Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa năm 1789 là một trong những chiến công hiển hách bậc nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.
Chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, đặc biệt trong 5 ngày đêm đầu tiên của mùa Xuân Kỷ Dậu, từ đêm 30 Tết đến trưa ngày mồng 5 Tết (tức là từ 25 đến 30/1/1789), bằng một trận quyết chiến chiến lược, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo kiệt xuất của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ đã quét sạch 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh ra khỏi bờ cõi, giữ vững nền độc lập dân tộc.
Trong những năm 80 của thế kỷ XVIII, sau khi đánh đổ ách thống trị của các thế lực phong kiến Nguyễn ở Đàng Trong và đánh bại cuộc xâm lược của quân Xiêm ở phương Nam, phong trào Tây Sơn phải gánh vác nhiệm vụ lịch sử trọng đại là đánh đổ tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh ở phía Bắc, tiếp đó là đánh đuổi quân xâm lược Mãn Thanh.
Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa khẳng định nghệ thuật quân sự tuyệt vời (Ảnh minh họa: congan.com.vn). |
Sau cuộc tiến quân lần thứ hai ra Bắc Hà để trừng trị Vũ Văn Nhậm do phản bội, và tổ chức lại bộ máy chính quyền mới, bố trí lực lượng trấn giữ Thăng Long, từ tháng 6/1788, Nguyễn Huệ trở lại Phú Xuân. Lúc này lực lượng Tây Sơn trấn giữ Bắc Hà khoảng 1 vạn quân.
Để khôi phục lại Lê Chiêu Thống, tháng 7 năm Mậu Thân (1788), Hoàng Thái hậu nhà Lê sang nhà Thanh xin cầu viện.
Vua Càn Long nhà Thanh theo lời tâu của Tổng đốc Tôn Sĩ Nghị liền điều động binh sĩ 4 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu hẹn ngày sang cứu viện.
Ngày 22/11/1788, quân xâm lược nhà Thanh gồm 29 vạn quân chia làm bốn đạo ồ ạt tiến vào nước ta.
Đạo thứ nhất là quân chủ lực do Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị chỉ huy đi qua Lạng Sơn vào cửa ải trấn Nam Quan. Trấn thủ Lạng Sơn là Đô đốc Nguyễn Văn Diệm lui quân. Đạo quân của Tôn Sĩ Nghị vào đến địa phận nước ta mà không gặp phải một trở ngại nào.
Đạo quân thứ hai do tri phủ Điền Châu Sầm Nghi Đống chỉ huy qua Cao Bằng tiến xuống. Đạo quân thứ ba do Đề đốc Ô Đại Kinh tiến sang qua đường Tuyên Quang. Đạo thứ tư theo hướng Quảng Ninh tiến vào đóng ở Hải Dương.
Đợt tiến quân của quân Thanh không gặp một trở ngại nào là vì kế hoãn binh của Ngô Thì Nhậm đồng loạt cho rút quân. Ngô Thì Nhậm là một mưu thần rất sắc sảo của Nguyễn Huệ.
Thấy quân giặc đông, Ngô Thì Nhậm chủ trương không đánh, chủ động rút lui để bảo toàn lực lượng, đồng thời nuôi chí khí kiêu binh và tư tưởng chủ quan của quân Thanh.
Tướng Ngô Văn Sở lại muốn dốc quân đánh giặc ngay từ khi chúng mới bước chân đến. Thấy vậy, Ngô Thì Nhậm liền nói: "Nay ta chủ động rút lui, không bị mất một mũi tên nào, đó là kế lùi một bước mà tiến hai bước, đợi khi chúng chủ quan, sơ hở, ta sẽ tiến công đánh cho chúng không còn mảnh giáp mà về, đó mới là kế hay".
Ngô Văn Sở nghe xong liền cho rút toàn bộ quân về Thăng Long, tổ chức một cuộc chuyển binh lớn trên sông Hồng, rồi cho thủy binh lui về đóng giữ ở Biện Sơn, Thanh Hóa, bộ binh thì lui về giữ ở núi Tam Điệp, Ninh Bình, như thế là cả thủy và bộ liên kết thành một phòng tuyến vững chắc.
