Chuyện bồi dưỡng thường xuyên của ETEP cho giáo viên dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong thời gian vừa qua đã nhận được phản ứng trái chiều của dư luận.
Người viết nhận được chia sẻ của một giáo viên (đề nghị không nêu tên): “Anh ơi, coi lịch học bồi dưỡng Chương trình 2018 của chúng em có gớm ghê không?
Học đúng vào tuần 18, chúng em vừa coi thi, chấm thi, vô điểm, làm sổ sách, vừa học bồi dưỡng đó.
Giáo viên chúng em “tài năng” không? Vừa học bồi dưỡng, vừa coi thi, vừa chấm thi, vừa làm sổ sách cuối kì.
Nhưng chưa kinh khủng bằng giờ học, buổi trưa học đến 12 giờ, buổi chiều học đến 17 giờ 30 mới được nghỉ”.
Người viết không tin “dù đó là sự thật”, chỉ khi “mục sở thị” lịch học mới “không tin vào mắt mình”.
Ảnh chụp màn hình kế hoạch học bồi dưỡng mô đun 3, 4 do tác giả cung cấp |
Theo đó, lịch học trực tuyến bồi dưỡng Chương trình 2018 mô đun 3, mô đun 4 của địa phương mà đồng nghiệp cung cấp thông tin cho thấy đều được sở giáo dục lên lịch: buổi sáng từ 7 giờ 30 đến 12 giờ, buổi chiều từ 13 giờ 30 đến 17 giờ 30.
Có nên quy định thời gian học như thế không?
Giáo viên học bồi dưỡng Chương trình 2018 qua Zoom sẽ được theo dõi thời gian vào lớp, ra lớp, vì thế, để đảm bảo “chuyên cần”, giáo viên phải vào học đúng giờ, ra lớp đúng giờ.
Việc quy định giáo viên học trực tuyến đến 12 giờ là hoàn toàn hình thức. Có giáo viên nào có thể học liên tục từ 7 giờ 30 đến 12 giờ?
Ngay báo cáo viên cũng vậy thôi, không ai có thể đủ “năng lượng” để làm việc xuyên trưa như thế.
Việc quy định như thế chỉ là hình thức, báo cáo viên sẽ cho các nhóm trao đổi từ 11 giờ 30 đến 12 giờ, tức là “bán cái” giờ nghỉ cho nhóm.
Giáo viên trong các nhóm sẽ mở máy để đó, đến 12 giờ sẽ thoát ra, chứ thật ra chẳng ai tiếp tục trao đổi, vô hình trung quy định lịch học như thế gây phản cảm với giáo viên, tạo thêm bệnh hình thức cho giáo dục.
Quy định lịch học 8,5 giờ/ngày như thế là sai luật?
Lịch học trực tuyến bồi dưỡng chương trình 2018 mô đun 3, mô đun 4 của địa phương: buổi sáng từ 7 giờ 30 đến 12 giờ, buổi chiều từ 13 giờ 30 đến 17 giờ 30; như vậy, mỗi ngày giáo viên phải học tập 8 giờ 30 phút.
Nếu coi hoạt động học tập của giáo viên là lao động, như vậy, giáo viên phải lao động 8,5 giờ/ngày.
Theo quy định tại Điều 105 của Bộ Luật Lao động 2019, có hiệu lực vào ngày 01 tháng 01 năm 2021, thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
Như vậy, vô hình trung, sở giáo dục lên lịch học bồi dưỡng cho giáo viên như thế đã vi phạm Luật Lao động 2019.
Triển khai bồi dưỡng Chương trình 2018 mô đun 3, mô đun 4, khi đã dạy xong học kì 1, giáo viên đã triển khai kiểm tra đánh giá, soạn kế hoạch bài dạy cho nửa năm học rồi, vô hình trung đã làm cho chương trình bồi dưỡng thường xuyên trở nên hình thức, có cũng dạy được, không có cũng được.
Việc quy định thời gian học trong ngày bất hợp lý, thiếu thực tế lại càng làm cho “bệnh hình thức” trầm trọng hơn.
Để dạy thật, học thật đi vào cuộc sống, phải bắt đầu từ chương trình bồi dưỡng giáo viên trước.
Kiến nghị các cấp khi làm kế hoạch bồi dưỡng nói riêng, các kế hoạch khác nói chung, phải gắn với thực tế, nếu còn hình thức, chỉ phản tác dụng, gây áp lực không đáng có cho giáo viên.
Tài liệu tham khảo:
- Luật Lao động 2019
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.