LTS: Tiếp tục loạt bài về kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước; hôm nay, Đại tá Đặng Việt Thủy nhắc nhớ bạn đọc về trận chiến đấu đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất của quân đội ta...
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Đầu tháng 4 năm 1975, ngay sau khi Cam Ranh giải phóng, Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 đã chỉ thị cho Sư đoàn 10 tranh thủ củng cố đơn vị và khẩn trương tổ chức cơ động vào miền Đông Nam Bộ, tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn.
Được Bộ tư lệnh Quân đoàn nhất trí, sư đoàn để lại toàn bộ số pháo 122mm, thay bằng pháo 105 thu được của địch, vừa đỡ công vận chuyển bổ sung đạn pháo 122mm, vừa có thể tận dụng được đạn pháo 105mm của địch trong quá trình chiến đấu.
Khó khăn lớn nhất đối với sư đoàn lúc này là phương tiện vận chuyển. Mặc dù Bộ tư lệnh Quân đoàn đã ưu tiên xe vận tải, nhưng tính ra sư đoàn vẫn còn thiếu tới 60 xe.
Để giải quyết khó khăn này, Bộ tư lệnh sư đoàn cử đồng chí Lê Quang Mỹ, chủ nhiệm chính trị sư đoàn, trực tiếp làm việc với Ủy ban quân quản thị xã Nha Trang, Cam Ranh để vận động đồng bào đưa xe tới giúp bộ đội; đồng thời tận dụng số xe thu được của địch phục vụ việc vận chuyển cơ động lực lượng.
Sau 72 giờ chuẩn bị ở Cam Ranh, toàn sư đoàn xuất phát, theo trục đường 450, nhằm hướng Nam tiến tới. Cuộc hành quân của sư đoàn diễn ra dưới bom đạn đánh chặn ác liệt của quân địch.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Ngày 10 tháng 4, tiểu đoàn công binh cầu phà Trung đoàn 7 bị địch đánh cháy 6 xe chở phà. Ngày 11, Trung đoàn 28 bị cháy 5 xe. Ngày 12, sư đoàn bộ binh và Trung đoàn 4 bị cháy 7 xe.
Ngày 13, Trung đoàn 24 bị cháy 9 xe... đường 450 trở thành tọa độ lửa. Nhưng cả đoàn xe hàng trăm chiếc chở đầy bộ đội và súng đạn, lương thực vẫn hùng dũng lao lên phía trước.
Chiều ngày 13 tháng 4, khối sư đoàn bộ binh, Trung đoàn 4 pháo binh, Trung đoàn 28 bộ binh, Trung đoàn 7 công binh và Trung đoàn 273 xe tăng, vượt qua bom đạn địch, hành quân về tới Đơn Dương (Đà Lạt).
Binh pháp quan trường - kế thứ hai: “Tân tạo nhân diện”
(GDVN) - Trong dân gian, người Việt cũng lưu truyền nhiều kiến thức về Nhân trắc học cho hậu thế,...“mặt vuông chữ điền”, “mặt sắt đen xì” ,“mặt thịt”.
Đồng bào vùng mới giải phóng vô cùng sung sướng ào ra đứng chật hai bên đường chào đón các chiến sĩ quân giải phóng.
Ngay tối ngày 13 tháng 4, Tư lệnh Quân đoàn điều bổ sung nhiệm vụ: Sư đoàn 10 không tập kết ở Định Quán trên đường 20 nữa mà quay lại đường 21 đi Buôn Ma Thuột, sau đó theo đường 14 về Lộc Ninh, tập kết phía nam quận lỵ Chơn Thành.
Nhận được chỉ thị của trên, Bộ tư lệnh sư đoàn thấy rằng khối đi đầu của sư đoàn vừa vượt qua một tuyến đường địch đánh phá rất ác liệt, nếu cho đội hình quay lại đường cũ sẽ bị tổn thất thêm, qua cân nhắc, tính toán thời gian sư đoàn có mặt ở vị trí quy định và để phù hợp với tình hình thực tế, Bộ tư lệnh sư đoàn đề nghị Tư lệnh Quân đoàn cho sư đoàn hành quân trên hai đường:
1. Bộ phận đã tới Đơn Dương tiếp tục đi theo quốc lộ 20 đến Di Linh rẽ sang Gia Nghĩa về Kiến Đức. 2. Bộ phận đang còn ở Nha Trang - Cam Ranh và các đơn vị đang đi trên đường 450 sẽ quay lại theo đường 21 về Buôn Ma Thuột. Toàn sư đoàn sẽ hội quân ở Kiến Đức.
