Những chiêu ép buộc học thêm, tâm sự của một hiệu phó tai nghe mắt thấy

25/10/2020 06:07
Hoàng Sa Việt
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phải thừa nhận rằng, các giáo viên ép học sinh đi học thêm luôn được sự “che chở, bảo lãnh, chống lưng ” của hiệu trưởng.

LTS: Vấn nạn học thêm, dù báo chí, các cấp chủ quản, kể cả được đưa ra diễn đàn Quốc hội nhưng đến nay vẫn chưa “trị” dứt điểm chuyện này !

Càng ngày chuyện học thêm càng được “tiến hành’ một cách tinh vi, rất có “bài bản” nên nếu là người ngoài, không thể dễ dàng phát hiện ra được.

Hôm nay, tác giả Hoàng Sa Việt, một nhà giáo giữ cương vị phó hiệu trưởng một trường phổ thông chuyên gửi tới Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam một số chiêu thức ép buộc học sinh đi học thêm mà thầy đã tìm hiểu được.

Là người “trong cuộc”, từng dạy học, làm cán bộ quản lý nên tôi tìm hiểu mãi mới manh nha tìm ra được một số chiêu thức ép buộc các em đi học thêm !

Thứ nhất là các giáo viên này luôn được sự “che chở, bảo lãnh, chống lưng” của hiệu trưởng. Nhiều khi thấy các giáo viên bộ môn Toán, Lý, Hóa, Anh văn… luôn đi chung, ăn sáng chung, trò chuyện “thân mật” cùng hiệu trưởng, tôi chỉ nhìn lớt phớt và ngây thơ cho đó là chuyện “giao tiếp” bình thường.

Sau này mới biết sự thực, đó là những giáo viên dạy thêm “có thâm niên” của trường! Một hiệu trưởng từng nói với tôi rằng “Mấy thầy “bóp cổ” học sinh thì mình phải biết “bóp cổ” lại mấy thầy cho nó “ói ra” chứ ”!

Những dịp làm lễ sinh nhật hiệu trưởng; sinh nhật con hiệu trưởng; mời tiệc tân niên, đám cưới, đám giỗ nhà hiệu trưởng thì những giáo viên này luôn có mặt để “chung vui” !

Tác giả cho rằng, các giáo viên ép học sinh đi học thêm luôn được sự “che chở, bảo lãnh, chống lưng ” của hiệu trưởng.(ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Tác giả cho rằng, các giáo viên ép học sinh đi học thêm luôn được sự “che chở, bảo lãnh, chống lưng ” của hiệu trưởng.(ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Vì vậy, giáo viên dạy thêm luôn có “thu nhập” một tháng gấp ba, bốn lần lương và hiệu trưởng cũng có nguồn thu nhập đáng kể từ sự “điều tiết” của những giáo viên này ! Đây là “hợp đồng ăn chia không văn bản” giữa hiệu trưởng và các giáo viên dạy thêm…

Thứ hai là các giáo viên (các bộ môn Toán, Lý, Hóa, Anh văn là chủ yếu), ngay từ đầu năm học, đã cho những bài kiểm tra với độ khó nhất định vì bài phát ra có đến hơn phân nửa lớp bị điểm 1, điểm 2; còn lại điểm 3, 4 … Chỉ có một số ít bài có điểm trên trung bình !

Học sinh tá hỏa vì điểm quá kém và phụ huynh cũng bắt đầu cảm thấy sốt ruột… Một số phụ huynh đề nghị giáo viên dạy thêm và “được lời như cởi tấm lòng” nên giáo viên nêu ra chuyện học thêm trước lớp và nêu lý do để nâng cao kiến thức, cải thiện điểm số.

Khỏi phải nói các em “mừng” đến cỡ nào ! Hàng loạt cánh tay đưa lên đăng ký. Giáo viên phát đơn xin học thêm cho các em đưa về nhà cho phụ huynh ký và nộp vào hôm sau.

Quả nhiên như có “phép thần”, sau vài ba tuần học, khi học phí đã đóng đầy đủ; bài kiểm tra tiếp theo được “cải thiện” rõ rệt ! Nhưng cũng chỉ ở mức “tương đối” để các em còn theo học dài dài…

Cứ cho điểm cao lên từ từ, không vội vàng vì nếu cho điểm cao nhiều thì các em sẽ nghỉ học thêm bởi đã “vượt qua cửa ải”- một giáo viên dạy thêm cho tôi biết bí quyết nhà nghề để giữ chân học thêm như vậy!

Một điều nói rõ thêm là giáo viên luôn có “Sổ điểm cá nhân” để ghi điểm vào đó. Các con điểm này có thể bỏ, xóa, thêm, bớt mà không có sự giám sát, ràng buộc nào của nhà trường. Nếu để “Sổ gọi tên và ghi điểm” (sổ điểm lớn, bản chính thức), một khi đã ghi điểm vào thì nếu sửa cũng có sự quy định chặt chẽ…

Đây có thể là một khoảng hở (không còn là “kẽ hở”) của công tác quản lý chuyên môn trong nhà trường; tạo điều kiện cho việc giáo viên dạy thêm và ghi điểm “tùy thích” để “khủng bố” (điểm 1, 2) hoặc điểm cải thiện sau khi học thêm (điểm trên trung bình) !

Nói tóm lại, việc dạy thêm học thêm trong nhà trường; có hay lạm dụng đều phụ thuộc vào hiệu trưởng công tâm hay không ?

Hoàng Sa Việt