Tiền thu nhập tăng thêm, thưởng Tết cuối năm cho giáo viên lấy từ nguồn nào?

01/01/2024 06:48
NGUYÊN KHANG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hết năm, nếu cân đối được kinh phí mà còn dư, một số địa phương cho đơn vị chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, viên chức, nhân viên của nhà trường.

Thời điểm này, năm 2023 (dương lịch) đã hết cũng đồng nghĩa với việc kết thúc một năm tài chính đối với các trường học. Kinh phí hoạt động 1 năm của nhà trường vừa đủ hay thừa về cơ bản lãnh đạo, kế toán nhà trường đã biết nhưng phần lớn vẫn nằm trong vòng bí mật.

Vì thế, giáo viên thuộc các trường mầm non, phổ thông công lập gần như rất ít biết được thông tin này nên vẫn thường bàn tán tới đây sẽ được chia bao nhiêu tiền thu nhập tăng thêm hoặc nói theo cách dân dã là sẽ được “thưởng Tết” bao nhiêu. Vì tiền này, đa phần các trường sẽ giải ngân vào dịp cận Tết Nguyên đán.

Nhưng, khái niệm về tiền thu nhập tăng thêm hay “thưởng Tết” không phải địa phương nào, trường nào cũng có mà nó phụ thuộc vào chủ trương của địa phương và còn phụ thuộc vào tài chi tiêu của hiệu trưởng và kế toán nhà trường.

Nhiều trường học mặc dù cấp trên cho chi thu nhập tăng thêm nhưng hiệu trưởng và kế toán nhà trường rất “khéo” chi, nên các khoản chi trong năm vừa đủ với khoản thu đầu năm hoặc chỉ thừa chút đỉnh để có phần quà tượng trưng nên giáo viên cứ ngậm ngùi chờ đợi từ năm này sang năm khác.

Ảnh minh họa: Luật Việt Nam

Ảnh minh họa: Luật Việt Nam

Các trường công lập lấy kinh phí hoạt động từ nguồn nào?

Khác với các ngành nghề khác, các trường học công lập là đơn vị sự nghiệp nên hằng năm được nhận kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước cấp. Về cơ bản, đây là nguồn chính để duy trì hoạt động nhà trường, giúp cho nhà trường chi thường xuyên và chi không thường xuyên trong 1 năm (từ tháng 1 đến tháng 12).

Chính vì trường công lập hoạt động bằng kinh phí được cấp từ ngân sách nên thường được tính toán khá kĩ và qua nhiều cấp phê duyệt. Những địa phương có điều kiện thì mức cấp kinh phí hoạt động cho các nhà trường có phần rủng rỉnh hơn.

Những địa phương còn khó khăn, phụ thuộc nhiều từ ngân sách trung ương cấp về thì kinh phí cấp cho các nhà trường cũng hạn chế hơn.

Đối với các trường công lập hiện nay sẽ có các nguồn thu như sau: Kinh phí do nhà nước cấp; các khoản thu sự nghiệp dịch vụ như: học phí, căn tin, nhà xe, dạy thêm, thanh lý tài sản, tiền lãi gửi ngân hàng…

Từ nguồn kinh phí này, kế toán nhà trường sẽ cân đối các khoản chi cho đơn vị trong năm. Trong đó, các khoản như: chi lương và các loại phụ cấp cho cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường; tiền bảo hiểm xã hội; tiền thêm giờ, thêm buổi; khen thưởng…là các khoản chi cứng và chiếm số lượng nhiều nhất.

Bên cạnh đó, nhà trường còn có các khoản chi khác, như: sửa chữa nhỏ; phát thưởng một số phong trào; các dịch vụ vệ sinh; điện nước; cước điện thoại, internet, công tác phí…

Hết năm, nếu cân đối được kinh phí mà còn dư thừa thì một số địa phương cho đơn vị chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, viên chức, nhân viên của nhà trường.

Việc chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, viên chức, nhân viên ở các nhà trường thường theo hiệu quả công việc, xếp loại A, B, C (dựa trên thành tích hoặc xếp loại viên chức cuối năm) hoặc cũng có trường chia đều với nhau.

Tiền thu nhập tăng thêm đang thực hiện khác nhau giữa các địa phương, trường học

Theo dõi thông tin về việc chi thu nhập tăng thêm cho giáo viên những năm vừa qua, chúng tôi nhận thấy một số tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh; Bà Rịa-Vũng Tàu thường rất được chú trọng.

Chẳng hạn như ở Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa việc này vào Nghị quyết về việc chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức nên chuyện giáo viên các nhà trường được nhận thu nhập tăng thêm từ nhiều năm nay rất đều đặn và nhiều trường chi khoản này cho giáo viên khá lớn.

