LTS: Nhân dịp kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, hôm nay, học trò Phạm Minh có bài viết về người thầy đã để lại trong lòng tác giả nhiều ấn tượng mạnh mẽ trong cuộc đời học sinh.
Bài viết thể hiện tấm lòng mà người học trò gửi tới thầy giáo người nước ngoài.
Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả tấm lòng của cậu học trò này.
Trong những năm học đại học, tôi có vinh dự được học với nhiều thầy cô giáo giỏi, tâm huyết. Các thầy cô để lại cho tôi nhiều ấn tượng mạnh mẽ.
Tiếc rằng tôi ít có điều kiện gặp lại những thầy cô của mình cùng ôn lại biết bao kỉ niệm. Trong số các thầy cô giáo, tôi có ấn tượng đặc biệt với một thầy giáo người nước ngoài. Thầy đã đi vào tâm thức tôi và hàng năm tôi vẫn bồi hồi nhớ thầy.
Hồi đó, vào thập kỉ 90 của thế kỉ trước, việc sinh viên chúng tôi học với thầy giáo nước ngoài là một điều còn hiếm hoi.
Năm ấy, chúng tôi học về chuyên đề Toán Sinh. Nói một cách dễ hiểu đây là một phân môn áp dụng những lí thuyết toán học để giải quyết các bài toán về sinh học.
Thầy giảng dạy phân môn này là thầy Chu Đức. Thầy từng nghiên cứu ở nước ngoài và có một người bạn là giáo sư người Đức tên là Dieter Sumpf.
Ảnh GS. Sumpf chụp chung với lớp Toán - Cơ K41 trong lần đi vườn Cúc Phương năm 1999 |
Vì vậy, thầy Đức có mời giáo sư Sumpf đến giảng dạy cho lớp tôi một thời gian. Dù thời gian chỉ là một tháng, song những kỉ niệm về ông Dieter Sumpf vẫn tràn ngập trong lòng mỗi sinh viên lớp tôi.
Năm ấy được học với thầy giáo nước ngoài, người Tây lại là niềm vinh dự cho mỗi sinh viên chúng tôi. Vì vậy ai cũng háo hức chờ đợi. Rồi thầy giáo cũng đến. Điều đầu tiên chúng tôi thấy là thầy to cao nhưng tấm lòng đôn từ, nhân hậu.
Tuy là người Đức nhưng thầy lại giảng bài bằng tiếng Anh. Thầy nói tiếng Anh chưa được thạo cộng thêm với trình độ tiếng Anh của lớp tôi ngày đó còn kém nên những giờ thầy giảng phải nhờ phiên dịch.
Song chị phiên dịch nhiều từ không có chuyên môn nên có những lúc còn gặp trở ngại.
Với các thầy cô, đảo đã là nhà, học trò, nhân dân và chiến sĩ là gia đình lớn(GDVN) - Ngày 11/11, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh gặp mặt 42 giáo viên tiêu biểu vùng biển đảo được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô". |
May sao bạn lớp trưởng lớp tôi có một trình độ tiếng Anh nhất định nên phiên dịch trôi chảy. Dù không được hiểu nhiều song các bạn sinh viên lớp tôi đều chăm chú lắng nghe. Thầy kể, thầy từng biên tập 80 đầu sách.
Trong thời gian học này một kỉ niệm đáng nhớ là sinh viên lớp tôi cùng người thầy này và một số thầy đi thực tế tại Vườn quốc gia Cúc Phương.
Mục đích đi lần này là để sinh viên có kiến thức thực tế với bài học, đồng thời áp dụng những lí thuyết toán học đã học để nghiên cứu những vấn đề khoa học, chẳng hạn dùng lí thuyết phương trình sai phân để xác định tuổi thọ các cây cổ thụ ở khu rừng đó.
Nhưng đáng tiếc là thời điểm chúng tôi đi lại xảy ra một trận lũ lịch sử, một trận đại hồng thủy gây ra lũ lụt cho các tỉnh miền Trung vào đầu tháng 11.
Vì vậy kế hoạch không thực hiện được, song những kỉ niệm với giáo sư Diter Sumpt thì không bao giờ chúng tôi quên được.
Trên đường tới Cúc Phương, tôi có may mắn được ngồi gần giáo sư. Tuy không thông thạo tiếng Anh lắm nhưng tôi và thầy vẫn trò chuyện. Có những từ tôi phát âm không chuẩn, thầy còn mở từ điển để tôi chỉ vào đó.
Vậy mà suốt cuộc hành trình trên xe, tôi thấy thầy như một người cha ân cần và rất thân thiện. Tôi còn nhớ cái buổi tối đầu tiên tại đó lớp tôi ăn tối ở đó.
Vì là người Tây, thầy không quen ăn đũa nên cứ lóng ngóng. Mọi người thấy vậy đưa thìa nhưng thầy nhất định không dùng. Thầy bảo muốn được theo phong tục Việt Nam.
Sáng hôm sau, theo lịch trình chúng tôi đi tham quan khu vườn để hiểu biết thêm về hệ sinh thái ở đây. Nhưng vì trời mưa tầm tã nên mọi người phải lùi thời gian lại.
Song không chờ được do mưa qua lâu, ai nấy đều phải khoác áo mưa đi. Hôm đó, đường rừng rất trơn và nhiều vắt. Giáo sư Dieter Sumpf có thân hình khá to nên đi lại rất khó khăn.
Thực tế là Giáo sư đã bị ngã và các bạn lớp tôi phải vất vả lắm thì mọi người mới dìu thầy lên được. Lúc đi trong rừng thầy bị vắt cắn nhưng thầy không biết, đến lúc về lên xe chúng tôi mới thấy người thầy lê lết máu.
Thấm thoát rồi ngày chia tay người thầy đáng kính cũng đến. Mọi người không muốn xa nhưng biết làm sao được.
Thầy hẹn đến tháng ba năm sau sẽ tới trường. Khi đến, thầy ôm lấy chúng tôi chụp ảnh. Tiếc rằng tôi không có thời gian được gặp lại thầy nữa, một người thầy người nước ngoài rất nhân từ, đôn hậu.
Hằng năm cứ đến tháng 11, tôi lại bồi hồi nhớ về người thầy ấy và mong một ngày gặp lại. Thầy ơi, dù ở phương trời này chúng em vẫn nhớ tới thầy nhiều lắm.
Em mong thầy vẫn được mạnh khỏe và ước mong có một ngày chúng em được gặp lại thầy.