Đề nghị đó của sư đoàn được Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 đồng ý. Chiều ngày 20 tháng 4, cánh quân từ Di Linh đi xuống đã gặp cánh quân từ Buôn Ma Thuột đi vào tại Kiến Đức, đúng như dự kiến.
Ngày 21 tháng 4, đội hình sư đoàn tiếp tục hành quân. Xe tới Lộc Ninh rồi qua An Lộc và đến Chơn Thành. Đêm ngày 22 rạng ngày 23, toàn sư đoàn đã đến vị trí tập kết chiến dịch tại một cánh rừng cao su thuộc huyện Dầu Tiếng, tỉnh Thủ Dầu Một.
8 giờ sáng ngày 23 tháng 4, sư đoàn trưởng Hồng Sơn và chính ủy Lã Ngọc Châu về sở chỉ huy Quân đoàn 3 nhận lệnh. Tại sở chỉ huy Quân đoàn 3, Thiếu tướng Vũ Lăng, Tư lệnh Quân đoàn chính thức giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 10.
Sư đoàn 10 được tăng cường Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320), Trung đoàn 198 đặc công, Trung đoàn 234 cao xạ, hai tiểu đoàn xe tăng, một đại đội xe tăng M41, M48, một tiểu đoàn pháo 155, một trung đội A72 và được các cụm pháo binh số 4, số 6 chi viện.
Nhiệm vụ tác chiến của sư đoàn như sau: Sử dụng một trung đoàn bộ binh ngày N (29-4-1975) hiệp đồng với Trung đoàn 198 đặc công, đánh chiếm cầu Bông, cầu Sáng, Thành Quan Năm (nếu Trung đoàn 198 không dứt điểm); bao vây tiến tới dứt điểm địch ở Hóc Môn, tạo bàn đạp cho lực lượng chủ yếu của sư đoàn thọc sâu vào nội đô.
Nếu địch phá mất cầu phải tổ chức vượt sông đánh tạo bàn đạp, diệt Thành Quan Năm, vây Hóc Môn, chi viện cho công binh Quân đoàn vào triển khai bảo đảm vượt sông.
Lực lượng còn lại của sư đoàn và các đơn vị tăng cường tạo thành một binh đoàn đột kích mạnh sẵn sàng dùng cơ giới thọc sâu vào nội đô đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, mà trọng điểm là bộ tư lệnh dù, bộ tư lệnh không quân, bộ tư lệnh sư đoàn 5 không quân ngụy.
Sau đó phát triển tích cực phối hợp với đơn vị bạn đánh chiếm bộ tổng tham mưu ngụy và tùy tình hình sẽ xác định nhiệm vụ phát triển vào các mục tiêu trong thành phố.
Ngày 25 tháng 4, Thường vụ Đảng ủy sư đoàn họp quán triệt nhiệm vụ của Bộ tư lệnh Quân đoàn và bàn phương án tác chiến. Về cách đánh, sư đoàn xác định hai bước chiến đấu then chốt:
Bước 1: Đánh chiếm cầu Bông, cầu Sáng, bao vây tiêu diệt Thành Quan Năm, Hóc Môn, bao vây trại huấn luyện Quang Trung. Nếu có điều kiện thì nhanh chóng tiêu diệt các mục tiêu trên.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Cách đánh cụ thể là: Lót và luồn đặc công vào tập kích; tiếp đó tung một lực lượng bộ binh mạnh vào trợ lực đánh địch, rồi phát triển bao vây trong hành tiến đánh chiếm Thành Quan Năm và Hóc Môn.
Bước 2: Khi bước 1 thắng lợi, nắm vững thời cơ, nhanh chóng đưa lực lượng binh chủng hợp thành thọc sâu đánh thẳng vào Tân Sơn Nhất bằng hiệp đồng binh chủng dưới sự chỉ huy thống nhất của sư đoàn và Quân đoàn.
Về sử dụng lực lượng: Trung đoàn 198 đặc công và Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320) là lực lượng chủ yếu thực hiện nhiệm vụ tác chiến ở bước 1;
Trung đoàn 24 và Trung đoàn 28 được tăng cường xe tăng, pháo binh, pháo cao xạ hình thành cụm cơ động thọc sâu dưới sự chỉ huy thống nhất của sư đoàn.
Trung đoàn 24 tiến theo trục đường 6 và quốc lộ, thọc sâu đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, trọng điểm là bộ tư lệnh dù, bộ tư lệnh không quân và bộ tư lệnh sư đoàn 5 dù.
