thầy cô được kỳ vọng sẽ cao hơn so với các năm trước. Tuy nhiên, mức thưởng cụ thể vẫn chưa được công bố, vì nhà trường phải chờ đến ngày 31/1/2025 để hoàn tất các khoản thanh toán chi thường xuyên và tiến hành cân đối tài chính trước khi đưa ra quyết định cuối cùng”, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông A Lưới chia sẻ.
Cùng trao đổi về vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Công Nam, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Vinh Xuân (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết: “Nhà trường đã xây dựng quy chế khen thưởng cho đơn vị dựa trên Nghị định số 73/2024/NĐ-CP và sẽ thực hiện chi khen thưởng cho giáo viên theo đúng quy định.
Năm nay, ngoài các khoản tiền thưởng đột xuất và thường xuyên, giáo viên sẽ nhận thêm khoản thưởng Tết cuối năm với mức thưởng dự kiến cao hơn so với năm trước. Hàng năm, mức thưởng Tết tại trường dao động từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng mỗi thầy cô, tùy thuộc vào khả năng tiết kiệm chi thường xuyên và dựa trên xếp hạng thi đua, gồm các bậc: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ và hoàn thành nhiệm vụ.
Nguồn kinh phí chi trả chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, không có nguồn chi bổ sung từ các khoản thu khác. Bên cạnh đó, nhà trường luôn cố gắng thực hiện tiết kiệm tối đa để đảm bảo có một khoản tiền thưởng động viên tinh thần giáo viên vào dịp cuối năm”.
Trong khi đó, tại Trường Trường Trung học phổ thông Hóa Châu (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), thầy Đặng Trần Phong, hiệu trưởng nhà trường dự kiến tiền thưởng Tết dành cho giáo viên năm nay sẽ không có nhiều thay đổi so với các năm trước, vẫn duy trì ổn định ở mức từ 3.000.000 - 3.500.000 đồng/người.
“Mức thưởng Tết cho giáo viên tại trường được chi trả dựa trên kết quả thi đua, với các danh hiệu: Lao động tiên tiến, Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua cấp Bộ, Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Quy định này đảm bảo tính công bằng, khuyến khích sự cố gắng không ngừng và ghi nhận những cống hiến, đóng góp của các thầy cô, tạo động lực để họ tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm và sáng tạo trong sự nghiệp giáo dục.
Những năm trước, nhà trường đã duy trì kế hoạch thưởng Tết cho giáo viên dựa trên nguồn ngân sách nhà nước và tiết kiệm chi tiêu thường xuyên. Mọi quyết định liên quan đến mức tiền thưởng đều được thảo luận và thống nhất trong cuộc họp hội đồng thi đua, khen thưởng vào cuối năm”, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hóa Châu chia sẻ.