Ngô Văn Sở liền đưa tin cấp báo về thành Phú Xuân cho Nguyễn Huệ. Nhận được tin, Nguyễn Huệ rất bình tĩnh bảo với ba quân: "Chó Ngô là cái thá gì. Chúng đến đây chỉ để tự đi đến chỗ chết. Việc gì phải cuống quýt làm vậy?" (Nguyễn Thu, Lê quý kỷ sự, Nxb Khoa học Xã hội, H.1974, tr. 120).
Sau khi nghe tin Tôn Sĩ Nghị đem quân vào chiếm nước ta, các tướng đã bàn với Nguyễn Huệ rằng: "Chúa công vừa có hiềm khích với vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc), dân chưa vững lòng tin cậy, nay nghe quân Thanh đến đánh như vũ bão tất sinh nghi ngại.
Chi bằng trước hãy chính danh hiệu ra ơn đại xá để yên lòng những kẻ phản trắc bên trong, sau để quang minh chính đại mà mang quân chống giặc bên ngoài".
Nghe theo lời khuyên của các tướng, ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (22-12-1788), Nguyễn Huệ mặc áo long cổn, đội mũ bình thiên, dẫn văn, võ bá quan làm lễ tế trời đất ở Bân Sơn, xưng làm hoàng đế, đổi niên hiệu Thái Đức năm thứ 11 thành niên hiệu Quang Trung năm thứ nhất (1788) để quang minh chính đại ra Bắc dẹp giặc.
Mười điểm nổi bật về thiên tài quân sự của Hoàng đế Quang Trung |
Ngay ngày hôm ấy, Hoàng đế Quang Trung dốc toàn bộ quân ở thành Phú Xuân thẳng tiến ra Bắc.
Khi đi qua Nghệ An, Hoàng đế Quang Trung cho quân dừng lại hơn 10 ngày để tuyển thêm binh sĩ và thăm dò ý kiến của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp.
Hàng vạn người hăng hái tham gia quân ngũ. Tổng số quân lên đến 10 vạn, chia làm 5 doanh. Một cuộc duyệt binh lớn đã được tổ chức tại dinh trấn Nghệ An.
Tại Thanh Hóa, nghĩa quân Tây Sơn được tiếp tục bổ sung thêm nhiều đinh tráng tự nguyện tòng quân diệt giặc, cứu nước.
Những người lính Tây Sơn mới tuyển được phiên chế trong những đạo "Trung quân", đặt ngay dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Với cách phiên chế dó, những người lính cũ lính mới không khác gì nhau về chính sách đãi ngộ cũng như về trách nhiệm.
Do đó, họ dễ dàng đoàn kết, trao đổi để nâng cao tinh thần chiến đấu và kỹ thuật, chiến thuật, đáp ứng yêu cầu của cuộc chiến đấu mới.
Vua Quang Trung lại cho người mang ra trước trao cho Tôn Sĩ Nghị thư giả vờ xin hàng, lời lẽ trong thư rất nhã nhặn, khiêm tốn.
Về phần Tôn Sĩ Nghị thì từ lúc qua cửa ải, thấy không một ai dám đánh nên vênh váo tự cho mình là giỏi.
Tôn Sĩ Nghị tuyên sắc thư của vua Càn Long phong Lê Chiêu Thống làm An Nam Quốc Vương, ban cho ấn vàng.
Nay nhận được thư của Nguyễn Huệ lại càng chủ quan, khinh suất, sai viết hịch bảo Nguyễn Huệ phải rút quân về Thuận Hóa chờ ngày xét hỏi, không được làm càn chuốc lấy tội.
Thấy Tôn Sĩ Nghị mắc mưu lơ là phòng thủ, vua Quang Trung cả cười thúc quân ngày đêm thần tốc ra Thăng Long.
Trên đường đi, vua Quang Trung - Nguyễn Huệ làm lễ "Thệ sư" (một hình thức động viên quân sĩ) ở Thọ Hạc (Thanh Hóa).
Vua Quang Trung ngồi trên đầu voi ra lệnh rằng: "Trong các quân của ta, ai muốn đánh thì phải vì ta mà giết hết lũ chó Ngô. Các ngươi hãy xem ta chỉ trong một trận sẽ giết được mấy vạn giặc cho coi. Các người hãy chờ xem. Không phải ta nói khoác đâu".
Tiếp đó, vua Quang Trung đã đọc bài hiểu dụ tướng sĩ với những lời tuyên bố đanh thép biểu thị cao độ ý chí độc lập tự chủ và quyết tâm tiêu diệt quân xâm lược:
Đánh cho để dài tóc,
Đánh cho để đen răng,
Đánh cho nó chích luân bất phản,
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn,
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.