Trung đoàn 28 tiến theo trục đường 5 về đánh chiếm bộ tư lệnh không quân ngụy, sau đó phát triển phối hợp cùng đơn vị bạn đánh chiếm bộ tổng tham mưu ngụy.
Trung đoàn 4 pháo binh, Trung đoàn 273 xe tăng, Trung đoàn 234 cao xạ có nhiệm vụ chi viện phối hợp cùng bộ binh đánh chiếm các mục tiêu. Trung đoàn 66 là lực lượng dự bị của sư đoàn trong chiến dịch.
Chiều ngày 25 tháng 4, Bộ tư lệnh sư đoàn mở hội nghị quân chính nhằm quán triệt nhiệm vụ và thống nhất phương án tác chiến. Hơn 200 cán bộ chủ trì của các đơn vị trong sư đoàn cùng các đơn vị tăng cường đã về dự.
Trong lúc hội nghị quân chính đang tiến hành, các phân đội trinh sát, công binh bắt đầu lên đường bám địch, mở đường. Việc bảo đảm đường cơ động cho sư đoàn thọc sâu hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ tiến công.
Bộ tư lệnh sư đoàn cử đồng chí Đinh Văn Lý, phó tham mưu trưởng sư đoàn và đồng chí Cao Thọ Hường, trưởng ban công binh trực tiếp chỉ huy việc bảo đảm đường cơ động.
Các chiến sĩ công binh, trinh sát đóng giả dân, vượt qua đồn bốt địch, bí mật phân chia từng đoạn để trinh sát, đánh dấu tuyến rồi mới nối lại thành trục đường.
Càng gần đến ngày chiến dịch mở, không khí chuẩn bị của sư đoàn càng sôi động hẳn lên. Ở các trạm trú quân, các chiến sĩ chia vải đỏ khâu băng làm tín hiệu nhận nhau; hoặc chụm đầu quanh tấm sơ đồ thành phố Sài Gòn còn thơm mùi mực in do quân đoàn vừa gửi xuống để làm quen với những đường phố, những khu vực mục tiêu và thảo luận về các tình huống chiến đấu.
Trưa ngày 27 tháng 4, tám chiến sĩ biệt động thành Sài Gòn trong đó có chiến sĩ gái Nguyễn Thị Trung Kiên làm nhiệm vụ dẫn đường cũng đã có mặt tại sở chỉ huy sư đoàn ở Bến Súc. Cả sư đoàn sẵn sàng bước vào trận đánh.
Đêm 28 tháng 4, theo đúng kế hoạch hiệp đồng, các chiến sĩ Trung đoàn đặc công 198 và Trung đoàn 64 nhanh chóng bí mật tiến về cầu Bông, cầu Sáng. Cầu Bông nằm trên đường 1, cầu Sáng nằm trên đường 15, cả hai con đường này đều chạy qua cánh đồng lúa Củ Chi, Hóc Môn trước khi vào Sài Gòn.
Quyết tâm của Bộ tư lệnh Sư đoàn 10 là sử dụng Trung đoàn đặc công 198 bí mật áp sát, tiến công táo bạo, kiên quyết đánh thật nhanh, thật mạnh, áp đảo quân địch không cho chúng kịp trở tay phá cầu.
Đồng thời dùng Trung đoàn 64 luồn sâu, sẵn sàng tiếp sức cùng đặc công đánh chiếm bằng được hai chiếc cầu. Nếu địch phá cầu trước khi ta tiến công, thì Trung đoàn 64 nhanh chóng cơ động vượt kênh Sáng, đánh chiếm bàn đạp phía nam để Quân đoàn đưa công binh và pháo cao xạ vào bắc phà bảo đảm đường cho sư đoàn thọc sâu.
Bộ tư lệnh sư đoàn quyết định thời cơ đánh chiếm cầu Bông, cầu Sáng là lúc Sư đoàn 320 bắt đầu tiến công sư đoàn 25 ngụy trong căn cứ Đồng Dù.
Suốt đêm 28 tháng 4, các chiến sĩ Trung đoàn đặc công 198 và Trung đoàn 64 tiến vào cầu Bông, cầu Sáng dưới ánh sáng của pháo sáng địch từ Đồng Dù, Củ Chi, Trảng Bàng bắn lên không ngớt. Máy bay C130 của chúng bay dọc đường 1 và đường 15 bắn như vãi đạn. Nhưng nhờ công tác ngụy trang được thực hiện chu đáo, bộ đội chấp hành kỷ luật hành quân nghiêm, các đơn vị của ta đều đã chiếm lĩnh trận địa bí mật, an toàn, đúng thời gian quy định.
