Với yêu cầu tăng năng suất lao động đòi hỏi máy móc, thiết bị gọn nhẹ, linh động và thông minh, lĩnh vực công nghệ chế tạo máy ngày càng có vai trò quan trọng. Tuy nhiên, việc thiếu thiết bị máy móc đáp ứng yêu cầu hiện đại là khó khăn trong đào tạo ngành học này.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Lý Việt Anh - Trưởng Bộ môn Công nghệ Kỹ thuật Cơ khí, Khoa Công nghệ Cơ điện và Điện tử, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) đã có những chia sẻ về ngành Công nghệ Chế tạo máy.
Về công tác tuyển sinh, thầy Việt Anh cho biết, những năm gần đây, ngành Công nghệ Chế tạo máy của trường tuyển sinh đạt chỉ tiêu đề ra (năm 2022, chỉ tiêu tuyển sinh của ngành là 60 chỉ tiêu; năm 2023, chỉ tiêu tuyển sinh của ngành là 50 chỉ tiêu).
"Ngành Công nghệ Chế tạo máy có tên gọi ít mĩ miều, tính chất công việc nặng nhọc nên nếu không được định hướng từ trước của gia đình thì sinh viên thường sẽ chọn các ngành công nghệ kỹ thuật khác như: Điện tử viễn thông, Công nghệ ô tô,...", thầy Việt Anh chia sẻ.
Sinh viên Khoa Cơ - Điện, Trường Đại học Mỏ Địa chất. (Ảnh: website nhà trường). |
Cũng theo thầy Việt Anh, ngành Công nghệ Chế tạo máy của Khoa trang bị cho người học kiến thức khoa học cơ bản, kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành cốt lõi về công nghệ chế tạo máy. Sinh viên học ngành Công nghệ Chế tạo máy có khả năng lập trình quy trình sản xuất, chế tạo, lắp ráp các sản phẩm cơ khí; vận hành, bảo trì các thiết bị kỹ thuật trong quá trình sản xuất sản phẩm cơ khí.
"Ngành Công nghệ Chế tạo máy là ngành cốt lõi cho tất cả các ngành công nghiệp khác vì dù có công nghệ, có điện tử mà không có linh kiện, máy móc thì cũng không thể vận hành thiết bị được.
Thực tế, các doanh nghiệp rất cần tuyển dụng nhân lực ngành Công nghệ Chế tạo máy nhưng số lượng sinh viên của ngành tốt nghiệp hàng năm không đáp ứng đủ; có một số doanh nghiệp ở Nhật Bản, Hàn Quốc hiện nay không tìm được nhân lực lĩnh vực chế tạo máy do thu nhập của người lao động ngành này ở trong nước cơ bản phù hợp với mức sống"
_Thạc sĩ Lý Việt Anh_
Thầy Việt Anh cũng cho rằng, sinh viên ngành Công nghệ Chế tạo máy sau khi ra trường nếu làm việc ở doanh nghiệp trong nước sẽ có thu nhập khoảng 14-15 triệu đồng/tháng (mức trung bình khá). Còn nếu làm việc ở doanh nghiệp nước ngoài sẽ có mức thu nhập cao hơn. Ví dụ, thu nhập của người lao động ngành chế tạo máy ở Nhật Bản hiện nay từ 48-50 triệu đồng/tháng.
Về chương trình đào tạo, thầy Việt Anh cho biết, chương trình được đổi mới theo hướng đẩy mạnh thực hành, trải nghiệm thực tế (sinh viên có 8 tuần làm việc ở các công ty liên doanh) cho sinh viên.
Tuy nhiên, để sáng tạo ra các loại máy mới cũng khá tốn kém. Trong khi đó, nhà trường không đủ điều kiện để hỗ trợ 100% cho sinh viên nên nếu muốn làm đề tài tốt nghiệp (chế tạo ra máy móc hiện đại), sinh viên phải tự bỏ tiền để làm. Điều này phần nào làm giảm sức hấp dẫn của ngành Công nghệ Chế tạo máy nói chung.
Chỉ ra thêm một số khó khăn, theo thầy Việt Anh, hiện sinh viên ngành Công nghệ Chế tạo máy của Khoa chủ yếu chế tạo các loại máy phục vụ nông nghiệp như máy cấy, máy thu hoạch lá chè nhưng những tỉnh Sơn La, Lai Châu dù cần máy móc áp dụng vào nông nghiệp nhưng Khoa chưa tiếp cận được với doanh nghiệp ở khu vực này để chế tạo máy.
Thêm nữa, thầy Việt Anh chia sẻ, hoạt động chuyển giao công nghệ được ngành tiến hành thường xuyên nhưng chủ yếu hợp tác với những doanh nghiệp vừa, chưa có doanh nghiệp lớn. Chính vì thế, cần có cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ hoạt động liên kết nhà trường – doanh nghiệp (một bên có chuyên môn – một bên có kinh phí), nhất là những doanh nghiệp lớn về công nghệ chế tạo để thuận lợi cho quá trình nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lĩnh vực chế tạo máy.
Thiếu thiết bị máy móc hiện đại học phục vụ công tác đào tạo
Cùng chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Ngô Thanh Tuấn - Phó Trưởng khoa Khoa Cơ - Điện, Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho rằng, so với các ngành nghề khác, mức lương chuyên ngành Công nghệ Chế tạo máy được đánh giá ở mức vừa phải.
Theo thầy Tuấn, sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ Chế tạo máy của Trường Đại học Mỏ - Địa chất có thể làm việc ở các vị trí như: thiết kế, chế tạo, vận hành, bảo dưỡng các loại máy móc, thiết bị; chuyên gia kỹ thuật làm việc ở nhà máy, phòng thí nghiệm…
Những năm gần đây, chương trình đào tạo của chuyên ngành Công nghệ Chế tạo máy được chuyển đổi theo hướng ứng dụng, chú trọng đến việc phát triển kỹ năng thực hành và kỹ năng mềm cho sinh viên. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp để sinh viên có cơ hội thực tập, trải nghiệm thực tế, tích luỹ kinh nghiệm làm việc. Từ đó, giúp người học đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp.
Bên cạnh những thuận lợi, thầy Tuấn cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay là cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo chuyên ngành Công nghệ Chế tạo máy của trường chưa đáp ứng được yêu cầu hiện đại.
Ngoài ra, ngành còn đối mặt với một số khó khăn như đòi hỏi nhiều chi phí đầu tư cho cơ sở vật chất; công nghệ kỹ thuật liên tục phát triển, chương trình cập nhật thường xuyên; đào tạo kỹ năng thực hành, kỹ năng mềm cần phải có thời gian và kinh nghiệm thực tế,...
Đề xuất một số giải pháp nhằm khắc phục khó khăn trong đào tạo chuyên ngành Công nghệ Chế tạo máy của trường, thầy Tuấn cho rằng, nhà nước cần đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo; có chính sách khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, phát triển công nghệ trong lĩnh vực cơ khí.
Về phía doanh nghiệp, cần phối hợp với trường đại học, cao đẳng để tổ chức hoạt động thực tập, thực hành, dự án cho sinh viên. Đồng thời, doanh nghiệp quan tâm đầu tư cho nghiên cứu và phát triển để nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động tìm kiếm công nghệ mới ứng dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh.