Nhóm học trò Hà Nội giành HCV nhờ nghiên cứu bảo vệ sức khoẻ nghệ nhân làng nghề

27/02/2023 06:31
Anh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Mới đây, nhóm thí sinh gồm em Bùi Đức Khiêm, Trần Hạnh Nguyên, Nguyễn Việt Long đã xuất sắc giành HCV tại cuộc thi ICPC năm 2023.

Vừa qua, cuộc thi Khoa học kỹ thuật Olympic phát minh và Hội thảo quốc tế về công trình khoa học sáng tạo (ICPC) năm 2023 đã được tổ chức tại Seoul - Hàn Quốc.

Với mục đích khơi dậy tiềm năng, phát huy tư duy sáng tạo của thanh, thiếu niên; đồng thời giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng, vun đắp cho ước mơ trở thành nhà sáng chế trong tương lai, cuộc thi đã thu hút 28 nước tham gia ở nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau, gồm 167 thí sinh thuộc 66 đội thi.

Tại đây, nhóm thí sinh ở Hà Nội gồm em Bùi Đức Khiêm (lớp 10 Trường Trung học phổ thông Chất lượng cao Lê Lợi), Trần Hạnh Nguyên (lớp 11 Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Huệ), Nguyễn Việt Long (lớp 11 Trường Trung học phổ thông Xuân Phương) với đề tài: “Hệ thống gắn giám sát môi trường, sử dụng năng lượng mặt trời đảm bảo sức khỏe và an toàn lao động tại các xưởng thủ công truyền thống ở làng lụa Vạn Phúc, Việt Nam” đã xuất sắc đạt huy chương vàng của cuộc thi.

Từ trái qua phải là em Trần Hạnh Nguyên, em Nguyễn Việt Long, em Bùi Đức Khiêm. Ảnh: NVCC

Từ trái qua phải là em Trần Hạnh Nguyên, em Nguyễn Việt Long, em Bùi Đức Khiêm. Ảnh: NVCC

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, em Trần Hạnh Nguyên - nhóm trưởng của nhóm đề tài cho biết, các thành viên biết đến nhau do được thầy cô giáo kết nối. Từ đó, nhóm bắt đầu lên ý tưởng từ giữa tháng 8/2022 và hoàn thành đề tài vào tháng 1/2023.

Nguyên cho hay, bản thân em sinh ra và lớn lên tại một làng nghề nổi tiếng của Việt Nam - làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông).

Theo sự phát triển của đất nước, làng nghề Vạn Phúc cũng thay đổi theo hướng quy mô, hiện đại hơn. Từ một làng nghề truyền thống thuần nông nằm ở ven đô thị, nay đã được quy hoạch trở thành phố làng.

Tuy nhiên, từ lâu, nữ sinh đã luôn canh cánh câu hỏi: “Làm thế nào để bảo vệ sức khỏe cho những người thân yêu của em khỏi môi trường lao động ô nhiễm khi họ đang bảo tồn và gìn giữ nét đẹp truyền thống?”

Đây cũng chính là ý tưởng để nhóm triển khai thực hiện đề tài.

“Cùng với sự phát triển kinh tế của các làng nghề, điều kiện sinh sống của những con người nơi đây đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường, do tác động của việc sản xuất các sản phẩm làng nghề gây ra.

Với việc thiết kế sản phẩm “Hệ thống gắn giám sát môi trường, sử dụng năng lượng mặt trời đảm bảo sức khỏe và an toàn lao động tại các xưởng thủ công truyền thống ở làng lụa Vạn Phúc” này, chúng em mong muốn đóng góp sức mình trong việc bảo vệ sức khoẻ của những người thợ, những nghệ nhân nói riêng, nhân dân ở đây nói chung.

Đồng thời qua đó, chúng em hi vọng có thể nâng cao ý thức của mọi người trong việc bảo vệ môi trường lao động và góp tiếng nói cho việc chống biến đổi khí hậu hiện nay”, Nguyên nói.

Cụ thể, nhóm cùng nhau xây dựng thiết bị ứng dụng các công nghệ điện tử tự động và công nghệ thông tin để giám sát và đưa ra cảnh báo cho xưởng dệt lụa của nghệ nhân tại làng nghề Vạn Phúc.

Hệ thống có các chức năng là giám sát, cảnh báo và giảm thiểu các nguy cơ rủi ro, nguy cơ ô nhiễm cho người lao động trong quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, sẽ thu thập dữ liệu định kỳ nhằm mục đích thống kê, báo cáo. Hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời thay cho điện lưới, vừa tiết kiệm chi phí vừa góp phần nâng cao ý thức sử dụng năng lượng sạch.