3 giờ 30 phút sáng 29 tháng 4, giờ nổ súng của Sư đoàn 10 đã điểm... Các chiến sĩ đặc công Tiểu đoàn 20 với lối đánh gần sở trường, nhanh chóng chiếm gọn cầu Bông.
Sau những phút đầu choáng váng, bọn biệt kích dù ngoan cố tổ chức phản kích mong chiếm lại cầu Bông. Nhằm tăng sức tiến công cho tiểu đoàn 20, Bộ tư lệnh sư đoàn chỉ thị cho Trung đoàn 64 đưa đại đội 10 vào tham gia chiến đấu.
Bất chấp pháo binh và máy bay địch bắn chặn, các chiến sĩ đại đội 10 vượt lên mặt đường 1, tiến vào tiếp sức cùng bộ đội đặc công chiến đấu. Trận đánh kéo dài 50 phút thì dứt điểm. Tiểu đoàn 81 biệt kích dù hoàn toàn bị tiêu diệt và tan rã.
Cầu Bông, trận cảm tử của bộ đội xe tăng trước cửa ngõ Sài Gòn
(GDVN) - Đêm 17 tháng 4 năm 1975, mặc dù máy bay, tàu chiến địch đánh chặn đường, địch gài mìn phá cầu, nhưng Tiểu đoàn 5 xe tăng của ta vẫn tiến công như vũ bão.Trên hướng cầu Sáng, vì đường xa, lại phải luồn tránh địch nên khi Tiểu đoàn 2 vào tới vị trí triển khai thì trời đã sáng. Địch phát hiện được, nổ súng ngăn chặn.
Cuộc chiến đấu trở nên phức tạp. Bộ tư lệnh sư đoàn lập tức tung một đại đội của Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 64 vào tiếp sức. Sau 30 phút chiến đấu, đặc công và bộ binh ta làm chủ cầu Sáng.
Cùng thời gian này chấp hành nhiệm vụ của Bộ tư lệnh Sư đoàn 10 giao cho Trung đoàn 64 (thiếu) cũng tiêu diệt và làm tan rã tiểu đoàn 99 biệt động quân ở ấp Phố Mới.
Các sư đoàn bạn (316, 320) cũng đã hoàn thành về cơ bản nhiệm vụ phá vỡ tuyến phòng thủ vòng ngoài trên hướng tây bắc Sài Gòn. Thời cơ để Sư đoàn 10 thọc sâu đánh vào nội đô đã đến.
5 giờ 30 phút ngày 29 tháng 4, Trung đoàn 24 và Trung đoàn 28 cùng xe tăng, thiết giáp, pháo binh, cao xạ được lệnh xuất kích.
Theo lộ tiêu do công binh cắm sẵn trên hai trục đường 5 và 6, xe ủi đất đi trước húc tung các bờ rừng, mô đất mở đường cho xe tăng và ô tô chở quân đi theo.
347 xe các loại, tươi lá ngụy trang, cắm cờ giải phóng theo đội hình hàng dọc nối nhau băng qua cánh đồng Củ Chi như một cơn lốc tràn về Sài Gòn.
Sáng 29 tháng 4, trên cơ sở nắm vững lực lượng địch bị tan vỡ nặng ở tuyến phòng thủ vòng ngoài, Bộ tư lệnh sư đoàn quyết định cho Trung đoàn 24 không đi đường vòng tránh Củ Chi như kế hoạch trước mà tiến thẳng lên đường 1, thọc qua quận lỵ này.
10 giờ 50 phút, phân đội phái đi trước của Trung đoàn 24 tiến cách Củ Chi 4km thì gặp một lực lượng bộ binh và thiết giáp của địch ngăn chặn.
Đơn vị đã kịp thời triển khai chiến đấu diệt 4 xe tăng thiết giáp và một trung đội địch. 11 giờ sáng ngày 29, bộ binh và xe tăng ta thừa thắng nhanh chóng thọc qua Củ Chi tiến về cầu Bông.
Cùng thời gian đó, tại cánh đồng Tân Phú Trung, một đoàn xe tăng, xe bọc thép và xe ô tô của địch từ Hậu Nghĩa trên đường rút về Sài Gòn cũng tiến thẳng vào cầu Bông.
Các chiến sĩ Trung đoàn 64 và Trung đoàn 198 đặc công chốt ở đây lúc đầu tưởng đó là lực lượng đột kích của sư đoàn, nhưng thấy trên xe không cắm cờ và thấy lính địch đội mũ sắt, lập tức triển khai chiến đấu.
