Nhìn lại những con số nhảy múa khi triển khai chương trình, SGK mới

12/01/2023 06:37
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông được phê duyệt ngày 27/3/2015, Nhà nước bố trí 778,8 tỷ đồng thực hiện các nhiệm vụ trong đề án.

Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trước đó từng có tên Đề án “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015”.

Theo đó, tại Tờ trình số 41/TTr-CP ngày 21/2/2014 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận ký theo thừa ủy quyền của Thủ tướng về việc đề nghị ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông thể hiện khá rõ việc đề án này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị từ năm 2009.

Cụ thể, nội dung Tờ trình này nêu: “Ngày 19 tháng 01 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Đề án “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015” (Công văn số 71/VPCP-TH).

Từ tháng 6 năm 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẩn trương triển khai các nghiên cứu, chuẩn bị cho việc xây dựng một chương trình giáo dục phổ thông mới, áp dụng sau năm 2015". (trích Tờ trình số 41/TTr-CP ngày 21/2/2014).

Nói cách khác, đây chính là đề án 70 ngàn tỷ mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra xin ý kiến dư luận đầu tháng 6 năm 2011.

Tháng 6/2011, trả lời báo chí, ông Phạm Mạnh Hùng là Chánh Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo thời điểm đó đã cho biết: “Dự toán kinh phí là 70.000 tỷ đồng, trong đó số tiền chi cho việc biên soạn chương trình, sách giáo khoa chỉ khoảng hơn 960 tỷ (chưa đầy 1/70 tổng dự toán). Số tiền còn lại chi cho các việc khác như xây dựng cơ sở vật chất trường học khoảng 35 nghìn tỷ (chiếm 1/2 tổng dự toán).

Ngoài ra, việc mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học khoảng 30 nghìn tỷ (gần một nửa tổng dự toán) và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên khoảng 390 tỷ đồng” (1)

Tuy nhiên, khi đưa ra lấy ý kiến, đề án nói trên đã vấp phải sự phản ứng gay gắt của dư luận, sau đó Bộ Giáo dục và Đào tạo buộc phải rút lại đề án này.

Đến ngày 14/4/2014, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển trình Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với khái toán kinh phí 34 nghìn tỷ đồng.

Trong chiều ngày 16/4/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công bố chi tiết khái toán kinh phí đề án này.

Theo đó, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn của Bộ Giáo dục và Đào tạo thời điểm đó là ông Phạm Ngọc Phương cho biết: “Phần biên soạn chương trình, sách giáo khoa và sách giáo viên dự trù khoảng 105 tỷ đồng. Dạy thử nghiệm trên 340 ngàn học sinh là 910 tỷ đồng; triển khai đại trà 8.150 tỷ đồng; mua trang thiết bị dạy học 20.100 tỷ đồng; ứng dụng công nghệ thông tin 5.010 tỷ đồng”.

Tuy nhiên, Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mà Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội tháng 10/2014 để xin ban hành Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (sau này là Nghị quyết 88/2014/QH13), tại phần Phụ lục V có dự toán kinh phí tổng cộng là 462 tỷ đồng.

Ảnh chụp màn hình Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mà Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội tháng 10/2014

Ảnh chụp màn hình Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mà Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội tháng 10/2014

Đến ngày 15/10/2014, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thay mặt Chính phủ đọc Tờ trình số 407/TTr-CP về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông, xin bổ sung kinh phí 316,8 tỷ đồng, tổng cộng kinh phí dự kiến là 778,8 tỷ đồng, trong đó:

Phần kinh phí thực hiện xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa và thẩm định chương trình và sách giáo khoa giữ nguyên 462 tỷ đồng.

Phần dự toán bổ sung phần kinh phí hỗ trợ việc triển khai thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới là: 316,8 tỷ đồng (2).

Sau đó, ngày 28/11/2014 Quốc hội ra Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Gần nửa năm sau đó, ngày 27/3/2015, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 404/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Theo Quyết định này, Nhà nước sẽ bố trí cho ngành giáo dục 778,8 tỷ đồng để thực hiện các nội dung trong đề án.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho Chính phủ vay vốn Ngân hàng Thế giới 80 triệu USD (trong đó, vốn vay 77 triệu USD và vốn đối ứng 3 triệu USD). Theo tính toán, 80 triệu USD thời điểm đó tương đương khoảng 1.789 tỷ đồng.

Theo đó, đến ngày 8/4/2015 Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 455/QĐ-TTg phê duyệt danh mục Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông. Dự án có giá trị 80 triệu USD được chia làm 4 thành phần, gồm:

Phân chia kinh phí 80 triệu USD cho 4 thành phần Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, vay vốn Ngân hàng Thế giới. Đơn vị tính là USD. Ảnh chụp màn hình trên Báo VietnamNet.

Phân chia kinh phí 80 triệu USD cho 4 thành phần Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, vay vốn Ngân hàng Thế giới. Đơn vị tính là USD. Ảnh chụp màn hình trên Báo VietnamNet.

Đến ngày 22/6/2016, liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính đã ký ban hành Thông tư liên tịch số 21/2016/TTLT-BGDĐT-BTC về hướng dẫn nội dung và mức chi đặc thù Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP), quy định cụ thể mức chi từng nội dung liên quan thẩm định sách giáo khoa. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2016 (3).