Ngoài ra, hệ thống còn có các yếu tố khác như nhỏ gọn, dễ lắp đặt, dễ dàng vận hành, bảo trì, bảo dưỡng, giá thành hợp lý, mang lại hiệu quả lâu dài.

Toàn bộ gồm hệ thống gồm ba phần chính: Khối giám sát, để quan trắc, cảnh báo và hạn chế nguy cơ; Khối thông tin, sẽ tự động thu thập thông tin và tải lên website nhằm mục đích thống kê, xử lý dữ liệu; Khối nguồn, sử dụng và lưu trữ nguồn năng lượng sạch, năng lượng mặt trời.

Chia sẻ về hành trình đến với cuộc thi, các thành viên trong nhóm đều cảm thấy đây là một trải nghiệm quý giá, ý nghĩa.

Khi thực hiện đề tài, nhóm gặp khá nhiều trở ngại, cụ thể trong việc làm quen với phần cứng IT, lắp đặt phần cứng demo, khảo sát thực địa ở làng lụa Vạn Phúc, thu thập dữ liệu và viết báo cáo,...Trong quá trình thực hiện và triển khai các bước của đề tài, các thành viên còn nhiều bỡ ngỡ, tuy nhiên, nhờ sự hướng dẫn tận tình của các thầy cô giáo, đặc biệt là hai thầy cô hướng dẫn ở Đại học Bách Khoa Hà Nội là thầy Nguyễn Việt Anh và cô Đào Lê Thu Thảo, nhóm dần làm quen và triển khai đề tài một cách trơn tru hơn.

Gặp không ít khó khăn nhưng đây cũng chính là khoảng thời gian để lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ đối với từng thành viên trong nhóm.

Dù bận rộn với việc học trên lớp nhưng các thành viên trong nhóm vẫn cố gắng sắp xếp thời gian rảnh để cùng thảo luận, thực hiện đề tài. Ảnh: NVCC

Dù bận rộn với việc học trên lớp nhưng các thành viên trong nhóm vẫn cố gắng sắp xếp thời gian rảnh để cùng thảo luận, thực hiện đề tài. Ảnh: NVCC

“Việc sắp xếp thời gian thực hiện đề tài rất quan trọng vì các thành viên trong nhóm đến từ ba trường học khác nhau. Dù khá bận rộn với việc học trên trường, tuy nhiên mỗi tuần, nhóm em vẫn cố gắng bố trí một buổi gặp mặt trực tiếp để cùng nhau thảo luận, triển khai đề tài.

Có những thời điểm, chúng em cùng nhau đi khảo sát thực địa, được thực nghiệm, chạy thử hệ thống, cũng như được gặp gỡ trò chuyện với các nghệ nhân nổi tiếng ở làng lụa Vạn Phúc. Đây là những trải nghiệm vô cùng ý nghĩa, không chỉ là cơ hội để nhóm áp dụng kiến thức vào thực tiễn mà mỗi thành viên trong nhóm còn được cải thiện về kỹ năng mềm, học hỏi được thêm nhiều tri thức quý giá”, một thành viên trong nhóm chia sẻ.

Để chuẩn bị tốt nhất cho phần trình bày tại cuộc thi, nhóm đã tập luyện tại nhà rất nhiều lần để diễn đạt được rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu nhất. Dù cảm thấy khá run trước khi bước vào thi nhưng ngay sau đó, nhóm nhanh chóng lấy lại sự tự tin.

“Nhóm không đặt nặng việc phải giành được huy chương vàng của cuộc thi nhưng luôn đề cao tinh thần “cố gắng hết sức, làm hết mình” và coi đó là một thành công lớn.

Vì vậy, khi biết đề tài giành được huy chương vàng, chúng em đã rất bất ngờ nhưng cũng cảm thấy vô cùng tự hào vì mỗi thành viên đã nỗ lực làm tốt nhất khả năng của mình; biết ơn sự dìu dắt từ các thầy cô giáo và sự cổ vũ từ gia đình.

Có cơ hội được tham dự một kỳ thi lớn, được giao lưu gặp gỡ với những đối thủ “nặng ký” cùng nhiều đề tài xuất sắc là một điều vô cùng may mắn. Từ đó, chúng em càng có động lực để cố gắng, phát triển hơn nữa.

Qua kỳ thi này, mỗi thành viên đều cảm thấy bản thân trưởng thành hơn rất nhiều và có được những trải nghiệm thú vị, ý nghĩa”, Nguyên nói.

Hiện tại, các thành viên trong nhóm đã quay trở lại với việc học tập ở trường sau một khoảng thời gian khá dài tập trung hoàn thành cuộc thi. Trong tương lai, khi có điều kiện, nhóm mong muốn có thể phát triển và mở rộng đề tài để mang lại ý nghĩa tới nhiều đối tượng hơn.

Anh Trang