Vua Quang Trung vừa dứt lời, tiếng dạ của chư quân tướng sĩ vang lên như sấm rung động cả núi rừng.
Khi đến trấn Sơn Nam, vua Quang Trung lại viết một bức thư khác gửi cho tướng giặc Tôn Sĩ Nghị, nhưng trong thư lần này, Quang Trung không tiếc lời mắng Tôn Sĩ Nghị là kẻ cướp nước và gọi Sĩ Nghị là Tôn điên.
Sĩ Nghị đọc thư xong thì tức tối sai Đề đốc Hứa Thế Hanh đem quân Tứ Dực đi trước đóng giữ các nơi hiểm yếu để bảo vệ thành Thăng Long.
Bốn đạo quân của quân Thanh đóng ở bốn vị trí Tây Long, Đống Đa, Hải Dương, Sơn Tây. Như vậy, Thăng Long là khu vực tập trung binh lực, trung tâm phòng thủ của địch.
Đại bản doanh của Tôn Sỹ Nghị đóng ở cung Tây Long có đạo quân chủ lực bảo vệ. Ở Đống Đa có đạo quân của Sầm Nghi Đống trấn giữ. Hai đạo quân Thanh đóng ở Sơn Tây và Hải Dương có nhiệm vụ bảo vệ phía tây bắc và phía đông nam của Kinh thành Thăng Long.
Đó là một hệ thống phòng thủ có chiều sâu, có trọng điểm nhưng phải bố trí trên tuyến dài nên dễ bị quân ta đánh chia cắt hoặc vu hồi. Mục đích của Tôn Sỹ Nghị là buộc quân Tây Sơn phải giao chiến từ xa Thăng Long.
Dựa trên sự bố trí của địch như vậy, Quang Trung quyết định chia đại quân Tây Sơn thành năm đạo quân cùng đánh vào khu vực Thăng Long:
Đạo chủ lực do Quang Trung trực tiếp chỉ huy đánh thẳng vào hệ thống ngòng ngự chủ yếu của địch ở phía Nam Thăng Long.
Đạo quân thứ hai do Đô đốc Bảo chỉ huy tiến ra Đại Áng (Thường Tín) có nhiệm vụ yểm trợ và phối hợp với đạo quân chủ lực.
Đạo thứ ba do Đô đốc Long chỉ huy bất ngờ tiêu diệt đồn Đống Đa rồi thọc sâu vào cung Tây Long nơi địch không ngờ tới và hiểm yếu nhất.
Đạo quân thứ tư do Đô đốc Tuyết chỉ huy vượt biển đánh vào Hải Dương.
Đạo quân thứ năm do Đô đốc Lộc chỉ huy là mũi bao vây chiến lược chặn đường rút lui của quân Thanh từ Thăng Long về Quảng Tây và sẵn sàng đánh chặn quân tiếp viện từ Quảng Tây sang bằng đường biển.
Với năm đạo quân được bố trí như trên, Quang Trung hình thành một thế trận gồm nhiều tầng nhiều lớp, kết hợp chặt chẽ giữa tiến công chính diện với thọc sâu, bao vây vu hồi.
Từ thế trận đó, Quang Trung đã chọn những đồn quan trọng trong hệ thống phòng ngự của Tôn Sỹ Nghị như Hà Hồi, Ngọc Hồi và Đống Đa, tập trung lực lượng đánh vào các điểm đó.
Khi cuộc chiến bắt đầu, theo kế hoạch tác chiến của Quang Trung đã hình thành rõ rệt thế trận bao vây rộng lớn toàn khu vực Thăng Long, cũng như các đường rút lui của địch đều có quân Tây Sơn phục kích, bủa vây.
Một cánh do Đô đốc Long chỉ huy từ làng Nhân Mục tập kích đồn Khương Thượng và phía tây Thăng Long. Cánh Đô đốc Bảo tiến đánh các đồn phía nam Thăng Long. Trung quân do đích thân Quang Trung chỉ huy, phối hợp với Đô đốc Bảo đánh diệt các đồn phía nam Thăng Long. Cánh Đô đốc Tuyết và Đô đốc Lộc theo đường biển ra Bắc, chặn đường rút lui của địch ở phía bắc sông Nhị Hà và huyện Phượng Nhãn.