Bị đánh bất ngờ, đoàn xe địch ùn lại. Giữa lúc đó, cánh quân của Trung đoàn 24 từ Củ Chi ập đến. Thấy các xe tăng M41, M48 chiến lợi phẩm đi trong đội hình tiến quân của Trung đoàn 24, bọn địch lầm tưởng là đồng bọn của chúng từ Tây Ninh thua trận chạy về.
Nhưng khi thấy xe ngụy trang cắm cờ, chúng ngơ ngác chưa biết xử trí ra sao, thì đã bị xe tăng M41, M48 của đại đội 9 do đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng, chỉ huy xông tới nổ súng.
Trong thế bị đánh cả hai đầu, xe tăng địch hoảng loạn nhào xuống cánh đồng lúa phía nam cầu Bông. Từ trên đường 1, xe tăng và bộ binh ta dùng hỏa lực nhằm từng chiếc xe địch nổ súng, 28 xe tăng, xe bọc thép và hàng chục xe GMC bốc cháy, toàn bộ quân địch bị diệt. Trung đoàn 24 tiếp tục phát triển đánh chiếm Thành Quan Năm.
Quân địch ở Thành Quan Năm ngăn chặn quyết liệt, chỉ huy Trung đoàn 24 lệnh cho đại đội 7 Tiểu đoàn 5 xuống xe chia thành hai mũi đánh thọc hai bên phối kết hợp với lực lượng xe tăng đột kích chính diện.
Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 198 theo kế hoạch phải đánh Thành Quan Năm cùng lúc với đánh cầu Bông, cầu Sáng nhưng đơn vị gặp khó khăn chưa tổ chức đột phá được, nay thấy xe tăng và bộ binh ta tiến công, liền nổ súng phối hợp chiến đấu.
Trận đánh kéo dài 30 phút, toàn bộ quân địch trong Thành Quan Năm bị tiêu diệt và tan rã.
14 giờ 30 phút, Trung đoàn 24 tới trại huấn luyện Quang Trung.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Tại đây, địch lợi dụng lô cốt, nhà tầng bố trí hỏa lực đánh chặn. Chỉ huy Trung đoàn 24 dùng 1 đại đội và 3 xe tăng phối hợp với Tiểu đoàn đặc công 115 đánh chiếm trại Quang Trung, còn đơn vị tiếp tục phát triển. Địch cho pháo binh từ sân bay Tân Sơn Nhất bắn phá ác liệt chặn đường.
Máy bay trực thăng vũ trang phóng rốc két, bắn đạn 20mm vào đội hình Trung đoàn 24. Các chiến sĩ cao xạ Trung đoàn 234, vừa hành tiến vừa bắn tan xác một máy bay trực thăng vũ trang. Lúc 17 giờ ngày 29 tháng 4, Trung đoàn 24 vượt cầu Tham Lương vào tới ngã ba Bà Quẹo.
Tại ngã ba Bà Quẹo, bộ tổng tham mưu địch đã tung lực lượng lính dù cùng xe tăng, xe thiết giáp ra ngăn chặn. Cuộc chiến đấu ở đây diễn ra ác liệt, 20 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 24 đã ngã xuống, 3 xe thiết giáp bị cháy.
Trung đoàn cao xạ 234 kéo pháo sát theo đội hình hành tiến của bộ binh và xe tăng, bắn rơi 3 máy bay địch, diệt 7 ổ đại liên trên các nhà tầng.
Từ 18 giờ đến 19 giờ 30, địch ba lần dùng xe tăng, xe bọc thép kết hợp bộ binh phản kích. Song cả ba lần chúng đều bị các chiến sĩ bộ binh và xe tăng ta đánh bại, buộc chúng phải lùi về tuyến trong.
Chỉ huy Trung đoàn 24, kịp thời điều đại đội 7 Tiểu đoàn 5 cùng hai khẩu ĐKZ75 áp sát ngã tư Bảy Hiền. Đến 21 giờ ngày 29 tháng 4, mũi thọc sâu binh chủng hợp thành của Sư đoàn 10 tiến cách sân bay Tân Sơn Nhất và bộ tổng tham mưu địch khoảng 2km.
Trên hướng đường 15, cánh quân của Trung đoàn 28 sau khi tiêu diệt quân địch ngăn chặn ở Phú Hòa Đông, đội hình trung đoàn tiến đến Tân Quy thì trời đã về chiều và bị xe tăng, bộ binh địch ngăn chặn.