Đến ngày 15/8/2019, Bộ trưởng Bộ Tài chính ký ban hành Thông tư 51/2019/TT-BTC về hướng dẫn xây dựng dự toán, thanh quyết toán kinh phí biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục của địa phương thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/9/2019 (4).

Theo nội dung của Dự án RGEP, trong số 80 triệu USD thì dành khoảng 16 triệu USD để biên soạn bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thực hiện.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2019, kế hoạch viết một bộ sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức bị “phá sản”.

Trả lời báo chí vào tháng 12/2019 về việc này, ông Nguyễn Xuân Thành - lúc đó là Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Giám đốc Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trong số 80 triệu USD thì khoảng hơn 16 triệu USD dành để biên soạn bộ sách giáo khoa do Bộ tổ chức thực hiện.

“Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông báo để tuyển các chủ biên, tác giả, biên tập viên nhằm thực hiện biên soạn một bộ sách giáo khoa nhưng không thực hiện được do không đủ ứng viên tham gia.

Trong khi đó, các nhà xuất bản đã chuẩn bị, hình thành được một số bộ sách giáo khoa lớp 1 và các lớp sau. Do đó, Bộ đã báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ không sử dụng ngân sách nhà nước biên soạn một bộ sách giáo khoa nữa, tức Bộ Giáo dục và Đào tạo không biên soạn bộ sách nữa”, ông Thành cho biết.

Cũng theo ông Thành, với sự bàn bạc, thống nhất của Ngân hàng Thế giới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang “tái cấu trúc” kinh phí với khoản 16 triệu USD này. Bởi nếu trả lại số tiền này thì sắp tới vẫn phải dùng ngân sách để chi cho một loạt hoạt động khác liên quan đến việc đổi mới chương trình phổ thông (5).

Liên quan đến “số phận” của khoản vay để thực hiện dự án nói trên, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, khi trả lời chất vấn tại hội trường vào ngày 6/11/ 2020, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Chính phủ phê duyệt kinh phí tổng thể cho dự án đổi mới chương trình, sách giáo khoa là 80 triệu USD, trong đó có 77 triệu USD từ nguồn vốn vay ODA và 3 triệu USD vốn đối ứng.

Trong cấu phần dành cho biên soạn sách giáo khoa như thiết kế ban đầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo Chính phủ là không sử dụng hết khoản tiền này. Theo đó Chính phủ đã báo cáo Quốc hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lại 16,5 triệu USD kinh phí xây dựng bộ sách giáo khoa để trong tài khoản của Ngân hàng Thế giới”.

Ngoài ra, ông Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, Bộ này đã rà soát tất cả chi phí không thiết thực liên quan đến việc tập huấn, các công việc không hiệu quả, đặc biệt trong mùa dịch Covid-19 vừa qua. Vì thế, Bộ này cũng đã xin trả lại Chính phủ với tổng số tiền trả lại là 29,7 triệu USD (6).

Đến tháng 8/2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014 và Nghị quyết số 51/2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 - 2022 trên phạm vi cả nước” (7).

Tiếp đó, ngày 24/9/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của đoàn giám sát - Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Báo cáo kế hoạch giám sát chi tiết tại cuộc họp hôm 24/9/2022, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh (Phó trưởng đoàn Thường trực đoàn giám sát) cho biết, điều kiện kinh phí đảm bảo cho chương trình này có sử dụng hiệu quả hay không cũng cần xem xét, đánh giá.

“Ví dụ, kinh phí vay để xây dựng bộ sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng cuối cùng không thực hiện được, phải trả lại cũng cần được xem xét”, ông Vinh nhấn mạnh (8).

Hiện nay, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành vẫn đang triển khai giám sát “Việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014-2022”.

Dự kiến, kết quả giám sát sẽ được đoàn báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 8/2023; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề và gửi báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

Tài liệu tham khảo:

(1) https://vtc.vn/bo-gddt-noi-gi-ve-de-an-70000-ty-dong-doi-moi-sgk-d40594.html

(2) https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/7788-ty-dong-thuc-hien-chuong-trinh-sach-giao-khoa-pho-thong-1412353351.htm

(3). https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-chinh-nha-nuoc/Thong-tu-lien-tich-21-2016-TTLT-BGDDT-BTC-huong-dan-muc-chi-dac-thu-ho-tro-doi-moi-giao-duc-pho-thong-325523.aspx

(4). https://lawnet.vn/thong-tin-phap-luat/chinh-sach-moi/tang-muc-chi-bien-soan-tham-dinh-tai-lieu-gd-dia-phuong-nam-2019-66677.html

(5). https://www.sggp.org.vn/tai-cau-truc-kinh-phi-16-trieu-usd-bien-soan-sach-giao-khoa-post539395.html

(6). https://dantocmiennui.vn/ky-hop-thu-10-quoc-hoi-khoa-xiv-ra-soat-kinh-phi-xay-dung-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi/297108.html

(7). https://vietnamnet.vn/thanh-lap-doan-giam-sat-ve-doi-moi-chuong-trinh-sach-giao-khoa-2054988.html

(8). https://vietnamnet.vn/giam-sat-viec-bien-soan-sach-giao-khoa-kinh-phi-doi-moi-chuong-trinh-giao-duc-2063400.html

Trung Dũng