Vào đêm giao thừa đón chào năm mới - năm Kỷ Dậu (1789), tại cung Tây Long bên bờ sông Nhị, Tôn Sĩ Nghị cùng bọn tướng soái quân Thanh đang mở yến tiệc hát xướng để đón xuân và mừng "chiến thắng".
Trước đó, Lê Chiêu Thống cũng đã dâng lên "quan đại soái của thiên triều" lễ vật nhiều gấp đôi lễ thết sứ thần sang phong vương. Khắp các doanh trại, đồn lũy, quân địch đều chúi đầu vào chè chén hay cờ bạc say sưa.
Chính vào lúc đó - giữa đêm 30 Tết - đạo quân chủ lực của Quang Trung vượt sông Gián, mở màn cuộc đại phá quân Thanh. Tiền quân Tây Sơn bất ngờ tiến công tiêu diệt đồn tiền tiêu của địch ở Gián Khẩu. Đồn này do một đội quân Lê Chiêu Thống đóng giữ.
Quân địch hoảng sợ, tan vỡ và bỏ chạy ngay từ đầu. Quân Tây Sơn thừa thắng tiến lên, nhanh chóng tiêu diệt luôn các đồn quân Thanh ở bờ bắc sông Nguyệt Quyết và Nhật Tảo.
Những toán quân Thanh do thám "từ đằng xa trông thấy bóng cũng chạy nốt". Quang Trung ra lệnh truy kích ráo riết. Quân Tây Sơn đuổi đến Phú Xuyên (Hà Nội) thì bắt gọn được toàn bộ tàn quân và bọn lính do thám của địch, không để tên nào trốn thoát.
Quân Tây Sơn đã tiến đến Phú Xuyên (cách Thăng Long trên 30 kilômét), phá tung gần hai phần ba tuyến phòng thủ của địch mà quân Thanh từ đồn Hà Hồi trở ra vẫn không biết gì hết.
Bằng lối đánh bất ngờ, tiêu diệt gọn, truy kích triệt để, Quang Trung đã phong tỏa tin tức, giấu kín được cuộc tiến công của mình để tiếp tục phát huy thời cơ, tận dụng yếu tố bất ngờ.
Nửa đêm ngày mồng 3 Tết Kỷ Dậu (tức ngày 28/1/1789), quân Tây Sơn bí mật bao vây đồn Hà Hồi (Thường Tín). Đây là một đồn quan trọng của quân Thanh cách Thăng Long khoảng 20 kilômét.
Theo kế hoạch của Quang Trung, quân Tây Sơn sau khi vây chặt đồn trại của địch rồi bắc loa gọi hàng. Khắp bốn mặt đồn, "tiếng quân lính luân phiên nhau dạ ran để hưởng ứng, nghe như có hơn vài vạn người".
Quang Trung chỉ sử dụng một bộ phận của đạo quân chủ lực, nhưng bằng hành động bí mật, bất ngờ, kết hợp bao vây uy hiếp dữ dội với biện pháp gọi hàng, làm cho quân địch "ai nấy rụng rời, sợ hãi, liền xin ra hàng".
Chỉ trong chốc lát, quân Tây Sơn đã diệt gọn đồn Hà Hồi, thu được rất nhiều vũ khí, lương thực.
Quân Tây Sơn tạm đóng quân ở phía nam Hà Hồi, trên một khu đất cao ráo, rộng rãi gồm cánh đồng Cung và những cánh đồng xung quanh. Đây là vị trí tập kết của đạo quân chủ lực trước khi bước vào trận quyết chiến tiêu diệt đồn Ngọc Hồi.
Sau khi đồn Hà Hồi bị tiêu diệt, sáng ngày mồng 4 Tết (ngày 29/1/1789), Tôn Sĩ Nghị nhận được tin cáo cấp của đồn Ngọc Hồi: "Quan quân ở đồn Hà Hồi đều bị quân Tây Sơn đánh úp bắt hết cả. Ở đấy cách đồn Ngọc Hồi không xa, sớm chiều thế nào cũng bị đánh tới".
Tin sét đánh đó làm cho quân Thanh vô cùng hoảng hốt. Chúng nói với nhau: "Thật là tướng ở trên trời xuống, quân ở dưới đất chui lên" (Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí).
Bản thân Tôn Sĩ Nghị tuy có phòng bị trước, nhưng cũng hết sức kinh ngạc trước lối đánh thần tốc của quân Tây Sơn. Khi được tin cấp báo, hắn "rút kiếm chém xuống đất nói rằng: Sao mà thần đến thế!".