Chỉ huy Trung đoàn 28 sử dụng đại đội 10, Tiểu đoàn 3 cùng bốn xe tăng và bốn xe K63 tiến công quân địch. Thấy lực lượng ta mạnh, địch tháo chạy về Phú Xương.
Bộ binh và xe tăng ta truy kích diệt 5 xe M113, 15 xe GMC và một số địch, rồi theo đường 15 tiếp tục phát triển.
Khi vượt qua cầu Sáng, các chiến sĩ lái xe tăng mải chiến đấu, không chú ý đến sức tải của chiếc cầu sắt này đã cho xe chạy gần nhau với tốc độ cao, tạo ra lực cộng hưởng lớn, chiếc xe tăng thứ ba vượt được ba phần tư cầu thì cầu sập, chiếc xe tụt xuống sông.
Trung đoàn 28 phải quay trở lại Tân Quy theo tỉnh lộ 8 qua Đồng Dù tiến sang cầu Bông, phát triển chiếm khu tây nam trại Quang Trung. 18 giờ 30 phút, Trung đoàn 28 tiến đến cầu Tham Lương thì dừng lại triển khai đội hình chiến đấu.
Quốc gia đội sổ và… báo cáo Thủ tướng
(GDVN) - Đất nước chỉ có một Thủ tướng nhưng có 63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương, 22 cơ quan cấp bộ, liệu rồi đây còn bao nhiêu vụ việc sẽ lại đến tay Thủ tướng?
23 giờ ngày 29 tháng 4, Bộ tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh điện giao thêm nhiệm vụ cho Bộ tư lệnh Quân đoàn 3, dùng lực lượng đánh chiếm bộ tổng tham mưu ngụy, coi đó là nhiệm vụ chính thức của Quân đoàn, không phải nhiệm vụ phát triển hiệp đồng.
Chỉ còn sáu tiếng đồng hồ nữa là tổng tiến công vào nội thành Sài Gòn bắt đầu. Bộ tư lệnh sư đoàn nghiên cứu tính toán lực lượng và quyết định giao cho Trung đoàn 28 nhiệm vụ tham gia đánh chiếm bộ tổng tham mưu ngụy.
Toàn bộ xe ô tô chở Trung đoàn 24 cũng được lệnh quay lại nam Bến Súc để đón Trung đoàn 66, sẵn sàng tham gia tiến công.
5 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4, Tư lệnh Vũ Lăng và Chính ủy quân đoàn Đặng Vũ Hiệp đã có mặt tại sở chỉ huy sư đoàn để trực tiếp theo dõi và chỉ đạo trong quá trình tiến công.
7 giờ 15 phút, từ sở chỉ huy Sư đoàn 10, Tư lệnh Quân đoàn ra lệnh tiến công. Toàn bộ các trận địa pháo của Quân đoàn và sư đoàn đồng loạt bắn vào Tân Sơn Nhất và bộ tổng tham mưu ngụy làm một số máy bay địch và kho bom, đạn địch nổ tung.
Giữa lúc quân địch đang hoang mang, dao động trước hỏa lực pháo binh ta, sư đoàn ra lệnh cho Trung đoàn 24 cùng xe tăng đột phá đánh chiếm ngã tư Bảy Hiền.
Tại ngã tư Bảy Hiền, từ đêm 29 tháng 4, địch đã đưa tiểu đoàn 8 dù cùng lực lượng của Biệt khu thủ đô và một chi đội xe tăng M41, M48 ra chốt chặn.
Chúng lợi dụng sân thượng, tháp nước, những ô cửa sổ nhà cao tầng bố trí dày đặc hỏa lực để ngăn chặn ta tiến công.
Đại đội 7 Trung đoàn 24 cùng 8 xe tăng, xe thiết giáp Trung đoàn 273 anh dũng đột kích mở đường.
Để đập tan cụm phòng thủ của địch tại ngã tư Bảy Hiền, đại đội trưởng đại đội 7 Trịnh Bá Tư cho Trung đội 1 có chiến sĩ biệt động thành dẫn đường mở một mũi lên hướng bệnh viện "Vì dân" thọc sâu vào sườn địch, tạo đà cho đơn vị tiến công vào chính diện.
Đại đội trưởng xe tăng Nguyễn Xuân Trường chỉ huy đơn vị táo bạo mở mũi đột kích mạnh chi viện đắc lực cho bộ binh đánh thẳng vào bọn địch phản kích.
Xe tăng 979 vừa vượt lên thì bị xe tăng địch phục sẵn bắn hỏng pháo. Không chần chừ, trưởng xe Mai Trọng Hoạt cho xe 985 vượt lên.