Chính vì có khoản thu nhập tăng thêm như vậy đã giúp cho đội ngũ nhà giáo có thêm khoản thu nhập ngoài lương vào dịp Tết Nguyên đán để chi tiêu trong gia đình. Song, cũng đồng thời giúp cho nhiều thầy cô giáo có thêm động lực để phấn đấu, cống hiến để có được các thứ hạng cao trong xét thi đua, đánh giá viên chức hằng năm.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, có nhiều tỉnh, thành hiện nay, nhất là một số tỉnh phía Bắc không có khoản chi thu nhập tăng thêm vào dịp cuối năm cho giáo viên. Vì thế, những nơi, những trường như vậy thì tiền thưởng, hoặc quà Tết chủ yếu dựa vào một phần kinh phí công đoàn của nhà trường do giáo viên đóng góp hàng tháng.

Một số địa phương khác thì cho các trường chi thu nhập tăng thêm cho giáo viên- nếu kinh phí hoạt động trong năm của nhà trường còn dư thừa nhưng nhà trường chi “vừa đủ” nên giáo viên cũng không được chi khoản này.

Vì thế, có những địa bàn trường có, trường không, trường có nhiều, trường có ít. Bức tranh chi thu nhập tăng thêm cho giáo viên cũng có nhiều màu sắc khác nhau. Tất nhiên, giáo viên nào cũng mong muốn cuối năm có một chút quà tết, nhất là tiền thu nhập tăng thêm, hoặc gọi nôm na là tiền thưởng nhưng nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.

Giáo viên trông chờ vào tài năng của hiệu trưởng và kế toán nhà trường

Chính vì nguồn kinh phí hoạt động mỗi năm được ngân sách nhà nước cấp về nên về cơ bản hiệu trưởng và kế toán nhà trường cũng phải tính toán, cân đối để làm sao hàng tháng giáo viên được nhận đủ đầy tiền lương, phụ cấp của mình.

Bên cạnh đó, trường học, nhất là trường lớn thường có rất nhiều những hoạt động khác nhau, phong trào khác nhau mà gần như phong trào nào cũng cần phải có tiền mới tổ chức được.

Nếu bớt các phong trào lại, bớt sửa chữa lại thì cuối năm có thể dư ra một ít tiền chi cho giáo viên nhưng có những cái không bớt được, bắt buộc phải sửa chữa, bắt buộc phải tổ chức phong trào. Vì thế, việc tính toán kinh phí ở những trường loại I- nơi có gần 100 cán bộ, giáo viên, nhân viên và hàng ngàn học sinh là cả bài toán khó.

Song, điều đó không có nghĩa khó là không tiết kiệm được. Chẳng hạn như việc sửa chữa hè hằng năm, mua sắm trang thiết bị dạy học và dịp đầu năm học mà hiệu trưởng, kế toán nhà trường tiết kiệm được, mua giá đúng với giá thị trường…sẽ tiết kiệm được kinh phí hoạt động của đơn vị.

Nhiều khoản tiền dịch vụ trong nhà trường, các loại hoa hồng từ các các loại bảo hiểm bán cho học sinh, giáo viên, tiền % dạy thêm trong nhà trường…nếu được chia sẻ quyền lợi vẫn có thể có một phần quà cho giáo viên.

Ông cha ta vẫn thường nói: “Một nén tiền công không bằng một đồng tiền thưởng” để thấy người lao động đi làm cả năm nên ai cũng mong muốn cuối năm có một chút tiền thu nhập tăng thêm, hoặc một phần quà nhỏ động viên để cùng nhau đón Tết, cùng nhau vui Xuân.

Song, thực tế những năm vừa qua cho thấy, có những nơi giáo viên nhận được vài chục triệu tiền thu nhập tăng thêm nhưng cũng nhiều nơi nơi, nhiều trường chẳng có đồng nào. Việc nhà trường chi một phần quà nhỏ không phải là kinh phí hoạt động của nhà trường mà kinh phí được trích từ kinh phí công đoàn trường- khoản tiền mà giáo viên đóng hàng tháng.

Mùa xuân lại đang về, giáo viên nhiều trường, nhiều nơi lại đang mong ngóng một khoản tiền thu nhập tăng thêm từ nhà trường. Song, thực tế không phải giáo viên trường nào cũng có trọn được niềm vui.

Khái niệm thưởng Tết đối với giáo viên nhiều khi xa quá nhưng nó sẽ rất gần nếu hiệu trưởng, kế toán nhà trường biết chi tiêu tằn tiện, biết chia sẻ quyền lợi với tập thể thì dù ít, dù nhiều giáo viên vẫn có thể có tiền “thưởng Tết”.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYÊN KHANG