Tôn Sĩ Nghị cố trấn tĩnh để tìm cách đối phó. Trước hết, hắn ra lệnh lập tức tăng viện cho đồn Ngọc Hồi.
Lãnh binh Quảng Tây là Thang Hùng Nghiệp và viên hàng tướng Tây Sơn là Phan Khải Đức được lệnh đem một đội quân "cần vương" của Lê Chiêu Thống xuống tăng cường lực lượng cho đồn Ngọc Hồi.
Tôn Sĩ Nghị còn đặc biệt phái 20 kỵ binh trong đội hầu cận của hắn theo Thang Hùng Nghiệp xuống Ngọc Hồi với nhiệm vụ "trong khoảng chốc lát, phải tiếp tục báo tin về ngay".
Tối ngày mồng 3, sáng mồng 4 Tết, đạo quân chủ lực của Quang Trung đã tập kết đầy đủ tại cánh đồng Cung ở phía nam Hà Hồi.
Cũng vào khoảng thời gian đó, theo kế hoạch hiệp đồng đã vạch ra ở Tam Điệp, đạo quân của đại đô đốc Bảo cũng tập kết tại Đại Áng (xã Thanh Hưng, Thường Tín) ở phía tây - nam Ngọc Hồi.
Đạo quân của đại đô đốc Bảo đi theo con đường núi ra Vân Đình (Ứng Hòa), rồi theo con đường ngày nay là quốc lộ 22 ra ngã tư Vác (Thanh Oai) và từ đó, đi theo con đường qua các làng Canh Hoạch, Tri Lễ, Úc Lý, Dư Dụ (đều thuộc Thanh Oai), rồi qua cầu Sấu trên sông Nhuệ đến Đại Áng.
Con đường này không cách xa con đường thiên lý (con đường hành quân của đạo quân chủ lực) bao nhiêu.
Trục vận động và địa điểm tập kết thể hiện rõ ý định của Quang Trung sử dụng đạo quân của đại đô đốc Bảo như một lực lượng tiếp ứng cho đạo quân chủ lực trên hướng tiến công chủ yếu.
Quang Trung quyết định sử dụng đạo quân của đại đô đốc Bảo vào trận công phá và tiêu diệt đồn Ngọc Hồi.
Sự phối hợp hai đạo quân - đạo quân chủ lực và đạo quân tiếp ứng - đã cho phép Quang Trung tạo nên một ưu thế binh lực tương đối so với quân địch. Tuy vậy, trước mặt quân Tây Sơn là một đồn lũy phòng thủ kiên cố có công sự bảo vệ, có binh lực tập trung, hỏa lực mạnh.
Căn cứ vào sự bố trí lực lượng và diễn biến của trận đánh thì kế hoạch công phá đồn Ngọc Hồi như sau:
- Đại bộ phận đạo quân chủ lực do Quang Trung đích thân chỉ huy sẽ mở cuộc tiến công chính diện và mãnh liệt vào mặt nam đồn Ngọc Hồi.
Toàn bộ lực lượng tượng binh, đại bộ phận bộ binh, kỵ binh và hỏa pháo được tập trung vào mũi tiến công quyết liệt này.
- Số quân địch từ Ngọc Hồi chạy về Thăng Long phải đi theo hoặc con đường thiên lý qua đồn Lưu Phái, Văn Điển, hoặc đường đê sông Nhị, hoặc "đường cái cao" theo bờ sông Tô Lịch qua Quỳnh Đô lên Văn Điển.
Chúng có thể tháo chạy theo một trong ba con đường đó mà thuận lợi nhất là con đường thiên lý, cũng có thể tháo chạy tán loạn theo cả ba con đường.
Quang Trung quyết định chọn đầm Mực - một cái đầm lớn, lầy lội ở làng Quỳnh Đô - làm trận địa tiêu diệt bọn quân địch tháo chạy.
- Đạo quân của đại đô đốc Bảo từ Đại Áng được lệnh bí mật tiến lên, sẵn sàng chi viện cho đạo quân chủ lực nếu việc công phá đồn Ngọc Hồi gặp khó khăn, nhưng nhiệm vụ chủ yếu là bày sẵn một thế trận bao vây, tiêu diệt toàn bộ tàn quân địch ở đầm Mực (làng Quỳnh Đô).