Bằng một động tác mau lẹ, quyết liệt, lái xe Phùng Văn Tính cho xe của mình lao thẳng vào xe tăng địch. Chiếc xe tăng M48 của địch hoảng sợ chồm lên vỉa hè, bọn địch trong xe khiếp sợ đầu hàng. 8 giờ 45 phút, quân địch cố thủ ngã tư Bảy Hiền bị quét sạch.
9 giờ 5 phút, Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 24 và Tiểu đoàn 1 Trung đoàn xe tăng 273 tiến đến cổng số 5 sân bay Tân Sơn Nhất. Tại đây, địch bố trí nhiều hỏa lực mạnh, có cả hỏa tiễn chống tăng X202 đặt trên xe di động và trên tháp nước.
Đại đội 7 bộ binh bị hỏa lực địch chặn lại. Tiểu đoàn 5 nhiều lần đột phá nhưng vẫn không thành. Ba xe tăng T54 dẫn đầu của ta bị cháy nằm cản giữa đường.
Pháo thủ xe tăng Nguyễn Trần Đoàn bị thương dập nát cánh tay vẫn không rời vị trí chiến đấu. Đoàn nhờ y tá cắt cánh tay cho khỏi vướng, tiếp tục chiến đấu.
Hành động quả cảm của Nguyễn Trần Đoàn đã cổ vũ mạnh mẽ cán bộ, chiến sĩ ta xốc tới, đánh tan quân địch. Để đập tan ổ đề kháng của địch ở cổng số 5, cán bộ chỉ huy Trung đoàn 24 điều hai pháo 85 lên tổ chức trận địa bắn thẳng, chi viện cho bộ binh mở đợt xung phong mới.
9 giờ 45 phút, Trung đoàn 24 cùng xe tăng chia thành hai mũi đánh vào Tân Sơn Nhất. Các chiến sĩ Tiểu đoàn 5 tràn qua cổng số 5 tiến công khu truyền tin, bộ tư lệnh sư đoàn 5 không quân, bắt sống 3 tên đại tá Lê Hữu Tiên, Trần Quang Thái, Nguyễn Duy Phụng chỉ huy sư đoàn 5 không quân. Tiểu đoàn 4, Tiểu đoàn 6 theo cổng số 4 đánh chiếm bộ tư lệnh dù, bộ tư lệnh không quân và các mục tiêu xung quanh.
Đại đội 9, Tiểu đoàn 6 nhanh chóng phát triển tới trại Đa-vít nơi đặt trụ sở phái đoàn quân sự của ta.
Cuộc gặp gỡ giữa các chiến sĩ Trung đoàn 24 với các đồng chí trong phái đoàn diễn ra vô cùng cảm động.
Đồng chí trưởng đoàn Hoàng Anh Tuấn và các đồng chí trong đoàn ôm hôn thắm thiết trung đoàn trưởng Vũ Tài và các chiến sĩ đại đội 9, những nụ cười và cả những giọt nước mắt vui mừng lăn nhanh trên má mọi người...
Đại đội 9 được lệnh ở lại bảo vệ phái đoàn. Các lực lượng còn lại của Tiểu đoàn 6 tiếp tục phát triển đánh chiếm bộ tư lệnh không quân ngụy.
11 giờ, đại đội 11 Tiểu đoàn 6 tiến vào bộ tư lệnh không quân ngụy. Giữa sân, trước ngôi nhà chính, một con đại bàng đúc bằng đồng sải cánh dài 2 mét, biểu tượng sức mạnh "không lực Việt Nam cộng hòa" bị trúng đạn, đầu gục xuống, thảm hại.
11 giờ 30 phút, Trung đoàn 24 làm chủ hoàn toàn sân bay Tân Sơn Nhất - căn cứ không quân lớn nhất của quân đội Sài Gòn. Lá cờ "Quyết thắng" truyền thống của quân đội ta được các chiến sĩ đại đội 11 kéo lên đỉnh cột cờ cao vút, tung bay trong nắng.
Trong khi Trung đoàn 24 đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ tư lệnh sư đoàn ra lệnh cho Trung đoàn 28 và Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 273 xe tăng lợi dụng bàn đạp của Trung đoàn 24 nhanh chóng đánh chiếm bộ tổng tham mưu ngụy.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
9 giờ 30 phút, lực lượng đi đầu của Trung đoàn 24 tiến qua Lăng Cha Cả, giữa lúc cuộc chiến đấu của Trung đoàn 24 diễn ra quyết liệt ở cổng số 5.
Nhận rõ thời cơ lúc này là vô cùng quý giá, phó sư đoàn trưởng Võ Khắc Phụng và phó trung đoàn trưởng Đỗ Mùi ra lệnh cho bộ binh và xe tăng vừa đi vừa đánh địch mở đường.
Khi đơn vị tiến đến cổng chính vào bộ tổng tham mưu ngụy thì bọn địch bảo vệ khu vực này đóng kín cổng tổ chức cố thủ ở bên trong.
10 giờ sáng 30 tháng 4, Tiểu đoàn 3 với Tiểu đoàn 2 xe tăng và các đơn vị công binh, trinh sát, cao xạ cùng tổ chức đột phá vào cổng chính.
Từ trong bộ tổng tham mưu ngụy, xe tăng và bộ binh địch bò ra bịt cổng chính kết hợp với mũi phản kích từ phía nam tới. Một xe tăng địch vừa xuất hiện đã bị xe tăng 815 do đại đội phó Đỗ Hồng Kỳ chỉ huy bắn cháy.
Chiếc xe M113 đi sau hốt hoảng quay đầu tháo chạy nhưng nó đã bị xe tăng 815 đuổi theo kết liễu bằng một đường đạn chính xác.
Bộ binh địch hoảng sợ bỏ chạy tán loạn; một đại đội địch hạ vũ khí đầu hàng. Thừa thắng, Trung đoàn 28 chia thành hai mũi, một mũi đánh tràn vào cổng chính, một mũi khác đánh vòng sang phía đông nam, 3 xe tăng M41 cuối cùng của địch tiến ra phản kích cũng lập tức bị bắn cháy tại chỗ.
Vượt qua cổng chính, xe tăng 982 do Nguyễn Hữu Thìn và xe tăng 815 do đại đội phó Đỗ Hồng Kỳ chỉ huy dẫn đầu tiến thẳng đến thềm cao ngôi nhà chính của tổng hành dinh quân địch.
Lúc này các chiến sĩ Trung đoàn 48 Sư đoàn 320B Quân đoàn 1 cũng đã áp sát ngôi nhà. Được sự yểm trợ của xe tăng, tổ cắm cờ đại đội 10 anh hùng do Nguyễn Duy Tân, Trần Lựu chỉ huy và tiếp đó tổ cắm cờ của Trung đoàn 48 Sư đoàn 320B nhanh chóng leo lên tầng cao nhất của ngôi nhà chính bộ tổng tham mưu ngụy cắm cờ.
Lá cờ chiến thắng, lá cờ nửa đỏ nửa xanh với ngôi sao vàng năm cánh rực rỡ bắt đầu tung bay trên tổng hành dinh quân ngụy, báo tin toàn thắng đã về ta. Lúc này đúng 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Dưới sự chỉ huy của chính ủy trung đoàn Nguyễn Ngọc Xuân và chính trị viên tiểu đoàn 3 Nguyễn Văn Quý, chiến sĩ ta tiến vào kiểm soát các phòng làm việc của tòa nhà bộ tổng tham mưu ngụy.
Cao Văn Viên đã chạy trốn ra nước ngoài, nhưng căn phòng làm việc của y vẫn còn nguyên những hiện vật và tài liệu quân sự.
Chiến sĩ Trung đoàn 28 phát triển chiếm nhà ở của Nguyễn Văn Thiệu đã chạy trốn ra nước ngoài, nhưng giấy thông hành, gậy chỉ huy, lon vai trung tướng, con dấu "Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu" vẫn còn nằm trong tủ. Trung đoàn 28 đã thu toàn bộ những hiện vật đó.
Cùng trong thời gian này, các chiến sĩ Sư đoàn 320B Quân đoàn 1 đã đánh vào bộ tổng tham mưu ngụy từ một hướng khác.
Bộ đội ta liên tiếp đánh chiếm khu nhà tầng, trận địa pháo và sân bay lên thẳng của địch ở gần cổng số 2, chiếm khu thông tin, phòng nhất, phòng nhì, tổng cục tiếp vận và tiến vào khu trung tâm phối hợp với các chiến sĩ Trung đoàn 28 chiếm lĩnh và bảo vệ ngôi nhà chính của bộ tổng tham mưu quân đội Việt Nam cộng hòa.
* Nguồn trích dẫn:
- "Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam (1944-1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2005.
- "Đại thắng mùa xuân 1975 kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam", Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2005.
- "Năm 1975 - Những sự kiện lịch sử trọng đại" - Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2010.